Tập trung lãnh đạo đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong những năm đầu thế kỷ XXI (2001-2005) - Kỳ 8

05:05, 25/05/2017

[links()]

(Tiếp theo)

    Bên cạnh những kết quả đạt được, sản xuất công nghiệp của tỉnh, nhất là công nghiệp chế biến còn bộc lộ nhiều hạn chế: Tỷ trọng sản phẩm qua chế biến còn rất thấp, nhất là đối với sản phẩm lương thực, thực phẩm, thuỷ, hải sản. Thị trường tiêu thụ của công nghiệp dệt may chưa ổn định, giá thành sản phẩm cao nên sức cạnh tranh hạn chế, nhất là hàng xuất khẩu chưa có sản phẩm mũi nhọn và ngành sản xuất mũi nhọn. Việc quản lý nhà nước, quản lý quy hoạch đầu tư xây dựng ở một số cụm công nghiệp còn lúng túng, thu hút đầu tư còn thấp. Công tác giải phóng mặt bằng rất khó khăn ở một số địa bàn, làm ảnh hưởng đến thực hiện các dự án.

Khu đô thị Hòa Vượng (TP Nam Định).
Khu đô thị Hòa Vượng (TP Nam Định).

    Phong trào làm đường giao thông nông thôn tiếp tục được duy trì, đẩy mạnh. Đến năm 2005, toàn tỉnh làm mới được 101 km đường các loại, sửa chữa 84 cầu, cống, với tổng kinh phí 55 tỷ đồng; trong đó ngân sách nhà nước 10 tỷ đồng, nhân dân đóng góp 45 tỷ đồng. Việc cải tạo, nâng cấp đường giao thông tiếp tục được chỉ đạo triển khai đồng bộ ở các cấp, các tuyến và tập trung vào những tuyến giao thông chính của tỉnh, huyện. Dự án WB2 năm thứ hai với 99,8 km đường và 13 cầu đã hoàn thành; nâng tổng chiều dài đường cứng hoá trong tỉnh lên 6.000 km, trong đó trải nhựa đường tỉnh đạt 99,3%, đường huyện đạt 94%. Trên cơ sở quy hoạch giao thông vận tải đến năm 2010, từ năm 2001 đến 2005, tỉnh đã triển khai nhiều công trình giao thông vận tải bằng nguồn vốn Trung ương và vốn địa phương như: Tuyến quốc lộ 10 từ Quảng Ninh đến Ninh Bình, trong đó có tuyến tránh thành phố Nam Định. Tuyến quốc lộ 10 - quốc lộ 21 có cầu vượt đường sắt và cầu vượt sông Đào (S2); tuyến đường 486B (56 cũ) nối thị trấn Gôi với quốc lộ 21 (S3). Bằng nguồn vốn chương trình WB2, nguồn vốn địa phương, vốn của nhân dân đóng góp, toàn tỉnh đã cải tạo, nâng cấp các tuyến đường tỉnh, đường huyện và đường xã, liên xã. Nhiều cầu, phà được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng như cầu Tân Đệ, cầu Lạc Quần, cầu Hà Lạn, cầu Quần Liêu, bến phà Thịnh Long, Sa Cao - Thái Hạc, cầu phao Ninh Cường, cảng biển Hải Thịnh. Đồng thời tỉnh triển khai thi công 12 tuyến đường, 21 cầu của chương trình WB2 năm thứ tư; tạo cho các tuyến trục giao thông từng bước được đồng bộ, thuận tiện. Phương tiện vận tải và luồng ở các tuyến đường bộ, đường thuỷ tiếp tục tăng, nhất là ở khu vực tư nhân, cơ bản đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Các ngành chức năng phối hợp với các địa phương tăng cường công tác quản lý, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, thường xuyên duy tu, bảo dưỡng đường bộ, cắm mốc giới, biển báo, triển khai từng bước lộ trình cấm xe công nông theo Chỉ thị số 45/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đạt kết quả tốt.

    Cùng với sự phát triển của các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, giao thông vận tải, hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch có những chuyển biến tích cực. Tỉnh chủ trương xây dựng, phát triển các trung tâm thương mại, các chợ nông thôn nhằm thúc đẩy lưu thông hàng hoá trên địa bàn. Từ năm 2001 đến 2005, hoạt động thương mại nội địa và các loại hình dịch vụ phát triển khá sôi động, hàng hoá phong phú, đa dạng, đáp ứng nhu cầu cung ứng vật tư sản xuất, hàng tiêu dùng cho nhân dân các vùng trong tỉnh. Tổng giá trị hàng xuất khẩu năm 2005 đạt 120 triệu USD (chỉ tiêu là 70-75 triệu USD), trong 5 năm tăng bình quân 16,5%/năm, trong đó xuất khẩu địa phương quản lý tăng 18,2%/năm. Giá trị xuất khẩu bình quân đầu ngươi đạt 61 USD/người/năm, tăng 2 lần so với năm 2000. Các ngành dịch vụ phát triển, tốc độ tăng trưởng bình quân trong 5 năm là 8,3%/năm (chỉ tiêu là 7-8%). Cơ sở hạ tầng du lịch được quan tâm đầu tư, doanh thu các hoạt động du lịch năm 2005 đạt 75 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm là 14%/năm (chỉ tiêu là 11-12%).

    Trong xây dựng, quy mô vốn đầu tư xây dựng cơ bản tăng nhanh, đạt 28,5% - 30% GDP; tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội trong 5 năm (2001-2005) đạt trên 11 ngàn tỉ đồng, tăng 13,9% so với kế hoạch, vốn đầu tư nước ngoài kể cả nguồn tài trợ ODA và vốn đầu tư trực tiếp FDI tăng khá; trong 5 năm (2001-2005) đạt 54,27 triệu USD, 47 triệu France, 26 triệu Euro và 142 tỷ Việt Nam đồng. Vốn đầu tư trong và ngoài nước được tập trung cho các dự án lớn, hoàn thành và đưa vào sử dụng nhiều công trình trọng điểm như: hệ thống đê sông, đê biển, trạm bơm, cống lớn, kè đê sông Đào thành phố Nam Định; cơ sở hạ tầng giao thông; xây dựng Nhà máy đóng tàu thuộc tổng công ty Vận tải đường thuỷ Miền Nam (Vinashin), và nhiều công trình mô trình phúc lợi văn hoá, thể thao trên địa bàn tỉnh.

    Song song với xây dựng các khu công nghiệp, tỉnh đã tập trung chỉ đạo xây dựng các khu đô thị mới như Hoà Vượng Thống Nhất,... các khu tái định cư Trầm Cá, Phạm Ngũ Lão,... góp phần giải quyết mặt bằng, xây dựng nhà ở cho nhân dân và chống sốt giá đất; đồng thời chỉ đạo bán nhà của Nhà nước cho người đang thuê; cấp giấy chứng nhận nhà đất, đã tạo điều kiện cho người dân yên tâm bỏ vốn sửa sang nhà cửa, góp phần chỉnh trang phố phường, đảm bảo an toàn khi bão gió, góp phần nâng cao vẻ đẹp của đô thị.

    Bằng phương thức “sử dụng quỹ đất để tạo vốn xây dựng cơ sở hạ tầng”, góp phần phát triển thành phố theo quy hoạch được Chính phủ phê duyệt, ngày 28-7-2003, ủy ban nhân dân tỉnh đã quyết định đầu tư xây dựng khu đô thị Hoà Vượng, phía tây bắc thành phố Nam Định, với tổng diện tích là 53,39 ha, tổng vốn đầu tư là 417.516 triệu đồng. Chủ đầu tư là Công ty thương mại và du lịch Nam Cường. Khu đô thị được xây dựng, quy hoạch theo tiêu chuẩn mới, có đầy đủ hệ thống đường giao thông, đường điện, cây xanh, khu vui chơi, các công trình công cộng, hệ thống tiêu thoát nước... đáp ứng nhu cầu chỗ ở cho 9.200 người. Đến năm 2004, việc xây dựng cơ sở hạ tầng cơ bản hoàn thành, phục vụ cho nhu cầu ở và sinh hoạt của nhân dân.

 (còn nữa)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com