[links()]
Nguyễn Minh Triết
Nguyên Chủ tịch nước
(Tiếp theo)
Bước sang Thu - Đông năm 1949, thực dân Pháp phái tướng Rơve (Revers) - Tổng tham mưu trưởng quân đội Pháp - cấp tốc sang Đông Dương để thực hiện việc chiếm đóng đồng bằng và trung du Bắc Bộ, bao vây căn cứ địa Việt Bắc và phong toả biên giới Việt - Trung. Trước tình hình đó, đồng chí Trường Chinh nhận định: Trong kế hoạch tăng viện ba vạn quân, chắc chắn "địch sẽ rút một phần quân ở Nam Bộ ra Bắc trước tháng 10. Khi địch tập trung quân vào chiến trường Bắc Bộ, tất nhiên chiến trường Nam Bộ sẽ bị ít nhiều sơ hở". Do vậy, quân dân ta ở Nam Bộ phải triệt để tận dụng thời cơ đó để tiêu hao và tiêu diệt sinh lực địch. Và quân dân Nam Bộ đã làm được điều đó.
Trong kháng chiến chống Pháp, tác phẩm Kháng chiến nhất định thắng lợi của đồng chí Trường Chinh là "sách gối đầu giường" của nhiều cán bộ, đảng viên ta. Trong khoảng thời gian cuối năm 1947 - đầu năm 1948, Thành uỷ Sài Gòn - Chợ Lớn và Tỉnh uỷ Gia Định đã bí mật phát hành quyển sách quý đó để cung cấp cho các cơ quan quân - dân - chính - đảng và các giới, các ngành. Từ chiến khu Đồng Tháp Mười cho đến những vùng giải phóng ở miền Tây và miền Đông Nam Bộ, ảnh của đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh được treo trang trọng trong các cuộc hội họp của các cơ quan.
Ngay từ những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, Xứ uỷ Nam Bộ đã quyết định lấy tên đồng chí Tổng Bí thư kính mến để đặt tên cho Trường Đảng cao cấp của Đảng bộ Nam Bộ - Trường Trường Chinh. Ngôi trường này đã từng được nổi danh là: "Trường đại học kháng chiến" của đội ngũ cán bộ lãnh đạo cốt cán trên chiến trường Nam Bộ. Từ năm 1949 đến năm 1954, Trường Trường Chinh đã mở được ba khoá học và hoàn thành việc tổ chức một số lớp chỉnh huấn, chỉnh quân cho khoảng trên dưới 1.000 cán bộ thuộc các giới, các ngành. Trải qua 5 năm, Trường Trường Chinh đã trú đóng và di dời địa điểm trên địa bàn của ba tỉnh miền Tây Nam Bộ (Bạc Liêu, Rạch Giá và Cần Thơ).
**
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của nhân dân ta, đồng chí Trường Chinh đã có những đóng góp to lớn. Đồng chí Đại tướng Văn Tiến Dũng đã viết: "Là thành viên trong Bộ thống soái tối cao, đồng chí Trường Chinh đã góp phần không nhỏ vào những quyết sách chiến lược lớn đưa đến những bước ngoặt của chiến tranh và thắng lợi cuối cùng". Ngay trong những năm đầu, sau khi Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Đông Dương được ký kết tại Giơnevơ chưa ráo mực, đế quốc Mỹ đã thông qua chế độ cai trị độc tài phát xít của bọn tay sai Ngô Đình Diệm để thực hiện chủ nghĩa thực dân mới. Chúng công nhiên thực hành chính sách "tố cộng, diệt cộng" và tập trung đánh phá cách mạng miền Nam vô cùng tàn khốc. Trên cơ sở phân tích thấu đáo tình hình, đồng chí Trường Chinh vạch rõ: "Đế quốc Mỹ và tay sai của chúng đang thiết lập một chế độ đen tối, hôi tanh và đẫm máu, giam hãm 14 triệu đồng bào ta trong vòng nước sôi, lửa bỏng. Chúng kiên quyết phá hoại Hiệp định Giơnevơ về Việt Nam, cố duy trì tình trạng chia cắt lâu dài nước ta và biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự".
Hướng về miền Nam thân yêu, đồng chí Trường Chinh viết lên những dòng đầy tâm huyết: "Đồng bào miền Nam không nên trông chờ Mỹ - Diệm chịu thi hành Hiệp định Giơnevơ, đàm phán với Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà để thực hiện hoà bình thống nhất Tổ quốc bằng cách tổng tuyển cử tự do trong cả nước; đồng thời không nên ỷ lại vào lực lượng của miền Bắc và cũng không nên có ảo tưởng rằng lực lượng hoà bình của nhân dân thế giới sẽ có thể giải phóng giúp cho mình. Sự nghiệp cách mạng miền Nam là của nhân dân miền Nam. Đồng bào miền Nam phải đoàn kết đấu tranh, tự mình phải xây dựng lấy lực lượng của mình để lật đổ chính quyền thân Mỹ của Ngô Đình Diệm".
Sau khi Nghị quyết lịch sử của Hội nghị Trung ương lần thứ 15 (khoá II) ban hành, vận dụng những bài học kinh nghiệm thực tiễn vô cùng quý báu của Đảng ta đã tiếp thu và tích lũy được trong cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền Tháng Tám năm 1945 và trong chín năm kháng chiến chống Pháp, đồng chí Trường Chinh chỉ rõ: Chúng ta không thể thụ động ngồi "Chờ đợi thời cơ" hoặc "chung sống hoà bình" với bọn đế quốc xâm lược và bè lũ Việt gian bán nước. Bởi vì, " Ở miền Nam, Mỹ - Diệm dùng bạo lực để đàn áp cách mạng thì nhân dân ta ở đó phải cầm vũ khí nổi dậy...". "Mâu thuẫn đối kháng giữa nhân dân ta và bọn đế quốc, thực dân chỉ có thể giải quyết bằng đấu tranh vũ trang, bằng chiến tranh cách mạng... như chúng ta đã làm trong cuộc Cách mạng Tháng Tám".
Để đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta ở miền Nam, không ngừng tiến lên giành những thắng lợi mới, đồng chí Trường Chinh đã lưu tâm trang bị cho quân dân ta những kinh nghiệm phong phú và đa dạng của nghệ thuật tiến hành chiến tranh nhân dân sáng tạo. Đồng chí viết: "Cách mạng Tháng Tám thành công là kết quả của sự kết hợp đúng đắn bạo lực vũ trang của Việt Nam giải phóng quân, của các đơn vị du kích tự vệ chiến đấu với đấu tranh chính trị của quần chúng cách mạng". "Đứng trước kẻ thù hung bạo và nham hiểm là đế quốc Mỹ xâm lược, nhân dân Việt Nam ta phải đấu tranh dưới mọi hình thức: đấu tranh quân sự, đấu tranh chính trị và đấu tranh ngoại giao để tống cổ bọn xâm lược ra khỏi nước ta".
Đồng chí Trường Chinh còn đặc biệt quan tâm đến vấn đề xây dựng căn cứ địa, vùng giải phóng phát triển thành hậu phương gắn liền với khởi nghĩa vũ trang và chiến tranh cách mạng. Đồng chí viết: "Muốn giành thắng lợi cho chiến tranh nhân dân, một điều quan trọng là xây dựng và củng cố hậu phương... Ở miền Nam nước ta hiện nay, cuộc sống mới đang nảy nở ở vùng giải phóng chiếm bốn phần năm đất đai với ba phần tư số dân. Dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, chế độ nhân dân tự quản đang được mở rộng, những cải cách dân chủ đang được thực hiện... Công tác văn hoá, y tế, giáo dục cũng được chú ý. Đi đôi với việc phá "ấp chiến lược" công tác trừ ác ôn, trừ gián điệp, biệt kích, phòng gian, bảo mật, giữ vững trật tự trị an, V.V…, được đẩy mạnh. Mỗi chính sách thi hành trong khu giải phóng đều mang tính chất dân tộc và dân chủ, đều thể hiện sách lược tập trung mũi nhọn đấu tranh vào đế quốc Mỹ và tay sai, củng cố và mở rộng Mặt trận Dân tộc giải phóng trên cơ sở liên minh công nông vững chắc".
(Còn nữa)