Những kỷ niệm không thể nào quên (Kỳ 2)

05:09, 07/09/2017

[links()]

Hà Thị Quế

(Tiếp theo)

Tuy cuộc sống thiếu thốn, song nghĩ đến sự nghiệp cách mạng ngày một phát triển, nên lòng ai cũng vui. Để gây không khí phấn khởi, sôi nổi, anh Trường Chinh khởi xướng ra việc làm câu đối và làm thơ đón Xuân. Và anh xung phong đọc trước một đôi câu đôi:

Xuân sắc, xuân sầu, xuân xúng xính,
        Tết tình, tết tnh, tết tung tăng...

    Mọi ngươi vui vẻ đề nghị anh Trường Chinh phân tích ý nghĩa đôi câu đối anh vừa đọc xong. Anh cười giải thích:

Xuân sắc là Xuân về hoa cỏ phô màu sắc.
Xuân sầu
là không có gạo, cả nhà phải ăn cháo và rau lang trừ cơm.
Xuân xúng xính là Xuân về bà con mặc quần áo đẹp tung tăng đi chơi Tết.
Tết tình là lòng mọi người chan hòa tình cảm cách mạng.
Tết tỉnh là phải tỉnh táo để đón đợi thời cơ.
Tết tung tăng là nhiều người vui vẻ, tấp nập đi chơi Xuân.

    Anh động viên mọi người tiếp tục làm thơ. Mọi người nhìn nhau và đùn đẩy. Cuối cùng một đồng chí hưởng ứng:

        Tết về hoa nở Xuân thêm sắc,
        Người người thêm tuổi, sắc thêm xuân.

    Tuy hai câu thơ chẳng ăn nhập với tình cảm, song có dịp để mọi người bàn tán xôn xao, làm cho cái tết tha hương của những người chiến sĩ không nhà, trong xóm nghèo, cũng thêm phần ấm cúng.

    Đầu tháng 3-1945, Thường vụ Trung ương họp bàn việc chuẩn bị tổng khởi nghĩa. Các đồng chí ở An toàn khu II chúng tôi lo quyên góp gạo, tiền, bố trí địa điểm, bàn bạc kế hoạch bảo mật, phòng gian. Các anh đề nghị họp ở huyện Hiệp Hòa, song anh Trường Chinh không đồng ý với lý do: Hiệp Hòa xa Hà Nội quá, sự chỉ đạo sẽ khó khăn. Anh giao cho anh Nguyễn Trọng Tỉnh về tìm địa điểm họp ở chùa Đồng Kỵ, huyện Từ Sơn, Bắc Ninh. Chiều xuống, các anh lục tục đến chùa. Ăn cơm xong, thấy tên lý trưởng thôn Đồng Kỵ đến chùa lơ láo hỏi:

    Sao hôm nay nhà chùa đông khách thế?
    Sư cụ làm ra vẻ thản nhiên cười đáp:

    À, nhà chùa vừa tô tượng xong, các ông thợ sơn đến đòi tiền công, nhà chùa chưa có tiền trả ngay, nên phải lưu khách lại...

    Nghe động, mọi người rút hết vào nhà tổ ẩn mình. Sau đó, các anh rút sang làng Đình Bảng và họp ở nhà thờ họ Nguyễn Tiến ngay sát nhà ông Đám Thi, chúng tôi phải bố trí người canh gác cẩn thận và dự kiến các lối thoát ra cánh đồng, đề phòng địch đến lùng sục.

    Nội dung cuộc họp bàn về Nhật, Pháp bắn nhau, tổng hợp những nhận định từ trước, sau đó anh Trường Chinh phân tích sâu sắc rồi đi đến kết luận: hai con thú dữ không thể ăn chung một miếng mồi ngon và thảo luận kế hoạch phải chớp thời cơ vùng lên tiêu diệt bè lũ cướp nước và bán nước.

    Cuộc họp khai mạc vào tối ngày 9-3-1945. Sau hội nghị, anh Trường Chinh lại tìm địa điểm cặm cụi đêm ngày hoàn chỉnh Chỉ thị Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta. Ngày 12-3-1945, anh tổ chức in tài liệu để phát hành rộng rãi ra cả nước.

    Từ lâu, thấy anh Nguyễn Trọng Tỉnh viết chữ đẹp, anh Trường Chinh đã dành hẳn việc in ấn báo chí, tài liệu cho anh Tỉnh, động viên anh Tỉnh làm việc không kể ngày đêm, chứng tỏ anh Trường Chinh rất biết dùng người. Sau đó ít lâu, anh Trường Chinh lại quyết định họp Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ. Địa điểm họp được bố trí ở nhà ông lý Đông, một người đã được giác ngộ cách mạng, tại xã Liễu Nam, huyện Hiệp Hòa. Thấy nhiều người đi lại rộn ràng, tên phó lý đến hỏi lý trưởng nhà có việc gì. Ông lý Đông điềm nhiên đáp:

    Đây là mấy thầy hương lý ở các xã xung quanh. Dạo này trộm cướp nổi lên nhiều, phải họp, các ông bàn nhau chung sức bảo vệ xóm làng cho dân an cư, lạc nghiệp.

    Tên phó lý đi khỏi, anh Trường Chinh giao trách nhiệm cho cơ sở phải bám tên phó lý từng bước, nếu thấy nó vào huyện, phải báo cáo, để di chuyển hội nghị đi nơi khác ngay. Hội nghị quân sự lần này có bảy người tham dự, gồm các anh: Trường Chinh, Văn Tiến Dũng, Trần Đăng Ninh, Trần Tử Bình, Lê Thanh Nghị...

    Hội nghị bàn việc chuẩn bị Tổng khỏi nghĩa và thành lập các chiến khu: Trần Hưng Đạo, Hoàng Hoa Thám, Cao - Bắc - Lạng, Quang Trung..., và phân công mỗi đồng chí phụ trách một chiến khu, tổ chức các lực lượng vũ trang chuẩn bị ngày nổi dậy giành chính quyền về tay cách mạng.

(còn nữa)

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com