Ký ức hào hùng về "Mùa hè đỏ lửa" ở Thành cổ Quảng Trị

08:07, 21/07/2017

Trung tuần tháng 7-2017, tại Thành phố Nam Định, cán bộ, chiến sĩ của Đại đội 1, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 95, Sư đoàn 325, Quân đoàn 2 từng trực tiếp chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị mùa hè năm 1972 đã tề tựu cùng nhau ôn lại truyền thống của đơn vị, tưởng nhớ các đồng đội đã hy sinh anh dũng. Cuộc chiến đấu tại Thành cổ Quảng Trị đã lùi xa 45 năm, nhưng ký ức về những ngày tháng sống, chiến đấu hào hùng, xen lẫn bi thương vẫn đau đáu trong tâm trí những người chiến sĩ năm xưa.

Cán bộ, chiến sĩ Đại đội 1, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 95, Sư đoàn 325, Quân đoàn 2 chiến đấu tại Thành cổ Quảng Trị mùa hè 1972 gặp mặt tại Thành phố Nam Định, tháng 7-2017.
Cán bộ, chiến sĩ Đại đội 1, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 95, Sư đoàn 325, Quân đoàn 2 chiến đấu tại Thành cổ Quảng Trị mùa hè 1972 gặp mặt tại Thành phố Nam Định, tháng 7-2017.

Ông Bùi Đình Cẩm, nguyên Đại đội trưởng Đại đội 1 năm nay đã 77 tuổi xúc động ôn lại truyền thống đơn vị. Đại đội 1 được xác định là đại đội chủ công của Trung đoàn 95 nên biên chế đủ quân số với 3 trung đội với mỗi trung đội 29 người, 4 cán bộ chỉ huy và 11 người là nuôi quân, y tá, liên lạc. Trong quá trình chiến đấu, Đại đội được bổ sung thêm 25 người, tổng cộng là 137 người chủ yếu là thanh niên tuổi từ 18 đến 20 từ các tỉnh: Nam Định, Hưng Yên, Hải Dương và sinh viên các trường đại học ở Hà Nội. Tỉnh Nam Định có 25 chiến sĩ đến từ các huyện: Nam Trực, Trực Ninh. Sau các đợt hành quân, diễn tập chiến đấu, đêm 15-6-1972, Đại đội vượt sông Thạch Hãn đến điểm phía nam làng Tri Bưu thuộc Thành cổ Quảng Trị để thay thế một đơn vị của Trung đoàn 48 Sư đoàn 320B do tổn thất lực lượng. Thành cổ Quảng Trị mùa hè năm 1972 được ví như “chảo lửa” bởi cuộc chiến đấu vô cùng ác liệt diễn ra trong suốt 81 ngày đêm của bộ đội ta với địch. Trên diện tích 3km2 của Thành cổ, mặt đất chi chít hố pháo, hố bom, mìn lá, bom bi, ngổn ngang xác xe tăng, xe tải, binh khí. Trên trời, máy bay địch trinh sát suốt ngày, máy bay phản lực, B52 liên tục trút bom đạn. Dưới đất, pháo từ hạm đội 7, pháo mặt đất của địch cày nát chiến trường nhằm ngăn chặn lực lượng Quân giải phóng miền Nam từ phía bắc sông Thạch Hãn. Cả một vùng rộng lớn không một bóng cây, cỏ bị cháy do vũ khí và chất độc hóa học. Trận địa phòng ngự toàn tuyến của Đại đội 1 tại phía đông nam của Thị xã Quảng Trị chỉ dài khoảng 700m nhìn ra Nhà thờ Long Hưng nơi địch chiếm giữ nhưng vô cùng khốc liệt. Ngày nào địch cũng mở đợt tấn công nhằm đột phá mở cửa chiếm lại thị xã. Bám sát mệnh lệnh của cấp trên, Đại đội 1 bình tĩnh chờ địch vào gần trận chiến khoảng 70-80m mới tiêu diệt. Xen kẽ các đợt tấn công, địch sử dụng máy bay ném bom, pháo kích dữ dội nhằm phá vỡ công sự của ta. Có ngày địch tấn công đến 3 lần với hàng nghìn tấn bom đạn được nã xuống.

Sự ác liệt của cuộc chiến đấu làm người chiến sĩ mất khái niệm thời gian ăn, ngủ, nghỉ. Bánh lương khô, gói gạo sấy với nước sông Thạch Hãn, nước hố bom mặc dù khó nuốt nhưng ai cũng phải ăn để duy trì sức chiến đấu. Liên lạc giữa đại đội với các trung đội chủ yếu chạy bộ vào ban đêm bởi đường dây liên lạc bị pháo địch cắt đứt liên tục. “Nhiệm vụ ở chiến trường, trách nhiệm là chiến thắng” - Câu khẩu hiệu trên mãi in trong tâm trí mỗi cán bộ, chiến sĩ. Qua từng ngày chiến đấu, Đại đội 1 đã tiêu diệt nhiều xe tăng, bộ binh địch, bảo vệ vững chắc trận địa phòng ngự dù hệ thống hầm hào bị phá hoại nặng nề. Nhưng sự ác liệt của bom đạn đã khiến Đại đội tổn thất lực lượng, ngày nào cũng có người hy sinh, bị thương. Nhiều hầm có 4 chiến sĩ thì hy sinh tới 3 người, có người mãi mãi nằm xuống đất không toàn vẹn thân thể bởi bom đạn. Việc an táng thi hài đồng đội được tổ chức ngay tại trận địa, có lúc phải tận dụng cả hố pháo để làm nơi an nghỉ cho anh em. Ông Bùi Đình Cẩm xúc động gạt nước mắt: “Trong cuộc đời tôi, khó khăn lớn nhất là ra lệnh lấp miệng hầm có 3 chiến sĩ của mình hy sinh đang nằm trong đó vì nếu tổ chức an táng thì dưới làn mưa bom đạn của địch sẽ thêm nhiều người thương vong”. Trong 81 ngày đêm chiến đấu kiên cường tại Thành cổ Quảng Trị, ngày 21-7-1972 được coi là ngày giỗ của Đại đội 1. Đó là ngày Đại đội nhận lệnh chuyển từ nhiệm vụ phòng ngự sang tiến công, tập kích đánh chiếm ngã tư Long Hưng và Nhà thờ Long Hưng. Lúc này, quân số của Đại đội 1 chỉ còn lại một nửa. Trận đánh quyết liệt kéo dài từ 4 giờ sáng đến 10 giờ trưa, Đại đội 1 đã giành thắng lợi lớn khi đánh chiếm được mục tiêu, tiêu diệt một đại đội địch, 3 xe tăng, 7 xe tải nhưng 12 chiến sĩ hy sinh, 23 chiến sĩ bị thương, quân số chỉ còn lại hơn 30 người, hỏa lực đều thiệt hại. Sau trận tập kích này, Đại đội được giao nhiệm vụ tổ chức trận tuyến phòng ngự khu vực đầu cầu Quảng Trị cho đến ngày 16-9-1972 cuộc chiến bảo vệ Thành cổ Quảng Trị kết thúc.

Sau 81 ngày đêm kiên cường chiến đấu, hai phần ba trong tổng số 137 cán bộ, chiến sĩ của Đại đội 1 đã anh dũng hy sinh; trong đó có nhiều người quê Nam Định như các anh: Cồ Như Phán, Cồ Như Sơn, xã Đồng Sơn; Phạm Văn Khánh, xã Nam Tiến; Vũ Văn Cẩn, xã Nam Thái... (Nam Trực). Nhiều liệt sĩ quê hương mãi mãi yên nghỉ ở Thành cổ Quảng Trị, thân xác các anh hòa vào với đất, cây cỏ, sông nước nơi đây. Cựu chiến binh Lê Bá Dương đã xúc động viết những câu thơ: “Đò lên Thạch Hãn ơi… chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi hai mươi thành sóng nước/ Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm”. Có liệt sĩ sau nhiều năm mới được đồng đội, gia đình tìm được hài cốt đưa về quê hương. Hiện, Đại đội 1 mới chỉ tìm thấy 29 cán bộ, chiến sĩ, trong đó có phân nửa là thương binh, người nhiễm chất độc da cam/đi-ô-xin. Nhiều người còn lại vẫn mang trong mình những mảnh bom, đạn, vẫn nhức nhối mỗi khi trở trời nhưng chưa được công nhận là thương binh do bị mất hết giấy tờ... Tuy vậy, những chiến sĩ Đại đội 1 năm xưa khi về địa phương vẫn phát huy phẩm chất tốt đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”, tích cực tham gia lao động, sản xuất xây dựng quê hương; nhiều người trở thành cán bộ lãnh đạo các cơ quan, đơn vị của các địa phương, có người tiếp tục tham gia quân đội đến khi nghỉ hưu. Trên địa bàn tỉnh hiện còn 8 chiến sĩ của Đại đội 1, trong đó phần lớn là thương, bệnh binh. Thương binh Phạm Đức Tùng, quê xã Nam Tiến (Nam Trực) lên đường nhập ngũ và trở thành chiến sĩ Đại đội 1 khi mới 18 tuổi, được phân công làm liên lạc. Ông bị thương khi chuyển mệnh lệnh chỉ huy của Đại đội đến các trung đội, được chuyển ra Hà Nội điều trị vết thương, an dưỡng tại Hà Nam. Do sai sót của đơn vị cứu thương, tên thật, năm sinh của ông đều bị đổi. Ngày trở về quê hương trên đôi nạng, gia đình ngỡ ngàng bởi tưởng ông đã hy sinh. Sau khi đi học Trường Trung cấp Tài chính - Kế toán ở Hải Dương, ông công tác trong ngành tài chính, ngân hàng của tỉnh cho đến khi nghỉ hưu năm 2010. Thương binh Trần Xuân Nhận, tỷ lệ thương tật 31%, quê xã Trực Hùng (Trực Ninh) có nhiều năm công tác tại Cty CP Vật tư nông nghiệp Nam Định luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được cấp trên nhiều lần khen thưởng. Ông Nguyễn Ngọc Vân ở xã Nam Tiến (Nam Trực) với tỷ lệ thương tật 25% nhưng vẫn tích cực phát triển kinh tế gia đình nuôi dạy con cái trưởng thành.

Trong không khí cả nước kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7-1947 - 27-7-2017), hoạt động gặp mặt, ôn lại truyền thống hào hùng của các chiến sĩ Đại đội 1, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 95, Sư đoàn 325, Quân đoàn 2 từng trực tiếp chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị mùa hè năm 1972 càng trở nên xúc động. Thời gian tới, Ban liên lạc Đại đội 1 sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động nghĩa tình, thăm hỏi, tìm thêm các đồng đội còn sống khu vực miền núi phía Bắc và miền Trung, phối hợp với chính quyền địa phương, gia đình để quy tập hài cốt các liệt sĩ, khơi dậy truyền thống cách mạng, lòng yêu nước cho thế hệ trẻ, góp phần vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, của đất nước./.

Bài và ảnh: Thanh Ngọc

 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com