Nhớ anh Trường Chinh - Người cộng sự kiệt xuất của Bác Hồ trong sự nghiệp lãnh đạo cuộc cách mạng giải phóng dân tộc tháng 8-1945 – (Kỳ 2)

06:07, 13/07/2017

[links()]

Vũ Oanh
Nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị,
 nguyên Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng

(Tiếp theo)

    Đồng chí Trường Chinh rất quan tâm đến văn hóa. Năm 1943, thay mặt Thường vụ Trung ương Đảng, anh Trường Chinh đã soạn thảo và phát hành bản Đề cương Văn hóa Việt Nam, dấy lên một cao trào đấu tranh yêu nước mạnh mẽ trong giới trí thức, trong công chức, học sinh, sinh viên và binh sĩ yêu nước. Nội dung bản Đề cương Văn hóa Việt Nam một mặt đã chỉ ra những âm mưu xảo quyệt của chính sách ngu dân, mị dân của bọn đế quốc xâm lược, mặt khác, đã kêu gọi nâng cao dân trí, phát huy tinh thần tự tôn, sức mạnh truyền thống của dân tộc là tinh thần đoàn kết yêu nước, ý chí bất khuất chống ngoại xâm.

    Với cương vị Tổng Bí thư, cùng với Bác Hồ, anh đã có những cống hiến hết sức to lớn mang tầm vóc lịch sử trong việc lãnh đạo xây dựng một Nhà nước kiểu mới, trong đó toàn bộ quyền lực là thuộc về nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo.

    Với bản chất và sức mạnh của chính quyền cách mạng do Đảng lãnh đạo, nước ta đã xây dựng nên những tiền đề thắng lợi cho công cuộc bảo vệ đất nước qua mấy chục năm chiến tranh, từ việc đánh đổ chủ nghĩa thực dân Pháp, đánh bại đế quốc can thiệp Mỹ và các thế lực tay sai phản động, một lần nữa chứng minh bản chất và sức mạnh của chiến tranh nhân dân do Đảng Cộng sản Việt Nam, một Đảng chân chính lãnh đạo, đã đánh bại ý chí xâm lược của các thế lực đế quốc hung tàn, biểu dương mạnh mẽ trước thời đại truyền thống đoàn kết yêu nước, ý chí bất khuất chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam, một dân tộc đã từng ba lần thắng quân Nguyên Mông, một dân tộc văn hiến "lấy chí nhân thay cường bạo", "lấy đại nghĩa thắng hung tàn".

    Mỗi lần đến mùa Thu tháng Tám, đến những ngày kỷ niệm lịch sử trọng đại của dân tộc, chúng ta lại càng nhớ đến anh Trường Chinh với những tác phẩm chính trị và cách mạng nổi tiếng của anh đã soi rọi và mở đường thắng lợi cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc, (Bản Đề cương Văn hóa Việt Nam do anh Trường Chinh soạn thảo năm 1943 và bản Chỉ thị Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta, ngày 12-3-1945).

    Và đến sự nghiệp đổi mới đất nước hôm nay, chúng ta lại nhớ đến anh Trường Chinh với sự cống hiến xuất sắc của anh trong bản Báo cáo chính trị đọc tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng. Anh đã nêu lên những nguyên nhân sai lầm và những nhiệm vụ cơ bản của một Đảng cầm quyền là: "Đảng là của dân". Dân trao quyền lãnh đạo cho Đảng, Đảng không được tiếm quyền dân trao. Chính quyền phải là của dân, do dân và vì dân, phải thực hiện dân chủ và công khai trước dân, để dân biết, dân bàn, dân làm và dân kiểm tra.

    Anh đã tiến hành tổng kết, rút ra bốn bài học kinh nghiệm mang tính thời sự chính trị nóng hổi, góp phần quyết định thắng lợi vào công cuộc đổi mới sự lãnh đạo của Đảng.

Bốn bài học kinh nghiệm là:

    Bài học thứ nhất: Trong toàn bộ hoạt động của mình, Đảng phải quán triệt tư tưởng "lấy dân làm gốc", xây dựng và không ngừng phát huy quyền làm chủ của nhân dân.

Bài học thứ hai: Đường lối chính sách của Đảng phải luôn luôn xuất phát từ thực tế, tôn trọng và hành động theo quy luật khách quan, không được chủ quan duy ý chí.

Bài học thứ ba: Phải biết kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại trong điều kiện mới và tình hình mới.

Bài học thứ tư: Phải chăm lo xây dựng Đảng ngang tầm với một Đảng cầm quyền lãnh đạo nhân dân tiến hành cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa.

    Chính anh Trường Chinh đã đọc Báo cáo chính trị tại Đại hội VI đề ra những nhiệm vụ lịch sử trọng đại, khởi đầu công cuộc đổi mới ổn định đất nước, phát triển sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, từng bước xây dựng nước Việt Nam theo mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh.

    Trước tình hình trong nước và quốc tế, nhất là tình hình quốc tế có nhiều biến động, anh Trường Chinh đã cùng với Trung ương Đảng kịp thời quyết nghị một số vấn đề cấp bách về công tác tư tưởng như: Khẳng định tính tất yếu lịch sử của chủ nghĩa xã hội, những thành tựu vĩ đại của hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới trong thế kỷ XX (dù rằng nhất thời chế độ Xô viết không còn tồn tại ở Liên Xô cũ cũng như các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu đã tan rã). Đồng thời khẳng định tính khách quan, phương hướng xã hội chủ nghĩa của quá trình cải tổ, cải cách, và đổi mới. Nâng cao cảnh giác cách mạng đấu tranh chống các thế lực đế quốc và phản động quốc tế, giáo dục trong Đảng và trong nhân dân kiên trì mục tiêu lý tưởng xã hội chủ nghĩa trên cơ sở quán triệt sâu sắc những nguyên tắc và chính sách đổi mới của Đảng. Nâng cao phẩm chất đạo đức cách mạng, tăng cường sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, thống nhất ý chí và hành động trong xã hội, đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực trong đời sống xã hội.

    Hôm nay, một lần nữa chúng ta nhớ về anh Trường Chinh, nhớ về đồng chí Tổng Bí thư của Đảng, người đã có những đóng góp xuất sắc đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng trong 70 năm ở thế kỷ XX. Chúng ta đã thấy ở anh Trường Chinh biểu hiện nổi bật là một người cộng sự đắc lực, người học trò xuất sắc và mẫu mực của Bác Hồ vĩ đại trong suốt giai đoạn lịch sử đấu tranh cứu nước, dựng nước, và giữ nước của Đảng và dân tộc.



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com