[links()]
Đại tướng CHU HUY MÂN
Đồng chí Trường Chinh là một trong những học trò xuất sắc, người đồng chí gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một trong những Tổng Bí thư lâu năm nhất của Đảng ta. Đồng chí đã dành trọn cuộc đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta. Đồng chí là một nhà lãnh đạo chính trị với tài năng xuất sắc, đức độ trong sáng, nhà lý luận tầm cỡ của Đảng, nhà thơ và nhà văn hóa lớn. Đồng chí là một chiến sĩ cách mạng chiến đấu không mệt mỏi, sáng ngời phẩm giá và nhân cách, được toàn Đảng, toàn dân, toàn quân yêu quý, bạn bè gần, xa kính nể.
Sau Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, tôi được Đảng chuyển vào hoạt động chiến đấu trong lực lượng vũ trang từ miền Trung Trung Bộ ra chiến trường Việt Bắc. Trong khi quán triệt đường lối, quan điểm của Đảng để thực hiện, tôi có thói quen tìm hiểu và học tập mọi người, trước hết là đối với các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng. Sau ít lâu tôi mới được biết Tổng Bí thư của Đảng là anh Thận (Trường Chinh) và cả tên lúc thiếu thời.
Qua những lần tiếp xúc, sinh hoạt trong Bộ Chính trị, Trung ương Đảng và Hội đồng Nhà nước, theo sự hiểu biết của mình, tôi xin nói đôi nét về sự đóng góp có ý nghĩa quan trọng của đồng chí Trường Chinh trong những bước ngoặt có ý nghĩa lịch sử của cách mạng nước ta. Ý nghĩa quan trọng của nó được ghi vào lịch sử sáng ngời của Đảng, dân tộc ta. Đồng thời, cũng xin nói đôi nét về phong cách đẹp của một trong những người lãnh đạo chủ chốt Đảng ta.
Cao trào giải phóng dân tộc và cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám 1945 là bước phát triển, bước ngoặt vĩ đại của lịch sử dân tộc ta. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, Tổng Bí thư Trường Chinh đã cùng với Ban Chấp hành Trung ương Đảng kịp thời khái quát những kinh nghiệm được tập dượt qua những cao trào trước đó, ra sức xây dựng và thúc đẩy cao trào giải phóng dân tộc, nắm bắt thời cơ, chủ động tiến hành Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công rực rỡ, sau mười lăm năm Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Sự lãnh đạo đúng đắn, thông minh, chủ động, với 5.000 đảng viên trong cả nước, Đảng ta đã dựa chắc vào nhân dân, đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo toàn dân đứng lên giành chính quyền từ tay quân phiệt Nhật, thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Theo tôi nghĩ Hồng quân Liên Xô và nhân dân Xô Viết, lực lượng chủ yếu đánh bại chủ nghĩa phát xít Đức, quân phiệt Nhật, kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai thắng lợi là điều kiện khách quan thuận lợi cho tất cả các dân tộc nô lệ, thuộc địa trên toàn thế giới. Nhưng chỉ có Việt Nam là không chờ đợi mà chủ động phát huy cao ý chí và tinh thần tự lực, tự cường "đem sức ta mà giải phóng cho ta". Chỉ thị Nhật-Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta như một lời hịch kêu gọi toàn dân tộc đứng lên đạp đổ quân thù giành lại giang sơn gấm vóc. Đó cũng là lệnh tấn công của dân tộc và thời đại, tạo ra một bước ngoặt kỳ lạ này sau 15 năm Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời nhận sứ mạng lịch sử trước nhân dân giao phó, mở đầu quy luật tất yếu trong tiến trình phát triển của cách mạng Việt Nam. Bước ngoặt kỳ lạ này tiêu biểu cho chủ nghĩa yêu nước Việt Nam kết hợp nhuần nhuyễn với chủ nghĩa quốc tế vô sản. Bước ngoặt kỳ lạ này diễn ra ở một nước vốn là thuộc địa và nửa phong kiến, dân số không đông, kinh tế nông nghiệp lạc hậu, giai cấp công nhân non trẻ, càng làm tăng thêm ý nghĩa to lớn, sâu sắc của nó.
Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, song chính quyền và lực lượng vũ trang còn non trẻ, nạn đói khủng khiếp vừa đi qua, đời sống chưa thật ổn định, 95% dân số mù chữ, vũ khí thô sơ và ít ỏi, "súng nhiều hơn đạn". Thực dân Pháp quay lại xâm lược nước ta lần nữa, cách mạng Việt Nam phải tạm trong vòng vây của quân địch. Vận mệnh đất nước, nền độc lập, tự do của Tổ quốc như "ngàn cân treo sợi tóc". Đánh hay đầu hàng khuất phục, đánh được bao lâu hay phải quay lại cuộc đời mất nước? Hòa bình phải gắn liền với độc lập, tự do và thống nhất. Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh kiên trì giải pháp hòa bình trong đàm phán với Chính phủ Pháp. Chính sách này vừa tỏ rõ thiện chí, vừa mở rộng ảnh hưởng của Nhà nước Việt Nam mới, nhưng "cây muốn lặng gió chẳng đừng". Bác Hồ kêu gọi: "Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới"... "Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ". Trong lúc đó Tổng Bí thư Trường Chinh cùng với Thường vụ Ban Chấp hành Trung ương Đảng vượt qua mọi khó khăn, khẩn trương xây dựng đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, kháng chiến trường kỳ nhất định thắng. Toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ra sức thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: chống giặc đói, chống giặc dốt, chống giặc ngoại xâm. Trong đường lối kháng chiến của Đảng đã xác định phương châm vừa kháng chiến vừa kiến quốc. Kiến quốc lúc này là chủ yếu bám ruộng, vườn, thôn xóm, thi đua lao động sản xuất, tự nuôi nhau để đánh thắng. Đường lối và quan điểm kháng chiến của Đảng nhanh chóng đi vào lòng dân và chiến sĩ, biến thành sức mạnh hiện thực. Chủ động mở đầu kháng chiến thể hiện ý chí quật cường bất khuất, tư tưởng cách mạng tấn công của nhân dân ta. Ai cũng nhớ lúc bắt đầu kháng chiến, so sánh lực lượng thì ta thua xa quân xâm lược về vật chất, trang bị kỹ thuật, phương tiện chiến tranh và quy mô tổ chức, lực lượng cơ động. Nhưng ta lại có ưu thế chính trị, tinh thần xuất phát từ ý nguyện của nhân dân khao khát độc lập, tự do và quyết đi theo con đường của Đảng.
(Còn nữa)