Trường Chinh - Người anh cả trong làng báo (Kỳ 1)

05:09, 14/09/2017

[links()]

Hà Đăng

    Bởi đồng chí Trường Chinh là người từng giữ những cương vị cao trong Đảng và Nhà nước ta, người đã từng chỉ đạo công tác và làm việc với nhiều thế hệ cán bộ trong những hoàn cảnh và môi trường hoạt động rất khác nhau, cho nên nhớ về đồng chí, mỗi người chúng ta có một cách riêng. Là một người làm báo, tôi nhớ về đồng chí Trường Chinh không phải với cương vị Tổng Bí thư, Chủ tịch Uỷ ban Thường vụ Quốc hội hay Chủ tịch Hội đồng Nhà nước mà trước hết là nhớ về một người Anh cả trong làng báo, một nhà báo bậc thầy và là người có công lớn trong việc bồi dưỡng cán bộ làm báo của đất nước ta. Đương nhiên, dù ở cương vị nào, đồng chí Trường Chinh cũng luôn luôn toả sáng nét tổng hoà của những gương mặt lớn: nhà chiến lược cách mạng, lãnh tụ chính trị, nhà hoạt động nhà nước, nhà lý luận, nhà báo và nhà thơ.

Cố Tổng bí thư Trường Chinh đang thăm hỏi các chiến sĩ nông nghiệp tại Đại hội anh hùng, chiến sĩ thi đua công nông binh toàn quốc lần 2
Cố Tổng bí thư Trường Chinh đang thăm hỏi các chiến sĩ nông nghiệp tại Đại hội anh hùng, chiến sĩ thi đua công nông binh toàn quốc lần 2.

    Nhờ là phóng viên báo Nhân Dân, tôi có cái may mắn được tiếp cận với đồng chí Trường Chinh từ rất sớm, không bao lâu sau khi tập kết ra Bắc. Vào cuối những năm 50 của thế kỷ XX, với những danh nghĩa khác nhau, đồng chí thường đi thăm và làm việc với nhiều địa phương và cơ sở, cả thành thị, nông thôn và miền núi, cả công nghiệp và nông nghiệp, đơn vị lực lượng vũ trang,... Hầu như mọi chuyến đi đó đều có phóng viên báo Nhân Dân đi theo. Nhưng tuỳ tính chất và đối tượng của từng chuyến đi, báo Nhân Dân được cử phóng viên thích hợp, hoặc về công nghiệp và thành thị hay nông nghiệp và nông thôn,... Nếu là nông nghiệp và nông thôn thì tôi thường là người được chọn. Có những chuyến đi của đồng chí mà tôi không thể nào quên: Thăm và chỉ đạo công tác sửa sai ở Phú Thọ và Vĩnh Phúc. Xem xét phong trào làm thuỷ lợi ở Hưng Yên. Khảo sát phong trào hợp tác hoá ở Thanh Hoá. Thăm và dự Đại hội Đảng bộ các tỉnh Nghệ An, Thanh Hoá, Nam Định, Hải Phòng,...

    Đồng chí Trường Chinh có tác phong làm việc rất cẩn trọng và tỉ mỉ. Trước mỗi chuyến đi, đồng chí đều gọi phóng viên đến nhà cho biết mục đích của chuyến đi, nội dung làm việc, thăm nơi nào, làm việc với ai, cuộc gặp nào phóng viên được dự, cuộc gặp nào chỉ riêng đồng chí dự. Đồng chí không chỉ cho biết những nét lớn về tình hình địa phương và cơ sở sẽ đến mà còn hỏi phóng viên có nắm được gì về địa phương và cơ sở ấy không, về nội dung, đồng chí gợi ý phóng viên nên quan tâm những vấn đề gì. Sau chuyến đi, phóng viên viết tin hoặc bài gửi đến, đồng chí trực tiếp xem lại, sửa những chỗ cần thiết, sửa ít thì gửi trả Toà soạn đăng, sửa nhiều thì gọi phóng viên đến xem lại bản sửa. Đồng chí chỉ ra vì sao phải sửa và hỏi người viết có đồng ý với những chỗ sửa không, nếu không thì trình bày lại.

    Một buổi chiều mùa đông năm 1955, tôi được gọi đến nhà đồng chí để nghe kế hoạch về một chuyến đi. Sau việc chung, đồng chí hỏi về tình hình công tác ở báo Nhân Dân. Có lẽ vì câu chuyện quá ư thân mật nên tôi đã kể tuốt tuồn tuột những công việc đã làm, cái sướng và cái khổ của người làm báo. Tôi kể rằng sau những phiên trực đêm nếu đúng vào dịp nhận được lương thì ra đầu phố ăn một bát phở. Đồng chí Trường Chinh bỗng hỏi: "Thế phở Hà Nội dạo này có ngon không?". Trước cái nhìn gần như sửng sốt của tôi, đồng chí ôn tồn nói: "Thật sự là từ ngày về Thủ đô đến nay, tôi chưa hề được ăn một bát phở chính hiệu. Đồng chí biết đó, anh Trinh (đồng chí Nguyễn Duy Trinh) và một số đồng chí Trung ương khác có thể ra phố và ăn phở được vì ít người biết mặt. Còn tôi, người ta biết nhiều quá, đi không tiện". Ôi, câu nói sao mà chân thật và thân tình đến thế! Một câu nói rất đồng chí và rất người. Ai đã từng làm việc với đồng chí Trường Chinh, nghe đồng chí nói, nhìn đồng chí cười đều cảm nhận được sự chân tình và tin cậy.

    Năm 1957, tôi tháp tùng đồng chí Trường Chinh vào Thanh Hoá. Phóng viên báo Nhân Dân được đặc cách ngồi cùng xe với đồng chí, ở hàng ghế sau, ngay bên tay trái thủ trưởng, ở giữa là một cậu bé chừng bảy, tám tuổi. Xe ra khỏi nội thành Hà Nội hơn mười cây số thì đã thấy ruộng đồng hai bên đường bát ngát. Mấy con trâu hiền hoà gặm cỏ. Đồng chí Trường Chinh bỗng vỗ vai cậu bé và chỉ tay ra ngoài: "Kìa con. Đó là con trâu". Và đồng chí giải thích cho cậu bé hiểu con trâu khác con bò ở chỗ nào. Tôi buột miệng hỏi: "Thưa anh, anh được mấy cháu ạ?". Đồng chí Trường Chinh vui vẻ: "Tôi được bốn cháu. Cháu này tên là Bắc, là cháu thứ tư. Còn cháu đầu tên là Kỳ năm nay 26 tuổi...". Đầu óc tôi như bị nổ tung lên. Chết thật. Sai to rồi. Người con đầu của đồng chí xấp xỉ tuổi tôi! Cái sai không phải vì đã dùng chữ Anh để gọi đồng chí mà là ở chỗ dùng chữ cháu để hỏi về các con của đồng chí. Thời bấy giờ, trừ Bác Hồ và Bác Tôn, tất cả các cán bộ lão thành cách mạng khác đều được gọi bằng anh: Anh Cả (đồng chí Nguyễn Lương Bằng), Anh Năm (đồng chí Trường Chinh), Anh Tô (đồng chí Phạm Văn Đồng), Anh Văn (đồng chí Võ Nguyên Giáp), ... Tôi đã gọi đồng chí Trường Chinh bằng hai chữ thân thương Anh Năm cho đến ngày đồng chí về cõi Bác, mặc dù gần 30 năm sau chuyến đi Thanh Hoá ấy. Năm 1986, tại Đại hội VI của Đảng, anh Đặng Xuân Kỳ và tôi cùng được bầu vào Trung ương. Để gỡ thế lúng túng hồi đó, tôi nói qua quít mấy câu về chủ đề con trâu. Rồi câu chuyện chuyển sang nghề báo lúc nào không biết. Tôi nói tôi rất thích những bài báo của đồng chí Trường Chinh trong Cờ Giải Phóng, và sau này trên báo Sự Thật và báo Nhân Dân. Đó thật sự là những bài chính luận mẫu mực.

(tiếp theo)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com