Đường Trần Thừa rộng 20m, dài 1,3km có địa giới từ đường Trần Thái Tông đến đường Trần Tự Khánh thuộc phường Lộc Vượng (TP Nam Ðịnh).
Thái Thượng hoàng Trần Thừa (1184-1234) là người hương Tức Mặc, Hải Ấp (nay là huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Ðịnh), là thân phụ của Vua Trần Thái Tông - vị Hoàng đế khai sáng vương triều Trần.
Trần Thừa lớn lên khi cơ nghiệp nhà Lý đã suy yếu. Lý Cao Tông chơi bời vô độ, dân chúng bị khốn cùng, nổi dậy khởi nghĩa. Các tướng lĩnh địa phương cũng nhân lúc loạn lạc nuôi ý định xây dựng lực lượng riêng, trong đó có cha Trần Thừa là Trần Lý ở Hải Ấp. Năm 1209, xảy ra loạn Quách Bốc, thiên hạ đại loạn. Lý Cao Tông chạy lên Quy Hoá, Thái tử Sảm chạy về Hải Ấp, nơi Trần Lý cai quản. Thái tử Sảm lấy con gái của Trần Lý, em Trần Thừa là Trần Nhị Nương (còn gọi là Trần Thị Dung) làm vợ. Nhân có chính lệnh của Thái tử Sảm và có em vợ là Tô Trung Từ làm quan trong triều, Trần Lý có lý do phát triển lực lượng để đánh Quách Bốc. Trần Thừa cùng Trần Tự Khánh đã giúp cha và cậu thực hiện ý định đó. Trong những năm sau, với tài cầm quân của Trần Tự Khánh và Trần Thừa, anh em họ Trần chiếm ưu thế trong cuộc chiến với các hào trưởng địa phương và nắm được triều đình nhà Lý. Nhờ công phò tá triều Lý, Trần Thừa được Lý Huệ Tông phong làm Nội thị phán thủ năm Bính Tý (1216). Năm 1223, sau khi Trần Tự Khánh mất, ông được Lý Huệ Tông phong làm Thái úy Phụ chính, cùng với em họ là Trần Thủ Ðộ điều hành triều đình. Cuối năm 1225, con trai Trần Thừa là Trần Cảnh mới 8 tuổi đã lên làm vua, mở đầu cho thời đại nhà Trần. Trần Thừa làm nhiếp chính cho con trai mình. Tháng 10 năm 1226, Trần Thừa được tôn làm Thái thượng hoàng. Năm 1234, Thái thượng hoàng Trần Thừa băng hà, thọ 50 tuổi./.
Viết Dư