Đồng chí Trường Chinh - Nhà thiết kế chiến lược của công cuộc đổi mới (Kỳ 2)

06:07, 20/07/2017

[links()]

Đại tướng Mai Chí Thọ
Nguyên uỷ viên Bộ Chính trị,
nguyên Bộ trưng Bộ Nội vụ

(Tiếp theo)

    Nhân dịp nghỉ hè năm 1985, đồng chí Trường Chinh, đồng chí Phạm Văn Đồng vào nghỉ ở Đà Lạt. Đồng chí Nguyễn Văn Linh thấy đây là cơ hội tốt nên đề nghị hai anh mỗi ngày dành ra vài giờ để nghe cơ sở báo cáo, các anh đều đồng ý. Thế là những cơ sở sản xuất kinh doanh nhờ đổi mới mà làm ăn có hiệu quả, lần lượt lên Đà Lạt báo cáo tình hình.

    Sau đợt nghỉ hè nghe báo cáo như thế, các anh lại được mời đi kiểm tra tình hình thực tế ở một số địa phương và cơ sở sản xuất kinh doanh tại Thành phố Hồ Chí Minh. Trước thực tế sinh động, các anh đều thấy rõ nhất thiết phải đổi mới.

Để chuẩn bị cho Đại hội VI, ông đã đi thực tế tại nhiều địa phương để nắm bắt tình hình và lắng nghe các đề xuất. Tổng Bí thư Trường Chinh đã đi khảo sát, thực tế gần 20 tỉnh, thành phố từ miền Nam, ra miền Trung và về miền Bắc tìm ra những bài học thành công và thất bại của cơ sở, phát hiện những yêu cầu và sáng tạo trong nhân dân cả nước, để trên cơ sở đó đổi mới cách nghĩ, cách làm trong xây dựng và phát triển đất nước. (Ảnh tư liệu)
Để chuẩn bị cho Đại hội VI, ông đã đi thực tế tại nhiều địa phương để nắm bắt tình hình và lắng nghe các đề xuất. Tổng Bí thư Trường Chinh đã đi khảo sát, thực tế gần 20 tỉnh, thành phố từ miền Nam, ra miền Trung và về miền Bắc tìm ra những bài học thành công và thất bại của cơ sở, phát hiện những yêu cầu và sáng tạo trong nhân dân cả nước, để trên cơ sở đó đổi mới cách nghĩ, cách làm trong xây dựng và phát triển đất nước. (Ảnh tư liệu)

    Đồng chí Trường Chinh, một nhà lãnh đạo rất nguyên tắc và rất chân thực lúc đó đã phát biểu: "Trước đây, tôi đã nghe nhiều báo cáo sai lầm, không đúng thực tế". Sau đó, chính đồng chí là người thiết kế Dự thảo Báo cáo chính trị và Dự thảo Nghị quyết đổi mới của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, tháng 12 - 1986. Chúng tôi thật vui mừng và thường nói vui với nhau là anh đã quay "một trăm tám chục độ" và đã tạo nên một bước ngoặt lịch sử cho cách mạng Việt Nam. Nhờ đó, mà chúng ta đã thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội, giành những thắng lợi to lớn, có ý nghĩa lịch sử trọng đại như ngày nay.

    Trong lịch sử của Đảng ta, những cương lĩnh tạo ra bước ngoặt chiến lược của cách mạng Việt Nam là: Cương lĩnh chính trị của Đảng năm 1930, Cương lĩnh của Mặt trận Dân chủ năm 1935. Cương lĩnh Mặt trận Việt Minh năm 1941 và Cương lĩnh đổi mới do Đại hội VI của Đảng ta đề ra năm 1986. Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 15 năm 1959 tuy không phải là cương lĩnh nhưng cũng đã tạo ra một bước ngoặt lịch sử cho cách mạng Việt Nam. Nghị quyết đã cho phép dùng bạo lực cách mạng chống lại bạo lực phản cách mạng của đế quốc Mỹ và tay sai. Từ đó cách mạng miền Nam thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng chính trị, dẫn đến chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, "Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Nguỵ nhào" như Hồ Chủ tịch đã chỉ rõ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

    Cho đến nay, Nghị quyết Đại hội VI vẫn giữ nguyên giá trị của nó. Nghị quyết là văn bản tự phê bình một cách dũng cảm và sâu sắc, thực sự cầu thị, giúp cho chúng ta đổi mới tư duy, rũ bỏ được tư tưởng bảo thủ, trì trệ, phát triển được đất nước.

    Báo cáo chính trị và Nghị quyết của Đại hội VI là đỉnh cao của thái độ thực sự cầu thị, dám nhìn thẳng vào sự thật và nói rõ sự thật, dũng cảm phê bình và tự phê bình một cách nghiêm túc, giải phóng được sức mạnh của dân tộc, sự thông minh, sáng tạo của các tầng lớp nhân dân, của cán bộ, đảng viên chúng ta, chắp cánh cho chúng ta vươn đến những thắng lợi vĩ đại. Đúng như trong Điều lệ Đảng đã nói: Phê bình và tự phê bình là quy luật phát triển của Đảng ta, chỉ có thực sự vì dân, vì nước, vì lý tưởng cách mạng mới có thái độ dũng cảm phê bình, tự phê bình như thế. Không loại bỏ được quan liêu, tham nhũng thì không thể nào đạt được trình độ phê bình và tự phê bình như thế. Đó là một bài học lịch sử vô cùng quý hiếm của Đảng ta.

    Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VI đã nhắc lại cho chúng ta những vấn đề rất cơ bản như:

    Lấy dân làm gốc

    Tôn trọng và hành động theo quy luật khách quan

    Phát huy sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại

    Nguyên nhân của mọi nguyên nhân là công tác tư tưởng, tổ chức và cán bộ.

    Nghị quyết cũng đã chỉ rõ con đường đi lên chủ nghĩa xã hội theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong thời kỳ mới.

    Tôi cho rằng: Nghị quyết đổi mới của Đại hội VI do đồng chí Trường Chinh dự thảo là chiến lược lâu dài của Đảng ta sau chiến tranh. Nó phải là tài liệu gối đầu giường của mỗi cán bộ, đảng viên. Chúng ta phải đọc đi, đọc lại để thấm nhuần và thực hiện cho được những tư tưởng cơ bản ở trong đó.

    Trong bối cảnh, tình hình của lãnh đạo Đảng ta lúc đó, thật khó có ai thích hợp hơn đồng chí Trường Chinh để có thể xây dựng được bản Dự thảo Báo cáo chính trị và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI có sức thuyết phục cao đến như thế.



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com