Phan Diễn
Nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị,
Thường trực Ban Bí thư
Giữa năm 1978, tôi đang công tác ở uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, một hôm đồng chí Nguyễn Hữu Mai, Phó Chủ nhiệm Thường trực uỷ ban gọi lên cho biết: đồng chí Trường Chinh đang tìm một cán bộ kinh tế về làm thư ký. Lãnh đạo uỷ ban Kế hoạch Nhà nước có ý định giới thiệu tôi. Đồng chí Nguyễn Hữu Mai nói: anh Thận là đồng chí lãnh đạo giữ trọng trách trong Đảng. Gần đây, anh ấy ngày càng quan tâm nhiều hơn các vấn đề kinh tế, đồng chí thư ký giúp việc anh ấy về lĩnh vực này lại sắp nghỉ nên muốn tìm một cán bộ thay thế. Anh lâu nay làm việc ở Vụ Tổng hợp của uỷ ban, nắm được tình hình kinh tế chung, chúng tôi thấy anh sang bên ấy là thích hợp. Trước khi tôi về, anh Nguyễn Hữu Mai thân mật dặn: anh Thận là người làm việc có tiếng là nghiêm túc, cẩn thận, cậu sang bên ấy phải chú ý làm mọi việc thật chu đáo. Mấy ngày sau, biết tôi sắp chuyển công tác, một số đồng chí lãnh đạo và anh em bè bạn trong cơ quan đến gặp chia tay, nhiều người nhắc tôi về tính cẩn thận của đồng chí Trường Chinh khiến tôi cũng thấy lo, vừa lo vừa tò mò. Tôi không phải chờ lâu, chỉ vài ngày sau đã có dịp trực tiếp cảm nhận thấy cái điều mà mọi người nói đến.
Đồng chí Trường Chinh thăm và nói chuyện với cán bộ lãnh đạo tỉnh Hải Hưng, tháng 1-1981. Ảnh tư liệu |
Thu xếp xong công việc và thủ tục ở cơ quan cũ, theo lời hẹn với các anh Hồng Long, Nguyễn Giáp là thư ký của đồng chí Trường Chinh, tôi sang chỗ các anh. Văn phòng bác Thận là dãy nhà một tầng ở ngõ Nguyễn Cảnh Chân, giáp ngay tường sau nhà bác. Tôi đang ngồi nhìn quanh gian phòng, nơi sẽ là chỗ làm việc mới của mình thì đã nghe tiếng guốc của bác Thận đi từ bên nhà sang, tiếp đó là tiếng hỏi ngay ngoài cửa: "Đâu, anh Diễn đâu rồi?". Bác Thận bắt tay tôi rất chặt, ánh mắt rất vui, vừa hỏi tôi nhiều điều, vừa dắt tôi đi về nhà bác, lên phòng khách ở tầng hai. Bác chỉ cho tôi chỗ ngồi đối diện, chậm rãi mở quyền sổ tay đặt sẵn ở trên bàn lấy ra một tờ giấy đưa cho tôi: Đây là quyết định của Văn phòng Trung ương tiếp nhận anh về làm thư ký cho tôi, anh đọc đi. Đợi tôi đọc xong, bác Thận nói cho tôi biết nội dung nhiệm vụ của tôi và dặn tôi những điều cần lưu ý khi làm việc với bác. Bác nói giản dị, rõ ràng. Tôi nhớ nhất là ba điều: phải có tinh thần trách nhiệm cao, tuyệt đối trung thực và giữ bí mật. Về yêu cầu trung thực, bác Thận dặn: Khi tôi hỏi, cái gì anh biết rõ thì trả lời, cái gì chưa biết thì cứ nói chưa biết, tìm hiểu rõ rồi cho tôi biết sau, nhất thiết không được nói bừa vì như thế tôi tưởng thật, nghe theo các anh sẽ làm hỏng việc. Lúc tôi đứng dậy sắp ra về, bác Thận chợt hỏi: Thế anh đã làm việc ở uỷ ban Kế hoạch bao lâu? Đã được đi học thêm những lớp gì? Tôi báo cáo với bác rằng tôi công tác ở uỷ ban Kế hoạch đã gần 18 năm, chưa được đi học lớp bồi dưỡng dài hạn nào, có lần đã được chuẩn bị đi nghiên cứu sinh, nhưng sau lãnh đạo thấy công việc ở cơ quan cần nên lại giữ lại làm việc. Bác Thận lộ rõ vẻ không vui: Thế thì các đồng chí lãnh đạo uỷ ban Kế hoạch Nhà nước không quan tâm công tác đào tạo cán bộ, thật là khuyết điểm quá. Dừng lại suy nghĩ một lát, bác nói tiếp: Anh mới về, nếu tôi lại để anh đi học dài hạn thì không có người làm việc, nhưng anh nhất định phải đi học, đành học rải ra vậy. Ngay sau đó bác Thận giới thiệu tôi đi học từng phần chương trình một năm ở Trường Nguyễn Ái Quốc. Cách cư xử ân cần của bác Thận trong buổi hôm đó đã xua tan mọi e ngại của tôi lúc ban đầu.
Năm 1979, nước ta chịu chấn động nặng nề của các sự kiện xảy ra ở biên giới và của tình hình quan hệ đối ngoại xấu đi sau đó, kinh tế ngày càng khó khăn, việc cung ứng lương thực, thực phẩm và hàng tiêu dùng thông thường đều căng thẳng. Trong bối cảnh ấy, những cơ chế, chính sách quản lý kinh tế tập trung, bao cấp ngày càng bộc lộ rõ nhược điểm và tỏ ra không còn phù hợp. Hội nghị Trung ương lần thứ sáu khoá IV họp vào tháng tám năm ấy lúc đầu chỉ định bàn về đề án phát triển công nghiệp hàng tiêu dùng, sau theo yêu cầu của nhiều đồng chí Trung ương đã bàn thêm về tình hình và nhiệm vụ trước mắt. Tại hội nghị, cuộc thảo luận về chính sách lương thực diễn ra đặc biệt sôi nổi. Có ý kiến đặt vấn đề Nhà nước ta phải kiên quyết phấn đấu cung ứng đầy đủ nhu cầu vật tư nông nghiệp và hàng tiêu dùng cho nông dân, trên cơ sở đó thu mua của nông dân toàn bộ lương thực hàng hoá và nhận trách nhiệm bảo đảm nhu cầu lương thực cho toàn bộ khu vực nhân khẩu phi nông nghiệp trong xã hội. Nhiều ý kiến khác cho rằng điều đó là không thực tế vì lâu nay Nhà nước đã rất cố gắng nhưng lượng phân bón, xăng dầu cung ứng cho nông dân theo giá cung cấp chỉ đủ để mua lại một phần lương thực, hàng hoá theo giá nghĩa vụ, trong tình hình đó nếu bắt ép nông dân bán toàn bộ lương thực hàng hoá cho Nhà nước thì nông dân sẽ không đồng tình và sẽ không hăng hái sản xuất.
Mỗi buổi họp Trung ương về, bác Thận lại gọi tôi lên hoặc ghé xuống Văn phòng kể cho chúng tôi nghe những ý kiến tranh luận trên hội trường, trao đổi những nhận xét của mình, sau đó bác thường thong thả đi bách bộ quanh sân, vừa đi vừa suy nghĩ. Cuối cùng, bác quyết định phát biểu đề nghị với Trung ương mấy ý đại thể như sau: Nhà nước phấn đấu cung ứng tốt hơn cho nông dân phân bón, xăng dầu và các vật tư nông nghiệp, trên cơ sở đó mua lại lượng thóc tương ứng theo giá nghĩa vụ; ngoài ra, hết sức tranh thủ mua thêm thóc của nông dân theo giá thoả thuận để có đủ lương thực bảo đảm cung cấp cho những người làm công ăn lương, lực lượng vũ trang và những người sản xuất theo hợp đồng với Nhà nước cùng gia đình của họ. Để cho nông dân được tự do bán phần thóc hàng hoá còn lại trên thị trường tự do, ở bất cứ nơi nào mà họ muốn, chính thức chấp nhận tồn tại thị trường tự do về lương thực; xoá bỏ ngăn sông cấm chợ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông lương thực trên thị trường cả nước để những người không sản xuất lương thực và không được nhà nước bảo đảm cung cấp lương thực có thể mua được lương thực trên thị trường tự do...
(Còn nữa)