[links()]
(Tiếp theo)
Công nghiệp dệt may là ngành công nghiệp truyền thống của tỉnh, chiếm tỷ trọng và lao động lớn trong toàn ngành công nghiệp. Sau khó khăn về sản xuất của Công ty dệt Nam Định, các đơn vị dệt may và các doanh nghiệp trên các lĩnh vực khác được tạo điều kiện giúp đỡ tổ chức sản xuất, góp phần giải quyết việc làm, ổn định đời sống nhân dân và góp phần tăng trưởng kinh tế, giải quyết an sinh xã hội. Một số doanh nghiệp có quy mô lớn như Công ty dệt Nam Định, Công ty dệt lụa Nam Định, Công ty may Sông Hồng... sau khi tiến hành cải tiến, sắp xếp lại đã đi vào ổn định và phát triển sản xuất. Đến năm 2005, ngành đã thực hiện 28 dự án đầu tư với tổng số vốn là 291 tỷ đồng, thu hút thêm trên 5.000 lao động. Công nghiệp dệt may có thêm một số sản phẩm mới được thị trường trong và ngoài nước chấp nhận như: len xuất khẩu, chăn, ga, gối cao cấp, quần áo xuất khẩu...
Sản xuất ở Cty CP May Sông Hồng. |
Công nghiệp cơ khí, điện, điện tử chiếm tỷ trọng 18,6% trong tổng số giá trị và 16,79% lao động trong toàn ngành. Tỉnh đã đầu tư thực hiện 6 dự án với số vốn 24,5 tỷ đồng thu hút thêm gần 1.000 lao động và có thêm một số sản phẩm mới như dây, lưới thép bọc nhựa, tàu công suất trung bình, phụ tùng xe đạp, xe máy. Sản phẩm chủ yếu là máy tuốt lúa, máy trộn bêtông, đóng mới và sửa chữa tàu thuyền, đóng mới và sửa chữa xe ôtô, cơ khí phục vụ nông nghiệp. Tốc độ tăng bình quân của công nghiệp cơ khí, điện, điện tử là 18,5%, vượt 3,5% so với mục tiêu Đại hội đề ra. Công nghiệp cơ khí, điện, điện tử phát triển tương đối đa dạng; khu vực tư nhân đã phát huy được tính năng động, sáng tạo và có nhiều điển hình tốt. Dự án Trung tâm công nghệ thông tin với mục tiêu chiến lược là sản xuất chương trình phần mềm tin học, tiến tới hình thành công ty sản xuất phần mềm được tỉnh tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện.
Công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng chiếm tỷ trọng 7,7% GDP và 11,86% lao động toàn ngành. Các dự án sản xuất gạch tuynen phát triển tốt, sản xuất có lãi. Công ty xây lắp 1 đã đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất gạch granit, công nghệ của Italia, công suất 1 triệu m2/năm tại khu công nghiệp Hoà Xá. Các loại vật liệu xây dựng mới được tiếp tục nghiên cứu, đáp ứng yêu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 12,7%.
Trên địa bàn 8 huyện đã được tỉnh phê duyệt 13 dự án xây dựng cụm công nghiệp với diện tích 124 ha, mức vốn đầu tư 142 tỷ đồng. Năm 2002, tỉnh đầu tư cơ sở hạ tầng cho 5 cụm công nghiệp: Vân Tràng, Tống Xá, Thịnh Long, Xuân Tiến, La Xuyên. Riêng cụm công nghiệp Xuân Tiến có 5 doanh nghiệp đã đi vào sản xuất, giải quyết việc làm cho trên 1.000 lao động.
Khu công nghiệp Hoà Xá đã giải phóng mặt bằng 2000 ha, hoàn thành quy hoạch chi tiết 327 ha (mở rộng thêm 127 ha). Năm 2003, riêng ở khu công nghiệp Hoà Xá có 165 doanh nghiệp đăng ký đầu tư với diện tích đăng ký thuê đất là 160 ha, vốn đăng ký đầu tư là 1.750 tỷ đồng và 20 triệu USD. 36 dự án được cấp phép đầu tư trên diện tích đất 55 ha với số vốn đăng ký 620 tỷ đồng, sử dụng 9.100 lao động (trong đó có 2 dự án liên doanh với nước ngoài và 2 dự án 100% vốn nước ngoài). 11 dự án đã đi vào sản xuất và có sản phẩm mới cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, gồm các mặt hàng: len xuất khẩu, hàng thủ công mỹ nghệ, sản phẩm cơ khí, điện dân dụng, khung thép, phụ tùng máy thiết bị, hàng nhựa, bao bì...
Đánh giá kết quả thực hiện chương trình phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp thời kỳ 2001-2005, Hội nghị giữa nhiệm kỳ của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XVI ngày 16-7-2003 chỉ rõ: sản xuất công nghiệp có bước chuyển biến tích cực, giá trị sản xuất liên tục tăng qua các năm với nhịp độ cao, tỷ trọng trong GDP bình quân đạt 15,95. Trình độ công nghệ, thiết bị và năng lực quản lý nâng lên. Công nghiệp trung ương sau nhiều năm khó khăn đã đi vào sản xuất ổn định và phát triển khá. Công nghiệp địa phương, nhất là khu vực dân doanh và các làng nghề có bước phát triển đồng đều, năng động và đa dạng. Một số khu, cụm công nghiệp được hình thành, tạo nên sự khởi sắc cho ngành công nghiệp. Công tác xúc tiến thị trường được quan tâm hơn, sản phẩm xuất khẩu tăng dần. Một số cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp mới ban hành đã có tác dụng tích cực trong việc huy động nội lực và thu hút đầu tư.
Sau hội nghị giữa nhiệm kỳ, Tỉnh ủy, ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo ngành công nghiệp thực hiện ngay một số giải pháp cơ bản, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đảm bảo tập trung thống nhất, có kế hoạch cụ thể thực hiện 2 năm còn lại của chương trình; khẩn trương rà soát, điều chỉnh và xây dựng quy hoạch ngành, quy hoạch sản phẩm cho phù hợp; trên cơ sở đó, lập các dự án đầu tư khả thi và chuẩn bị các điều kiện hạ tầng như giao thông, điện, nước. Tiếp tục hoàn chỉnh, xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, đầu tư chiều sâu với công nghệ tiên tiến, hiện đại. Tiếp tục đổi mới, sắp xếp lại doanh nghiệp và giải quyết các tồn đọng của doanh nghiệp; tăng cường đào tạo cán bộ quản lý và công nhân lành nghề cho các doanh nghiệp; tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, chú trọng công tác xây dựng đảng, củng cố các đoàn thể trong các loại hình doanh nghiệp cho phù hợp với thực tiễn của địa phương.
(còn nữa)