Đồng chí Trường Chinh - Nhà thiết kế chiến lược của công cuộc đổi mới (Kỳ 1)

07:07, 18/07/2017

[links()]

Đại tướng Mai Chí Thọ
Nguyên uỷ viên Bộ Chính trị,
nguyên Bộ trưng Bộ Nội vụ

    Trước Cách mạng Tháng Tám, khi tham gia hoạt động cách mạng năm 1936, tôi chỉ được nghe nói anh là cán bộ cao cấp của Đảng, phụ trách báo chí công khai. Năm 1940, tôi bị địch bắt và không được biết tin tức gì về anh nữa. Tới năm 1945, khi Cách mạng Tháng Tám thành công, được giải phóng khỏi nhà tù Côn Đảo, tôi mới biết anh là Tổng Bí thư của Đảng.

Tổng Bí thư Trường Chinh, tháng 12/1986.
Tổng Bí thư Trường Chinh tại Đại hội Đảng lần thứ VI, tháng 12-1986.

    Hồi đầu kháng chiến chống Pháp, tôi được đọc cuốn Kháng chiến nhất định thắng lợi của anh. Cuốn sách này lúc đó là cuốn sách gối đầu giưòng của các cán bộ kháng chiến, vạch rõ chiến lược đánh lâu dài của Đảng ta và khẳng định sự tất thắng của chiến lược này. Trước đó, anh cũng là người thảo ra Chỉ thị nổi tiếng: Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta. Chỉ thị này đã rất kịp thời khai thác được thời cơ, tạo tiền đề cho cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám thành công.

    Công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước tháng 4-1975 là một thắng lợi vĩ đại vang vọng khắp năm châu, bốn biển. Sau 30 năm liên tục kháng chiến, chịu đựng gian khổ và hy sinh chưa từng có, chiến thắng cả hai đế quốc lớn là Pháp và Mỹ, nhân dân ta bắt đầu bước vào thời kỳ mới, thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong hoà bình.

    Sau 30 năm kháng chiến thắng lợi chống Pháp và chống Mỹ, chúng ta những tưởng được hưởng hoà bình lâu dài, thậm chí còn chủ quan cho rằng sẽ không còn ai đụng đến Việt Nam nữa.

    Nhưng thật bất ngờ, ba ngày sau giải phóng, bọn Khơme Đỏ đã tiến công chiếm đảo Thổ Chu và năm ngày sau đổ bộ lên đảo Phú Quốc. Quân đội ta đã lập tức đánh bật chúng ra khỏi hai đảo này. Bọn Khơme Đỏ hết sức hiếu chiến và ngoan cố đã tiến công biên giới Tây Nam của ta, giết hại gần một trăm ngàn đồng bào ta. Tính từ khu Mỏ Vẹt ở biên giới Tây Nam, quân địch chỉ còn cách Thành phố Hồ Chí Minh hơn 40 km (theo đường chim bay). Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã phải lập phòng tuyến để sẵn sàng chống địch. Chúng ta đã nhiều lần đề nghị với chúng gặp gỡ đề chấm dứt chiến tranh. Bọn Khơme Đỏ đã cự tuyệt đề nghị đầy thiện chí của chúng ta. Chúng ta không có cách nào hơn phải tiến hành chiến tranh tự vệ và muốn tiến hành tự vệ thắng lợi thì tất yếu phải giúp đỡ lực lượng cách mạng chân chính Campuchia loại trừ bọn Khơme Đỏ, giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng của chúng.

    Trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn và phức tạp như thế, chúng ta lại mắc phải sai lầm trong xây dựng chủ nghĩa xã hội theo mô hình duy ý chí, tập trung quan liêu, bao cấp. Đồng thời, ta còn mắc phải sai lầm trong cải tạo xã hội chủ nghĩa, làm cho đất nước khó khăn lại khó khăn thêm. Thù trong giặc ngoài làm cho tình hình xã hội trở nên ngày càng bất ổn.

    Trong khi đó, hệ thống xã hội chủ nghĩa ngày càng bị rạn nứt. Cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội ở Liên Xô và Đông Âu phát sinh và ngày càng gay gắt, báo trước một cuộc khủng hoảng trầm trọng trong hệ thống xã hội chủ nghĩa. Tình hình này gây thêm khó khăn cho chúng ta.

    Ở nước ta, cuộc đấu tranh giữa đổi mới và bảo thủ diễn ra rất phức tạp. Nhiều địa phương trước sự thúc bách của thực tế đã có những sáng tạo, đổi mới để vượt qua khỏi tình hình khó khăn ghê gớm lúc này. Những sáng kiến đổi mới đó có lúc đã bị ngăn chặn. Có đồng chí lãnh đạo địa phương đã bị kỷ luật nặng trong chủ trương khoán sản phẩm nông nghiệp đến hộ và người nông dân. Viện trợ chủ yếu lúc đó dựa vào Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa khác, nhưng do khó khăn kinh tế của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa, nên đời sống của nhân dân ta ngày càng giảm sút, đói khổ, ăn bo bo; thiếu thuốc men; an ninh, trật tự mất ổn định... Bọn đế quốc, phản động nước ngoài thừa cơ tiếp tay cho bọn phản động bên trong gây rối loạn.

    Nước ta rơi vào một cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng, tình thế cực kỳ khó khăn. Nếu không có một cuộc đột phá chiến lược làm thay đổi cục diện thì không thể nào thoát ra khỏi hoàn cảnh bế tắc. Và Đảng ta, nhân dân ta đã làm được việc đó và vượt qua tất cả.

(Còn nữa)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com