Phố Tô Vĩnh Diện rộng 13m, dài 62m, có địa giới từ đường N6 đến đường Trần Bích San, thuộc phường Trần Quang Khải.
Tô Vĩnh Diện (1924-1954), quê ở tỉnh Thanh Hóa, là Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân, nổi tiếng với việc hy sinh thân mình để cứu khẩu pháo lăn xuống vực trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Năm 1949, Tô Vĩnh Diện xung phong đi bộ đội. Năm 1953, quân đội ta thành lập các đơn vị pháo cao xạ, Tô Vĩnh Diện được điều về làm Tiểu đội trưởng pháo cao xạ 37mm thuộc Đại đội 827, Tiểu đoàn 394, Trung đoàn 367 (Trung đoàn Pháo cao xạ đầu tiên của quân đội ta). Sau khi được huấn luyện từ Trung Quốc về, Trung đoàn nhận nhiệm vụ tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử. Tháng 1-1954, hai Tiểu đoàn 383 và 394 thuộc Trung đoàn 367 kéo pháo vào tập kết trong lòng chảo Điện Biên Phủ theo kế hoạch “Đánh nhanh, thắng nhanh”. Sau khi Bộ Chỉ huy Chiến dịch quyết định thay đổi phương châm sang “Đánh chắc tiến chắc”, đơn vị của Tô Vĩnh Diện thực hiện lệnh kéo pháo ra bố trí lại thế trận. Đêm 1-2-1954, đơn vị của Tô Vĩnh Diện kéo pháo ra đến dốc Chuối, dốc nghiêng 70 độ, đường hẹp và cong. Khi pháo vừa xuống được nửa dốc, đạn pháo địch rót tới nổ chát chúa, khiến dây tời chính bị đứt. Trước hoàn cảnh nguy nan đó, Tô Vĩnh Diện hô đồng đội: “Thà hy sinh, quyết bảo vệ pháo” và buông tay lái xông lên phía trước, lấy thân mình chèn vào bánh pháo. Pháo bị vướng, nghiêng dựa vào sườn núi, nhờ đó, đồng đội kịp ghìm giữ pháo dừng lại. Tấm gương hy sinh anh dũng của Tô Vĩnh Diện đã cổ vũ mạnh mẽ toàn đơn vị vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ và chiến đấu thắng lợi. Khẩu pháo cao xạ 37mm mang số hiệu 510681 được Tô Vĩnh Diện cứu tiếp tục tham chiến trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, lập thành tích bắn rơi 3 máy bay và bắn bị thương 13 chiếc khác.
Với sự hy sinh quả cảm, liệt sĩ Tô Vĩnh Diện đã được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất. Ngày 7-5-1955, liệt sĩ Tô Vĩnh Diện được Nhà nước truy tặng Huân chương Quân công hạng Nhì và danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân./.
Viết Dư