Tập trung lãnh đạo đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong những năm đầu thế kỷ XXI (2001-2005) - Kỳ 16

05:06, 22/06/2017

[links()]

(Tiếp theo)

    Thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 25-1-2002 của Bộ Chính trị về việc luân chuyển cán bộ lãnh đạo về quản lý, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã triển khai Quy định số 178 của Ban Tổ chức Trung ương về đánh giá và luân chuyển cán bộ. Từ năm 2001 đến năm 2005, tỉnh đã luân chuyển 51 cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp, tạo ra những chuyển biến mới trong công tác tổ chức cán bộ, khắc phục tình trạng khép kín về nhân sự. Thông qua thực hiện luân chuyển cán bộ, tỉnh đã xây dựng, kiện toàn đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở có phẩm chất, năng lực, có bản lĩnh chính trị vững vàng, đảm bảo về số lượng, nâng cao chất lượng, đồng bộ về cơ cấu, có tính kế thừa liên tục. Việc thực hiện luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý đã tạo được sự đồng tình trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

    Cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) khoá VIII và các Nghị quyết Trung ương (khoá IX) được toàn Đảng bộ khẳng  định là nhiệm vụ then chốt và tiếp tục được đẩy mạnh. Các cấp ủy đảng vừa coi trọng nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh, vừa coi trọng củng cố, khắc phục cơ sở đảng yếu kém; tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, thực hiện tự phê bình và phê bình; phân loại, đánh giá cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng hằng năm theo đúng quy định; đồng thời không ngừng chăm lo giáo dục đội ngũ đảng viên, xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên. Số cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh tăng từ 82,7% năm 2000 lên 88,4% năm 2005; cơ sở đảng yếu kém giảm từ 2,4% năm 2000 xuống còn 1,5% năm 2005. Số đảng viên đủ tư cách hoàn thành tốt nhiệm vụ (loại 1) tăng từ 74,9% năm 2000 lên 77% năm 2005; số vi phạm tư cách giảm từ 2% năm 2000 xuống còn 0,7% năm 2005. Toàn Đảng bộ đã cơ bản hoàn thành đổi thẻ đảng viên cho 87.990 đảng viên, chiếm 99,5% số đảng viên chính thức. Từ năm 2001 - 2005, công tác phát triển đảng viên mới được thực hiện ở 530/932 tổ chức cơ sở đảng, chiếm 56,86%; toàn tỉnh kết nạp 9.870 đảng viên; tăng 951 đảng viên so với nhiệm kỳ trước; bình quân mỗi năm kết nạp 2.467 đảng viên mới. Trình độ học vấn, chuyên môn của đảng viên mới được nâng lên. Các Đảng bộ: Hải Hậu, thành phố Nam Định, Khối Dân, Chính, Đảng và Khối Doanh nghiệp là những đơn vị điển hình phát triển được nhiều đảng viên mới.

    Nhằm tăng cường công tác kiểm tra của Đảng bộ, ngày 28-1-2002, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã thông qua Đề án số 03-ĐA/TU về tăng cường công tác kiểm tra của Đảng nhiệm kỳ 2001-2005. Các cấp ủy đảng từ tỉnh đến cơ sở đã chỉ đạo triển khai thực hiện toàn diện các nhiệm vụ kiểm tra theo Đề án số 03-ĐA/TU của Tỉnh ủy, hằng năm đều xây dựng chương trình kiểm tra việc thi hành Điều lệ Đảng, thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của cấp ủy các cấp thực hiện quy chế dân chủ, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Và lồng ghép thực hiện chương trình kiểm tra của Bộ Chính trị và Ban Bí thư Trung ương. Hoạt động công tác kiển tra của Đảng còn phối kết hợp chặt chẽ với Thanh tra Nhà nước và các cơ quan bảo vệ pháp luật, tập trung rà soát giải quyết những vấn đề sai phạm, những cơ sở yếu kém kiên quyết xử lý những tổ chức, đảng viên mắc sai lầm khuyết điểm. Đặc biệt, một số vụ việc tồn đọng phức tạp như tình hình an ninh nông thôn ở huyện Giao Thủy, một số đơn thư vượt cấp liên quan đến nhiều lĩnh vực, một số đơn thư có động cơ xấu, làm mất uy tín cán bộ, đảng viên đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy trực tiếp chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp giải quyết dứt điểm, góp phần ổn định tình hình chính trị - xã hội ở cơ sở. Tỉnh ủy cũng thường xuyên quan tâm đến việc nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, kiện toàn bộ máy tổ chức cán bộ. Từ năm 2001 đến năm 2005, các cấp ủy đảng đã tiến hành kiểm tra 160 tổ chức đảng và 1.508 đảng viên có dấu hiệu vi phạm; 10 tổ chức cơ sở đảng và 585 đảng viên có đơn thư tố cáo, kiểm tra 4.787 lượt tổ chức đảng về thực hiện nhiệm vụ, kiểm tra 1.023 lượt tổ chức đảng về việc thi hành kỷ luật đảng, kiểm tra tài chính 5.585 tổ chức đảng. Qua kiểm tra phát hiện sai phạm đã thi hành kỷ luật 1.835 đảng viên và 28 tổ chức đảng, giải quyết khiếu kiện, kỷ luật đối với 28 đảng viên. Nội dung vi phạm của các tổ chức đảng và đảng viên chủ yếu là do thiếu tinh thần trách nhiệm; chấp hành nghị quyết, chỉ thị của Đảng không nghiêm; cố ý làm trái chế độ, chính sách, vi phạm pháp luật, vi phạm phẩm chất, đạo đức, lối sống, mất đoàn kết nội bộ. Công tác kiểm tra được tăng cường không chỉ có tác dụng giữ nghiêm kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước, đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn đảng, chống quan liêu, tham nhũng, tiêu cực, tăng cường lòng tin của nhân dân đối với Đảng mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng trên địa bàn tỉnh.

    Để phát huy vai trò của hội đồng nhân dân và uỷ ban nhân dân các cấp, sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, Tỉnh ủy tập trung chỉ đạo đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo của tổ chức đảng đối với hoạt động của hội đồng nhân dân và uỷ ban nhân dân các cấp. Hội đồng nhân dân các cấp tăng cường chức năng quyết định và giám sát, ban hành nhiều nghị quyết quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết chuyên đề, từng bước nâng cao vai trò là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại biểu cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân. Để lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội thành công, ngày 11-2-2002, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra Chỉ thị số 05-CT/TU về lãnh đạo, chỉ đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XI. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, ủy ban nhân dân tỉnh, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XI ở tỉnh ngày 19-5-2002 đã thành công tốt đẹp. Tỷ lệ cử tri đi bầu cao, đạt trên 99%. Không khí dân chủ và ý thức trách nhiệm của người dân được nâng lên. Thực hiện Chỉ thị số 31-CT/TW ngày 26-11-2003 về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2004-2009 của Bộ Chính trị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra Chỉ thị số 21-CT/TU chỉ đạo cấp ủy và chính quyền các cấp lãnh đạo tốt cuộc bầu cử hội đồng nhân dân ba cấp tỉnh, huyện, xã nhiệm kỳ 2004-2009 vào ngày 25-4-2004, bảo đảm an toàn, dân chủ, đúng luật. Toàn tỉnh có 98,42% cử tri tham gia bỏ phiếu, bầu được 67 đại biểu hội đồng nhân dân tỉnh (thiếu 2 đại biểu); 391 đại biểu hội đồng nhân dân huyện, thành phố (thiếu 3 đại biểu); 6.010 đại biểu hội đồng nhân dân xã, phường, thị trấn (thiếu 179 đại biểu). Có 23 đơn vị phải bầu thêm và bầu lại đại biểu hội đồng nhân dân xã vào ngày 9-5- 2004. Qua hai lần bầu cử, tổng số đại biểu hội đồng nhân dân cấp xã được bầu là 6.043 đại biểu (thiếu 143 đại biểu). Sau bầu cử, hội đồng nhân dân các cấp được kiện toàn, đảm bảo quy trình, cơ cấu tổ chức hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân các cấp cũng được kiện toàn, đảm bảo dân chủ, nâng cao chất lượng. Tháng 4-2004, đồng chí Trần Trung Am, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh thôi đảm nhiệm chức Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, vẫn tiếp tục là Phó Bí thư Tỉnh ủy, phụ trách cơ sở đảng. Đồng chí Trần Minh Oanh được bầu là Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh. Tháng 4-2004, đồng chí Chu Văn Đạt, ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Nam Định được điều động lên làm Thường trực Tỉnh uỷ; tháng 5-2004, đồng chí được bầu là Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh. Từ tháng 6 – 2004, đồng chí Chu Văn Đạt được bầu là Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Nam Định.

 (còn nữa)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com