[links()]
Đại tướng NGUYỄN QUYẾT
Nguyên Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng,
nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước
(Tiếp theo)
Ngày 2-9-1945, chính quyền dân chủ nhân dân được thành lập nhưng còn rất non trẻ lại gặp muôn vàn khó khăn, phải đối phó với thù trong giặc ngoài. Vấn đề đặt ra là làm sao phải giữ được chính quyền, bảo vệ được Tổ quốc.
Cũng như trong quá trình vận động Cách mạng Tháng Tám, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược nước ta lần thứ hai, Đảng ta cũng phải lấy yếu đánh mạnh, bằng sức mình là chính. Dưới tay lái vững vàng, sáng suốt của Hồ Chủ tịch, đồng chí Trường Chinh đã cùng Trung ương Đảng xây dựng đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh đã được thể hiện trong tác phẩm nổi tiếng Kháng chiến nhất định thắng lợi. Đây là tài liệu đầu tiên của đường lối chiến tranh nhân dân, đường lối quân sự độc đáo, bí quyết thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Đảng ta đã phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp toàn dân, động viên toàn dân tham gia kháng chiến, kết hợp giữa đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang, xây dựng lực lượng vũ trang với ba thứ quân, kết hợp chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy, chuyển từ yếu lên mạnh tiến lên giành thắng lợi quyết định trong chiến dịch Điện Biên Phủ.
Đồng chí Trường Chinh không những là nhà chính trị lỗi lạc mà còn là nhà lý luận quân sự tài năng. Đồng chí đã phát huy, phát triển lên tầm cao mới những kinh nghiệm về, huy động lực lượng toàn dân trong khởi nghĩa vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và cả trong kháng chiến chống Mỹ về sau.
Từ sau năm 1975, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhất là do hậu quả của 30 năm chiến tranh, do sai lầm trong lãnh đạo, do cơ chế quan liêu bao cấp..., đất nước ta lâm vào tình trạng khủng hoảng về kinh tế - xã hội rất trầm trọng, đời sống nhân dân rất khó khăn. Lúc này, đồng chí Trường Chinh, tuy đã gần 80 tuổi nhưng vẫn được toàn Đảng, toàn dân giao trọng trách làm Tổng Bí thư.
Với kinh nghiệm lâu năm ở cương vị lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, với thái độ tự phê bình và phê bình nghiêm túc, đồng chí đã phát động toàn Đảng, toàn dân nhìn thẳng vào sự thật, giải quyết đúng sự thật, chống tư tưởng chủ quan duy ý chí, giáo điều, tìm ra đường lối sáng tạo mở đầu cho công cuộc đổi mới tiến lên chủ nghĩa xã hội bằng phát triển kinh tế nhiều thành phần với cơ chế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, tập trung trước mắt vào sản xuất nông nghiệp. Nhờ đổi mới, tháo gỡ khó khăn, phát huy tiềm năng to lớn của nhân dân, đặc biệt là của 12 triệu hộ nông dân, tổng sản lượng lương thực năm 1999 tăng gấp đôi so với năm 1987, không những đủ ăn mà còn xuất khẩu đứng thứ hai, thứ ba trên thế giới.
Đường lối đổi mới từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (1986) đã được nâng lên, hoàn chỉnh hơn qua các Đại hội VII, VIII, IX, một lần nữa đã khẳng định sự vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh: Tự ta giải quyết việc của ta.
Cùng với đổi mới về kinh tế là đổi mới toàn diện, trong đó có đổi mới về quân sự, chuyển từ chiến tranh sang hòa bình, tạo điều kiện xây dựng đất nước về mọi mặt, đồng thời tiếp tục củng cố nền quốc phòng nước ta ngày càng vững mạnh tiến lên chính quy và từng bước hiện đại.
Rõ ràng đổi mới là vấn đề sống còn, không đổi mới là chết, trong đó, Đại hội lần thứ VI do đồng chí Trường Chinh chủ trì đã đề xướng và mở đường đi đến thắng lợi hôm nay.
Với thắng lợi của đường lối đổi mới không những làm cho nhân dân ta vui mừng phấn khởi, tin tưởng hơn vào sự lãnh đạo của Đảng mà bạn bè quốc tế cũng đánh giá cao: "Trong khi Liên Xô, Đông Âu sụp đổ, Việt Nam đã tìm được con đường mới, sáng tạo có ý nghĩa siêu quốc gia".
Lịch sử của đất nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng đã ghi nhận đồng chí Trường Chinh là người học trò xuất sắc của Hồ Chủ tịch, là một cán bộ lãnh đạo toàn diện, nhà chính trị lỗi lạc, nhà quân sự tài năng, nhà văn hóa lớn.
Để làm được những việc to lớn trên đây, trước hết đồng chí đã xác định và kiên định lập trường cách mạng vô sản, không ngừng tự rèn luyện vượt mọi khó khăn thử thách để hoàn thành nhiệm vụ. Trong lúc kẻ thù ráo riết truy lùng, tuyên án tử hình vắng mặt, đồng chí vẫn bám sát cơ sở, đi vào giữa sào huyệt của địch để chỉ đạo phong trào. Đồng chí còn là một tấm gương mẫu mực về nếp sống giản dị, trong sáng, gần gũi quần chúng. Dù trong hoàn cảnh nào, kể cả khi ở cương vị cao nhất của Đảng và Nhà nước, đồng chí đều thể hiện các đức tính: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.
Đồng chí Trường Chinh, một lãnh tụ có uy tín lớn, là mẫu mực của người đảng viên cộng sản, nhà lãnh đạo kiệt xuất của dân tộc Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.