Tập trung lãnh đạo đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong những năm đầu thế kỷ XXI (2001-2005) - Kỳ 17

05:06, 27/06/2017

 

(Tiếp theo)

    Ủy ban nhân dân tỉnh đã tích cực xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách để giải quyết những vấn đề bức xúc cả trước mắt và lâu dài, như: hỗ trợ, khuyến khích xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn; thu hút vốn đầu tư, thu hút nhân tài; phát triển tiểu thủ công nghiệp, làng nghề, xây dựng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp... góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Ủy ban nhân dân các cấp đẩy mạnh thực hiện chương trình cải cách hành chính của Chính phủ, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính. Tỉnh đã chỉ đạo thí điểm tại thành phố Nam Định, sau đó mở rộng tới các ngành, các cấp thực hiện cơ chế giao dịch hành chính “một cửa”. Đến năm 2005, 10 huyện, thành phố, nhiều sở, ban, ngành và ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã thực hiện giao dịch hành chính “một cửa”, bước đầu nâng cao trách nhiệm của các cơ quan công quyền, giảm phiền hà, cầu cấp, tạo thuận lợi cho tổ chức và công dân trong việc giải quyết hành chính công, ủy ban nhân dân các cấp đã từng bước đổi mới phong cách chỉ đạo, quản lý, điều hành; xây dựng chương trình, kế hoạch, tăng cường kiểm tra cơ sở; coi trọng công tác sơ kết, tổng kết, nhân điển hình tiên tiến. Nhiều phong trào thi đua yêu nước được phát động, thiết thực động viên các tầng lớp nhân dân phấn đấu thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội do nghị quyết của Đảng và hội đồng nhân dân các cấp đề ra.

    Để khuyến khích nhân dân tham gia giám sát việc thi hành pháp luật và đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, tiêu cực ở các địa phương, đơn vị, Tỉnh ủy, ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo và tạo điều kiện cho Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân đẩy mạnh thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Ngày 6-11-2003, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 18-2-1998 của Bộ Chính trị (khoá VIII) về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Qua 5 năm thực hiện, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, ủy ban nhân dân tỉnh và của cấp ủy, chính quyền các cấp; sự phối kết hợp của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân từ tỉnh đến cơ sở; sự tham gia tích cực của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh; quy chế thực hiện dân chủ ở cơ sở thu được kết quả quan trọng; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể nhân dân ngày càng vững mạnh... Đến tháng 10- 2003, 100% số xã, phường, thị trấn trong tỉnh triển khai thực hiện quy chế dân chủ, trong đó các huyện triển khai tốt là Nghĩa Hưng, Hải Hậu, Vụ Bản, thành phố Nam Định. Những nội dung của quy chế dân chủ đều được các cơ sở triển khai đầy đủ, đúng quy trình và từng bước thực hiện đi vào nền nếp. Trên cơ sở quy chế dân chủ, ủy ban nhân dân tỉnh đã xây dựng thành 6 quy chế, quy ước mẫu để các xã, phường, thị trấn vận dụng cho phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương. Trong đó, tỉnh đặc biệt chú ý xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ về công khai tài chính, quy chế tiếp dân; quy chế quản lý, sử dụng, bảo vệ tài sản công và quy ước về xây dựng nếp sống văn hoá... Các thôn xóm, tổ dân phố cũng tiến hành xây dựng hương ước của đơn vị mình. Chính quyền đã bám sát và thực hiện đúng các quy định của quy chế dân chủ, công khai hoá các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, nhất là lĩnh vực chuyển đổi cơ cấu kinh tế, công tác dồn điền, đổi thửa, do vậy đã đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế, xây dựng các công trình hạ tầng cơ sở, các công trình phúc lợi công cộng như đường giao thông, trường học, trạm xá, hệ thống điện, nước, trong đó tiêu biểu là ở các huyện Nghĩa Hưng, Xuân Trường, Vụ Bản. Sau 5 năm triển khai thực hiện quy chế dân chủ, các xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã huy động được hàng ngàn tỷ đồng để xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống cộng đồng dân cư ở địa phương. Qua thực tế đã khẳng định thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở là một chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân, tạo được niềm tin trong các tầng lớp nhân dân và người lao động; khẳng định nguồn lực trong nhân dân vô cùng to lớn, khắc phục được tư tưởng ỷ lại, bao cấp; phát huy dân chủ, đóng góp tích cực vào việc đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

    Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân có nhiều đổi mới, góp phần tích cực vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương.

    Mặt trận Tổ quốc đã phát huy vai trò là trung tâm khối đại đoàn kết, cùng với các tổ chức thành viên tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền; đồng thời phối hợp chặt chẽ với chính quyền thực hiện có hiệu quả các cuộc vận động do Đảng và Nhà nước phát động. Nhân kỷ niệm 74 năm thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam (1930- 2004) gắn với tổng kết 10 năm thực hiện cuộc vận động ‘Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” (1994-2004), năm 2004, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc các cấp đã xây dựng kế hoạch hướng dẫn các ban công tác mặt trận khu dân cư tổ chức “Ngày hội đại đoàn kết dân tộc”. Trong năm đầu triển khai, 100% khu dân cư trong tỉnh đều tổ chức “Ngày hội đại đoàn kết dân tộc” với nhiều nội dung, hình thức phong phú, đa dạng; kết hợp trao giấy chứng nhận “Gia đình văn hoá” cho những gia đình tiêu biểu, từ đó tăng thêm niềm tin tưởng, phấn khởi trong nhân dân, tạo điều kiện cho nhân dân tham gia các hoạt động tập thể, gắn kết chặt chẽ hơn nữa mối quan hệ trong cộng đồng dân cư. Hưởng ứng chủ trương của uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về việc ủng hộ xây dựng “Quỹ đền ơn đáp nghĩa”, “Quỹ vì người nghèo”, Mặt trận Tổ quốc đã phát động phong trào sâu rộng trong toàn tỉnh. Sau một năm tổ chức thực hiện toàn tỉnh vận động đóng góp được 8,5 tỷ đồng. Từ nguồn quỹ của tỉnh, nguồn quỹ của Trung ương hỗ trợ cộng với sự giúp đỡ bằng tiền, vật liệu và ngày công của nhân dân, toàn tỉnh đã làm mới trên 1.200 ngôi nhà cho hộ nghèo, thay thế các ngôi nhà tranh, tre, dột nát.

 (còn nữa)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com