Vũ Oanh
Nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị,
nguyên Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng
Cứ đến mùa Thu tháng Tám hằng năm, trong không khí cả nước tưng bừng chuẩn bị kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, tôi lại nhớ đến anh Trường Chinh, người chiến sĩ cộng sản tiền bối, giữ cương vị Tổng Bí thư vào thời kỳ Đảng ta bắt đầu một trang sử mới, cực kỳ oanh liệt và hết sức vẻ vang. Trang sử lãnh đạo, phát động toàn Đảng, toàn dân, đứng lên đánh Pháp, đuổi Nhật, hoàn thành công cuộc giải phóng dân tộc, sáng lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, một nhà nước kiểu mới, của dân, do dân, vì dân đầu tiên ở Đông Nam Á.
Sự nghiệp cách mạng của anh Trường Chinh, hay là sự cống hiến của anh cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, cho phong trào cách mạng nói chung về mặt lý luận, về đường lối của một Đảng cách mạng chân chính đã dẫn tới những thắng lợi lịch sử mang tầm vóc thế kỷ. Anh đã có công đầu trong việc khôi phục lại lực lượng lãnh đạo của Đảng, của Trung ương ở thời kỳ mà bọn đế quốc Pháp - Nhật cấu kết với nhau đàn áp khủng bố ác liệt nhất với mưu toan dập tắt phong trào cách mạng của Đảng, của dân tộc (năm 1939 - 1940, đa số các đồng chí bị bắt bớ, tù đày, bắn giết).
Anh đã cùng với Trung ương, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Bác Hồ, triệu tập Hội nghị Trung ương lần thứ tám từ ngày 10 đến 19-5-1941, thực hiện nhiệm vụ chuyển hướng chỉ đạo chiến lược cho phù hợp với tình hình thế giới và trong nước, ra nghị quyết thành lập mặt trận dân tộc thống nhất cứu nước lấy tên là Mặt trận Việt Minh (Việt Nam Độc lập Đồng minh), nhằm tập trung lực lượng đánh đổ bọn đế quốc xâm lược, giành độc lập cho dân tộc, xây dựng chính quyền cho nhân dân, kết hợp độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội.
Mặt trận Việt Minh ra đời đã phản ánh đường lối, chính sách của Đảng ta là giương cao ngọn cờ Đại đoàn kết dân tộc, biến sức mạnh truyền thống của dân tộc trở thành sức mạnh vô địch của thời đại, khẩn trương và tích cực xây dựng lực lượng nhằm tiến lên chuẩn bị sẵn sàng khởi nghĩa giành chính quyền khi thời cơ đến.
Từ căn cứ địa Việt Bắc, các hội cứu quốc, lực lượng vũ trang cách mạng đã được thành lập và phát triển không ngừng (Việt Nam cứu quốc quân, Việt Nam giải phóng quân, đến Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân do Bác trực tiếp sáng lập và chỉ đạo).
Ở miền xuôi đồng bằng, các An toàn khu của Đảng đã ra đời dưới sự lãnh đạo và trực tiếp xây dựng của đồng chí Trường Chinh và các đồng chí trong Thường vụ Trung ương, tạo nên những tiền đề thắng lợi vững chắc trong việc phát triển, mở rộng cao trào đấu tranh yêu nước đánh Pháp đuổi Nhật.
Từ năm 1940, Khu an toàn của Ban Thường vụ Trung ương được xây dựng ở vùng ngoại thành Hà Nội, một phần ở các tỉnh Phúc Yên, Hà Đông, Bắc Ninh. Khu an toàn dự bị của Trung ương được xây dựng ở Hiệp Hòa - tỉnh Bắc Giang, Phú Bình – Phổ Yên thuộc Thái Nguyên. Trước sự khủng bố gắt gao, tàn bạo của kẻ thù, nếu cơ quan lãnh đạo của Đảng cứ ở trong thành thì rất dễ bị địch phát hiện, rút hẳn về nông thôn hẻo lánh, bảo đảm được an toàn nhưng lại xa trung tâm, khó theo dõi tình hình trong nước và thế giới. Do vậy việc xây dựng Khu an toàn hoặc An toàn khu (ATK) ra đời trong bối cảnh tình hình ấy là một chủ trương tích cực, sáng tạo, đáp ứng nhạy bén yêu cầu đấu tranh cách mạng vào thời điểm đang tiến dần đến cao trào khởi nghĩa giành chính quyền.
Đêm 9-3-1945 Nhật nổ súng đánh Pháp thì ngày 12-3-1945 đã ra đời Chỉ thị: Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta, kết quả của Hội nghị Thường vụ Trung ương Đảng họp tại làng Đình Bảng - Bắc Ninh, An toàn khu của Đảng.
Bản chỉ thị nổi tiếng do anh soạn thảo và được Thường vụ Trung ương Đảng ban hành, Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta, là kim chỉ nam cho toàn thể các chiến sĩ cộng sản yêu nước, các chiến sĩ Mặt trận Việt Minh biến chỉ thị thành hành động cụ thể. Cả một cao trào đấu tranh chống phát xít Nhật và chính quyền phong kiến tay sai đã được phát động mạnh mẽ, sâu rộng trong toàn thể các tầng lớp nhân dân.
Cuộc xuống đường, công khai biểu tình hô vang khẩu hiệu ủng hộ Việt Minh của hàng vạn nhân dân Hà Nội ngày 17-8-1945 lịch sử, phá tan cuộc mít tinh của Tổng hội công chức ngụy và sau đấy là cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền thành công ngày 19-8- 1945 ở Hà Nội.., một lần nữa đã biểu thị sự thấm nhuần và quán triệt sâu sắc bản nội dung Chỉ thị Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta của Thường vụ Trung ương Đảng do anh Trường Chinh soạn thảo.
Lịch sử đã ghi nhận công lao to lớn của Đảng Cộng sản Đông Dương do đồng chí Trường Chinh làm Tổng Bí thư, một Đảng mới 15 tuổi, thành lập năm 1930 đến năm 1945 đã giành được chính quyền, đồng thời chứng minh một chân lý mới trong lịch sử đấu tranh giành độc lập của các dân tộc thuộc địa bị áp bức là: "Cách mạng vẫn có thể thành công trong một nước dù là một nước nhỏ bé nửa thuộc địa như Việt Nam trong khi cách mạng ở chính quốc chưa xảy ra hoặc chưa thành công". Việt Nam là một dân tộc bị áp bức ở phương Đông, lần đầu tiên đã giương cao ngọn cờ giải phóng tự đứng lên đấu tranh giải phóng cho chính mình.
(Còn nữa)