Trường Chinh - Người anh cả trong làng báo (Kỳ 2)

05:09, 19/09/2017

[links()]

Hà Đăng
(Tiếp theo)

    Đồng chí Trường Chinh không tự khen mình mà chỉ nói phải làm thế nào để có một bài báo hay. Quan trọng nhất là chủ đề. Không nắm vững vấn đề, chưa xác định được chủ đề thì chưa nên viết. Viết báo phải chuẩn bị công phu, hình thành trong đầu từ tiêu đề đến trật tự, những ý chính, đoạn mở đầu, đoạn kết thúc... Viết xong phải đọc đi đọc lại, đọc cho mình và cho những người chung quanh nghe, sửa từng câu, từng chữ. Đồng chí nói về kinh nghiệm của Bác Hồ viết báo Luymanitê (Nhân Đạo) vào những năm Người ở Pháp. Đồng chí khuyên người làm báo phải học nhiều, đọc nhiều. Đột nhiên đồng chí hỏi: "Đồng chí có đọc Giôghe (Jaurès) không?". Thoạt đầu, tôi cứ tưởng đồng chí Trường Chinh muốn nói về Tôghê (Thorez), Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Pháp. Nhưng không, đồng chí nhắc lại chữ Giôghe. Ông là chủ bút báo Luymanitê, chuyên viết các bài xã luận của báo và là người viết chính luận bậc thầy. Thật tình thì tôi rất ngắc ngứ vì chưa từng được đọc những bài chính luận nguyên văn tiếng Pháp ấy. May thay, đồng chí Trường Chinh đã chuyển sang một câu hỏi khác: "Đồng chí đọc văn Bác Hồ, có chú ý điều gì không?". Một lần nữa, tôi lúng túng. Không biết Anh Năm muốn nhấn mạnh điều gì. Về văn Bác, biết bao nhiêu điều sâu sắc. Bác viết giản dị, ngắn gọn, súc tích, dễ đọc, dễ hiểu, tính thuyết phục cao. Nhưng liệu đó có phải là những điều Anh Năm muốn nói đến không. Rồi tôi rất ngạc nhiên, coi như một khám phá mới khi nghe anh nói: "Đồng chí có thấy văn Bác rất ít trích dẫn không? Lúc đầu tôi cũng cho là ngẫu nhiên, về sau, hỏi trực tiếp, Bác nói: Mác, Ăngghen, Lênin nói rất đúng. Nhưng hoàn cảnh của Mác, Ăngghen, Lênin hoàn toàn khác hoàn cảnh của chúng ta. Vậy nên muốn nói gì trước hết phải hiểu cho thật rõ điều mà các vị ấy muốn nói, nói cho phù hợp với hoàn cảnh của mình, cho dân mình dễ hiểu. Do đó, Bác viết bằng sự suy nghĩ của mình, Bác rất ít trích dẫn". Rồi Anh Năm nói thêm, đại ý: Viết một bài mà trích dẫn quá nhiều thì như khoe của. Khoe ta đây học nhiều, biết nhiều, thực ra là không biết mấy, chỉ nói theo sách vở, không có chính kiến, giá trị bài không cao. Cũng như người con gái vậy, cần có trang sức nhưng không thể bất cứ cái gì cũng đeo, cũng mang. Vòng xuyến đầy tay, đầy cổ sẽ thành trò phô trương lố bịch, đâu phải điểm trang.

    Đồng chí Trường Chinh nổi tiếng về tính cẩn thận, chu đáo. Những năm mới về lại Thủ đô, dù ở cương vị Tổng Bí thư, đối với những bài xã luận mà đồng chí viết cho báo Nhân Dân, đồng chí thường trực tiếp đến nhà in xem lại bản morát. Lần ấy, đồng chí viết bài xã luận về chủ trương của Đảng cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh. Vì quá bận, không đến được nhà in, đồng chí gọi điện giao nhiệm vụ ấy cho đồng chí Tổng biên tập Hoàng Tùng. Đồng chí Hoàng Tùng, đến lượt mình, lại giao nhiệm vụ cho đồng chí Phó Tổng biên tập Nguyễn Thành Lê. Và đồng chí Nguyễn Thành Lê lại giao nhiệm vụ cho đồng chí Lê Đăng Ninh, giám đốc nhà in... Ngoài những cán bộ chuyên trách ở Ban thư ký theo dõi việc in, Ban biên tập báo Nhân Dân còn tổ chức thêm một "tổ tỉnh táo" để xem lại bản cuối cùng trước khi đưa lên máy in. Chúng tôi phải rà soát cẩn thận từng câu, từng chữ, từng dấu chấm, dấu phẩy. Nửa đêm về nhà, mọi người đều yên trí về tinh thần trách nhiệm của mình. Sáng hôm sau, theo dõi Đài Tiếng nói Việt Nam đọc một cách trang trọng, chính xác bài xã luận ấy trong giờ đầu phát thanh buổi sáng, ai cũng thở phào nhẹ nhõm. Chắc vào giờ này, đồng chí Trường Chinh cũng đã theo dõi và kiểm tra. Tất cả đều hí hửng khi đến cơ quan làm việc. Bất ngờ, khi giở tờ báo Nhân Dân ra, chính ở chuyên mục Xã luận, đã có sự sai sót ngay ở hai từ đầu: Xã Luận thành Xã Xuận! Sốlà trước khi đưa lên bàn in, đồng chí trưởng kíp nhìn thấy chữ L hơi mờ, nên mới lấy một chữ mới thay, nào ngờ trong ô chữ L hoa, có lẫn vào chữ X (!).

    Cuối năm 1964, sau khi tốt nghiệp Trường Đảng Cao cấp trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô trở về Hà Nội, tôi được đồng chí Trường Chinh gọi đến nhà. Lúc này, chủ nghĩa xét lại đang bành trướng. Đồng chí Trường Chinh đặc biệt quan tâm đến công tác lý luận. Đồng chí nói về cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa xét lại và nhiệm vụ của công tác tư tưởng, lý luận. Lý luận của Trường Chinh là lý luận chiến đấu, cực kỳ sắc bén. Đã luận chiến thì phải tập trung đánh thẳng vào chỗ yếu nhất của đối phương, đánh tận gốc, đánh cho các luận điểm sai trái phải "té rạt" đi. Anh Năm bảo anh cần một thư ký trẻ giúp việc anh về công tác lý luận. Nhưng khi biết tôi đã đầu đơn về miền Nam và anh Trinh (Nguyễn Duy Trinh) cũng đã có ý định chọn tôi làm thư ký nên anh thôi. Anh ký tặng tôi quyển sách Kháng chiến nhất định thắng lợi vừa mới được xuất bản. Cuộc nói chuyện này đã để lại trong tôi một dấu ấn sâu sắc: Người làm báo phải biết lý luận và phải quan tâm tới công tác lý luận.

    Chiến tranh phá hoại nổ ra. Cuộc chiến đấu của nhân dân ta trên cả hai miền tuy cực kỳ gian khổ nhưng đã liên tiếp giành thắng lợi vẻ vang. Rồi Hội nghị Pari về Việt Nam. Cuộc tổng tiến công. Nước nhà thống nhất và cùng đi lên chủ nghĩa xã hội. Trong hơn 10 năm, do nhiệm vụ công tác thay đổi, tôi không có dịp trực tiếp được làm việc với đồng chí Trường Chinh như trước. Tuy vậy, những bài phát biểu chính thức của đồng chí với tư cách nhà lãnh đạo, những bài báo và luận văn chính trị của đồng chí thì tôi không bỏ sót bài nào. Vẫn là giọng văn hừng hực lửa chiến đấu. Những lời cổ vũ hào hùng cho chiến thắng.

    Mãi cho đến năm 1983, tôi lại một lần nữa được tháp tùng đồng chí Trường Chinh khi đồng chí trở lại thăm Sơn La với cương vị uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước. Đây là một chuyến đi đặc biệt. Hơn nửa thế kỷ trước, đồng chí đã từng bị thực dân Pháp đưa từ Nhà tù Hà Nội đày lên Sơn La. Xe mới qua khỏi thị xã Hoà Bình, vượt qua Dốc Cun là trong lòng đồng chí đã dậy lên biết bao kỷ niệm. Con đường bị đưa đi đày. Và con đường vượt ngục trở về với vị trí chiến đấu mới. Nhà tù Sơn La và phòng giam.

(còn nữa)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com