Đồng chí Trường Chinh với Nam Bộ, với Đảng bộ và nhân dân Sài Gòn - thành phố Hồ Chí Minh (Kỳ 1)

06:08, 10/08/2017

[links()]

Nguyễn Minh Triết
Nguyên Chủ tịch nước

    Đồng chí Trường Chinh, nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và Nhà nước ta được mọi người biết đến, yêu quý và kính trọng. Riêng đối với Nam Bộ, với Đảng bộ và nhân dân Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, đã biết nhiều về đồng chí từ khi đồng chí giữ chức Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương lâm thời của Đảng ta. Đặc biệt là khi Ban Thường vụ Trung ương ra hiệu triệu và thông cáo khẩn cấp kêu gọi cả nước ra sức phối hợp hành động với cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ.

    Sau khi khởi nghĩa không thành, những nghĩa quân anh dũng tuyệt vời của chúng ta bị kẻ thù thẳng tay dìm trong lửa máu. Với lòng mến yêu vô hạn và thành kính sâu xa, đồng chí Trường Chinh đã viết lên những dòng xiết bao xúc động: "Hàng ngàn chiến sĩ cộng sản đã bỏ mình trong cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ, đã tình nguyện đi đầu trong cuộc vận động cứu nước và luôn luôn phấn đấu hy sinh vì Tổ quốc". Tháng 9 - 1941, đồng chí Tổng Bí thư đã kêu gọi toàn Đảng phải nghiêm túc "nghiên cứu kinh nghiệm của cuộc Nam Kỳ khởi nghĩa để vũ trang lý luận và kinh nghiệm khởi nghĩa giành chính quyền cho cán bộ đảng viên".

Đồng chí Trường Chính thăm hỏi, chúc Tết và lắng nghe ý của cán bộ, công nhân viên Nhà máy dệt Thành Công tại Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 1/1985. - Ảnh tư liệu
Đồng chí Trường Chính thăm hỏi, chúc Tết và lắng nghe ý của cán bộ, công nhân viên Nhà máy dệt Thành Công tại Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 1/1985. - Ảnh tư liệu

    Sau khi phát xít Nhật tiến hành cuộc đảo chính Pháp ở Đông Dương, đồng chí Trường Chinh kịp thời chỉ cho nhân dân Nam Bộ và đồng bào cả nước nhanh chóng nhận diện bè lũ bù nhìn tay sai đang quỳ gối ôm chân Nhật. Đồng chí viết: "Ở Nam Kỳ, bọn "Việt Nam phục quốc đồng minh", Ngô Đình Diệm, Trần Quang Vinh loay hoay mãi chưa tạo nên được hình bóng một chính phủ bù nhìn thân Nhật".

    Một trong những điều quan tâm đặc biệt của đồng chí Tổng Bí thư trong "đêm trước" của cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền Tháng Tám năm 1945 là việc củng cố sự đoàn kết thống nhất của Đảng bộ Nam Kỳ. Trên báo Cờ Giải Phóng, số ấn hành ngày 17- 7-1945, đồng chí Trường Chinh viết: "Trước đây, vấn đề cách mạng tư sản dân chủ và cách mạng giải phóng dân tộc chia rẽ Đảng bộ Nam Kỳ bao nhiêu thì hiện nay thái độ đối với Pháp cản trở cuộc vận động thống nhất Đảng bộ Nam Kỳ bấy nhiêu". "Các đồng chí ấy hãy kịp gạt bỏ thành kiến và đi vào đường lối của Đảng, thủ tiêu khẩu hiệu của riêng mình mà theo khẩu hiệu của Đảng. Sự thống nhất của Đảng ở Nam Kỳ, một phần lớn do thái độ tự phê bình bônsêvích của các đồng chí ấy mà quyết định. Chúng ta sẽ phạm một sai lầm lớn, nếu trước giờ quyết liệt chúng ta còn chia rẽ mãi!".

    Khi cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền bùng nổ và kết thúc thắng lợi trong vòng nửa tháng, đồng chí Trường Chinh đã chỉ đạo và theo dõi sát sao cuộc nổi dậy đồng loạt của nhân dân Nam Bộ. Qua ngòi bút điểm tình hình cập nhật của đồng chí Tổng Bí thư, đồng bào trong cả nước có thể mục kích rõ toàn cảnh bức tranh hoành tráng của cuộc cách mạng mùa Thu lịch sử lần lượt diễn ra khắp các địa phương: Mỹ Tho, Sa Đéc, Tân An, Bạc Liêu, Gò Công, Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định, Sóc Trăng, Long Xuyên, Vĩnh Long, Bà Rịa, Thủ Dầu Một, Châu Đốc, Trà Vinh, Tây Ninh, Biên Hoà, Bến Tre, Cần Thơ, Hà Tiên, Đồng Nai Thượng.

*

    Sau khi Hồ Chủ tịch trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà chỉ được ba tuần lễ, nhân dân thành phố Sài Gòn và đồng bào Nam Bộ đã nhất tề đứng dậy "nóp với giáo mang ngang vai" rầm rập lên đường xung trận, mở đầu cuộc kháng chiến thần thánh chống bọn thực dân xâm lược Pháp. Đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh đã khắc hoạ hình ảnh của những tháng ngày lịch sử ấy trong một đoạn văn bất hủ: "Ngày 23-9-1945, được quân Anh vũ trang và che chở, thực dân Pháp đã chiếm Sài Gòn. Dân ta dùng vũ khí bắn lại quân Pháp. Cuộc kháng chiến của nhân dân ta bắt đầu từ đó. Và cũng từ đó, mở đầu cho một cuộc chiến tranh giải phóng, nó đề cao uy tín của dân tộc ta trên trường quốc tế và nêu một tấm gương cho các dân tộc Viễn Đông. Đất Đồng Nai là nơi tưới máu quân Pháp xâm lược khi chúng mới đặt chân lên đất nước ta, ngày nay lại biến thành một phòng tuyến kiên cố bảo vệ Tổ quốc".

    Suốt trong chín năm kháng chiến chống Pháp, đồng chí Trường Chinh đã quan tâm chỉ đạo và theo dõi sát sao những diễn biến ở chiến trường trên mảnh đất "Thành đồng Tổ quốc". Vui mừng trước sự phát triển của phong trào dân quân du kích ở Nam Bộ, đồng chí Tổng Bí thư kịp thời phổ biến kinh nghiệm cho các địa phương thấy rõ: "Trên chiến trường Nam Bộ đã quan tâm phát triển bộ đội địa phương, phong trào dân quân đã phát triển và đang phát triển mạnh. Nói chung, việc huấn luyện và vai trò dân quân du kích của ta tiến với một tốc độ đáng mừng. Dân quân, du kích của ta dũng cảm, có sáng kiến".

    Đồng chí Trường Chinh còn biểu dương những hội viên cứu quốc, đoàn viên công đoàn, tự vệ công nhân của thành phố Sài Gòn đã liên tiếp tổ chức lãn công, phá máy móc, huỷ hoại nguyên vật liệu của địch, các ban công tác thành, các đơn vị cảm tử liên tiếp quấy rối, đánh phá, thiêu huỷ kho tàng, diệt lính Pháp và Việt gian phản động. Đồng chí viết: "Ngay trong lòng địch như ở Sài Gòn - Chợ Lớn, quân ta vẫn tiến công vào vị trí địch”.

    Trong Thu - Đông năm 1948, sau khi bị thất bại nặng nề ở Việt Bắc, từ chỗ ra sức tiến công để thực hiện kế hoạch thắng nhanh ở Nam Bộ, địch buộc phải rút quân viễn chinh Pháp ở Việt Bắc tăng viện cho chiến trường Nam Bộ, nơi cuộc kháng chiến của nhân dân ta đang phát triển lên một bước mới. Trước tình hình đó, đồng chí Trường Chinh và Trung ương đã nêu lên nhiệm vụ bức xúc: ''Nam Bộ hãy đánh mạnh để chia sẻ gánh nặng cho Bắc Bộ. Trong những vùng địch kiểm soát phải đánh nữa và đánh mạnh hơn. Đánh úp các cứ điểm nhỏ, phục kích các đường giao thông, phát triển du kích chiến tranh trong các thành phố do địch tạm chiếm, bao vây và phá rối kinh tế địch, đấu tranh chống thu thóc, bắt phu, bắt lính... Phải phá tề, kiên quyết đánh phá tề".

(Còn nữa)

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com