Bác Thận với Chỉ thị 100 của Ban Bí thư (Kỳ 3)

06:07, 31/07/2017

[links()]

Phan Diễn
Nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị,
Thường trực Ban Bí thư

(Tiếp theo)

    Trên đường về, các đồng chí ở tỉnh thành thật báo cáo thêm với bác Thận là những hợp tác xã giỏi như Đức Hợp trong tỉnh không được nhiều lắm, số đông các hợp tác xã vẫn ở trong tình trạng ruộng 5% thì rất tốt, ruộng chung của hợp tác xã thì xấu. Việc nhân rộng mô hình Đức Hợp có khó khăn vì ít hợp tác xã có được cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ giỏi và tận tuỵ như Đức Hợp. Điều đó làm bác Thận và chúng tôi đều suy nghĩ.

    Sau Đức Hợp, bác Thận về thăm một số hợp tác xã có truyền thống làm vụ đông giỏi ở huyện Tứ Lộc. Vụ đông năm đó, nhiều hợp tác xã chia đất trồng màu của hợp tác xã cho các hộ xã viên mượn và thực hiện khoán sản phẩm đến người lao động. Việc này được nông dân rất hoan nghênh, thu hoạch vụ này khá hơn hẳn các vụ trước, nhiều hợp tác xã đang chuẩn bị mở rộng thực hiện khoán sản phẩm cả sang việc trồng lúa trong vụ xuân sắp tới.

Đồng chí Trường Chinh (thứ hai, từ trái sang) thăm Nông trường chè Bàu Cạn, Gia Lai-Kon Tum, tháng 3-1983. Ảnh tư liệu
Đồng chí Trường Chinh (thứ hai, từ trái sang) thăm Nông trường chè Bàu Cạn, Gia Lai-Kon Tum, tháng 3-1983. Ảnh tư liệu

    Bác Thận khen ngợi tình hình sản xuất của các hợp tác xã, nhưng không bình luận gì về việc hợp tác xã khoán sản phẩm cây trồng vụ đông và định khoán sản phẩm đến cây lúa là cây trồng chính của hợp tác xã. Lúc nói chuyện với cán bộ của tỉnh, bác Thận chỉ đề cập lướt qua Chỉ thị 100 của Ban Bí thư. Bác nói đợt này đi các tỉnh, chủ yếu là để khảo sát thực tế tình hình các hợp tác xã nông nghiệp, về Hải Hưng mới đi được ít nơi nên dự định sẽ còn phải đi thêm một số nơi khác nữa. Tan hội nghị, khi chỉ còn lại ít đồng chí lãnh đạo của tỉnh, bác Thận mới nói ra nhận xét ban đầu của mình về việc khoán sản phẩm, bác nói đại ý: "Tôi vẫn thấy cách làm này nó thế nào ấy, giống như trước mặt mình là một người đứng sau cái bàn, phía trên thì thấy anh ta ăn mặc rất tề chỉnh, nhưng hình như đôi bàn tay để dưới bàn thì cứ khua khoắng không đàng hoàng...". Tôi thấy hình tượng mà bác dùng để diễn đạt ý nghĩ của mình hơi lạ, buồn cười (khi nói bác Thận cũng cười) và không hiểu chính xác là bác muốn nói ý gì, chỉ biết là bác vẫn còn nghi ngại lối khoán mới mà bác biết rằng thực chất vẫn là khoán hộ.

    Sau đó hơn một tháng, bác Thận lại về khảo sát tỉnh Hà Nam Ninh, lần này bác dặn tôi mời thêm anh Bùi Đình Kế, Phó trưởng Ban nghiên cứu lịch sử Đảng Trung ương và một đồng chí Vụ trưởng Ban Nông nghiệp Trung ương cùng đi. Hà Nam Ninh là tỉnh lúa lớn của miền Bắc và cũng là quê bác Thận, về Hà Nam Ninh lần này, trước tiên bác Thận đến thăm Hải Hậu, huyện dẫn đầu năng suất lúa và phong trào hợp tác xã của tỉnh, tiếp đó bác về huyện Xuân Thuỷ và xã Xuân Hồng quê nhà. Ở cả hai huyện lúc ấy phong trào khoán sản phẩm đã lan rộng trong các hợp tác xã trồng lúa. Thành tích thâm canh, phát triển sản xuất và phát triển sự nghiệp văn hoá, giáo dục ở các địa phương trên khiến bác Thận rất phấn khởi. Bác đặc biệt khen ngợi phong trào xây dựng các trường học hai tầng rất khang trang ở Hải Hậu và rất vui khi nghe cán bộ xã Xuân Hồng nói về những dự định phát triển tiểu thủ công nghiệp ở xã. Cuộc gặp mặt của bác Thận với bà con xã Xuân Hồng diễn ra đặc biệt cảm động. Khi bác Thận đi từ nhà mình ra hội trường xã, dân làng ùa đi theo đông vui như trẩy hội. Hội trường xã đông nghẹt, người đứng cả ở các hành lang che lấp cả các cửa ra vào. Bác Thận mở đầu cuộc nói chuyện: "Lâu nay vì bận công việc của Đảng nên tôi không về thăm được bà con. Tuy ở xa nhưng trái tim tôi lúc nào cũng hướng về quê hương, về bà con quê nhà". Nói xong câu ấy, bác Thận đứng lặng một lúc, cả hội trường im phăng phắc, mọi người đều cảm động...

    Chuyến thăm này, bác Thận cũng rất chú ý tìm hiểu tình hình khoán sản phẩm, và lại có dịp được trực tiếp nghe ý kiến phát biểu của nhiều cán bộ và xã viên các hợp tác xã, mà nhiều người là hàng xóm và họ hàng thân quen, hầu hết hoan nghênh chủ trương khoán sản phẩm đến người lao động và đến hộ trong hợp tác xã nông nghiệp. Trở về Nam Định, khi chuẩn bị nói chuyện với cán bộ chủ chốt của tỉnh, bác Thận gọi chúng tôi lên trao đổi về những thu hoạch của chuyến đi, bác nêu câu hỏi: Theo các anh, vì sao diện những hợp tác xã khoán việc giỏi như Đức Hợp không mở rộng được mà việc khoán sản phẩm đến hộ và người lao động lại được xã viên hoan nghênh. Anh Bùi Đình Kế trả lời bác: Thưa anh, phải chăng là vì trình độ phát triển sức sản xuất ở nông thôn nước ta còn thấp, khoán sản phẩm đến hộ phù hợp với trình độ sức sản xuất ấy. Câu trả lời xem ra có sức thuyết phục, bác Thận không nói gì thêm nhưng có vẻ đồng tình. Hôm sau, cuối buổi gặp mặt cán bộ tỉnh Hà Nam Ninh, bác Thận chủ động đề cập Chỉ thị 100 và vấn đề khoán sản phẩm đến hộ trong nông nghiệp. Bác dặn địa phương cần nghiên cứu kỹ Chỉ thị 100 của Ban Bí thư để thực hiện tốt, nhất là bảo đảm đúng ba mục đích và năm nguyên tắc của việc khoán được nêu trong Chỉ thị, bàn bạc dân chủ trong hợp tác xã để chọn hình thức khoán thích hợp, kết hợp hài hoà ba lợi ích; không được khoán trắng và chia ruộng đất manh mún, cản trở sử dụng kỹ thuật mới. Đấy là lần đầu tiên bác Thận phát biểu chính thức về Chỉ thị 100 trước công luận; thấy bác tỏ rõ thái độ tán thành Chỉ thị 100, cán bộ dự hội nghị đều vui mừng.

    Về sau, bác Thận còn nhiều lần phát biểu bày tỏ đồng tình với Chỉ thị 100 của Ban Bí thư, Quyết định 25/CP về ba phần kế hoạch của Chính phủ, Nghị quyết Trung ương lần thứ sáu về những chính sách khuyến khích cho sản xuất "bung ra" của Ban Chấp hành Trung ương khoá IV, xem đây là những bước mở đầu cần thiết cho đường lối đổi mới toàn diện về kinh tế của Đảng ta sau này.

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com