Tập trung lãnh đạo đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong những năm đầu thế kỷ XXI (2001-2005) - Kỳ 4

04:05, 11/05/2017

[links()]

(Tiếp theo)

    Hiệu quả các chương trình trong nông nghiệp đã tạo động lực thu hút, khuyến khích các hợp tác xã, hộ nông dân, chủ trang trại, doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, không chỉ góp phần quan trọng vào thắng lợi của chỉ tiêu kế hoạch sản xuất nông, lâm nghiệp, xây dựng nông thôn mới của tỉnh mà còn từng bước thay đổi nếp nghĩ và hình thức sản xuất của hộ nông dân, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng ngành trồng trọt giảm dần; chăn nuôi, dịch vụ tăng dần và từng bước thực hiện phân công lại lao động ở nông thôn.

    Tuy nhiên, việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong sản xuất nông nghiệp còn chậm so với yêu cầu. Giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích còn thấp. Việc giao ruộng đất ổn định lâu dài cho nông dân tuy đã đạt được kết quả bước đầu nhưng cũng còn bộc lộ những hạn chế. Việc dồn điền đổi thửa đã được triển khai thực hiện nhưng chưa triệt để. Việc quản lý đất công ích còn nhiều bất cập, sử dụng chưa có hiệu quả... Từ đó làm hạn chế việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phát triển mô hình kinh tế hộ, kinh tế trang trại với quy mô lớn.

    Sau 5 năm thực hiện chương trình Phát triển chăn nuôi lợn có tỷ lệ nạc cao và lợn sữa phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu giai đoạn 2001-2005, các chỉ tiêu về chăn nuôi tổng đàn lợn, sản lượng thịt, trong đó có thịt lợn xuất khẩu đều vượt kế hoạch, năm sau cao hơn năm trước. Mô hình trang trại vừa và nhỏ nuôi theo phương pháp công nghiệp, thực hiện chu trình chăn nuôi khép kín từ lợn nái sản xuất giống - lợn thương phẩm, đạt hiệu quả kinh tế rõ rệt. Sản lượng thịt xuất chuồng năm 2005 tăng 11.159 tấn so với năm 2001. Đàn lợn năm 2005 tăng 107 ngàn con so với năm 2001, trong đó, đàn lợn ngoại có tỷ lệ nạc cao phát triển nhanh; đàn gia cầm cũng tăng với mức khá cao. Toàn tỉnh có 2.170 trang trại chăn nuôi với số vốn đầu tư 70 tỷ đồng. Tỷ trọng ngành chăn nuôi trong cơ cấu ngành nông nghiệp tăng từ 22,34% năm 2001 lên 24,28% năm 2005. Công tác thú y và tiêm phòng gia súc, gia cầm hàng năm được các cấp ủy, chính quyền quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt nên trong hai năm 2002-2003, dịch lở mồm long móng đã được bao vây, dập tắt, không để bùng phát trên diện rộng. Tỷ lệ gia súc, gia cầm được tiêm phòng tăng nhanh, số lợn ốm giảm 17% và lợn chết giảm 21% so với các năm trước.

    Là tỉnh nông nghiệp ven biển, Nam Định có 663,2 km đê, trong đó có 91,5 km đê biển. Từ năm 2001 đến năm 2005, hệ thống đê sông, đê biển được đầu tư nâng cấp, góp phần bảo vệ sản xuất và đời sống của nhân dân. Năm 2005, thời tiết diễn biến phức tạp, nhiều cơn bão liên tiếp ảnh hưởng tới địa bàn tỉnh, như bão số 6, số 7... Riêng cơn bão số 7 ngày 27-9-2005 đổ bộ trực tiếp vào Nam Định là cơn bão mạnh nhất trong vòng 60 năm qua, sức gió cấp 11, 12, giật cấp 13, 14, có mưa lớn, lại rơi vào đúng lúc triều cường, lũ trên nguồn đổ xuống, thời gian bão kéo dài từ 3h sáng tới 14 giờ, sức tàn phá lớn đã làm vỡ nhiều đoạn của tuyến đê biển Hải Hậu, Giao Thuỷ, gây ngập úng và thiệt hại nghiêm trọng về cơ sở vật chất và sản xuất, đời sống của nhân dân các xã ven biển. Trước khi bão xảy ra, Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão của tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị thường xuyên theo dõi diễn biến cơn bão, chỉ đạo các huyện ven biển triệt để sơ tán dân và huy động cao độ nhân lực, vật tư, phương tiện để vừa gia cố những công trình đê biển bị hư hỏng sau cơn bão số 6, vừa chủ động đối phó với cơn bão số 7. Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Tấn Dũng và đại diện các bộ, ngành cũng đã về kiểm tra và trực tiếp chỉ đạo công tác phòng chống bão của tỉnh. Do chủ động trong công tác phòng chống nên tỉnh đã hạn chế thấp nhất thiệt hại do cơn bão số 7 gây ra. Trong Hội nghị tổng kết phòng chống lụt bão của Trung ương năm 2005, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Tấn Dũng đã phát biểu trước hội nghị: “Công tác phòng chống lụt bão phải được tiến hành tích cực như ở Nam Định”.

    Chương trình trồng rừng phòng hộ ven biển, trồng cây chắn sóng ven đê tiếp tục được triển khai, thực hiện. Hằng năm, toàn tỉnh trồng được trên 100 ha rừng phòng hộ, cây chắn sóng, đưa diện tích rừng của tỉnh lên 5.000 ha.

    Việc tưới tiêu nước cho sản xuất nông nghiệp của tỉnh do 7 công ty quản lý khai thác công trình thuỷ lợi phụ trách, toàn bộ hệ thống đã được quy hoạch và từng bước bổ sung, hoàn chỉnh cho phù hợp với yêu cầu mới. Đến năm 2005, số công trình thuỷ nông của tỉnh gồm: 10.000 km đường kênh tưới, tiêu được kiên cố hoá; 280 cống dưới đê các loại; 17.000 cống, đập điều tiết nội đồng; 592 trạm bơm với tổng công suất 2.097.540 m3/giờ. Hệ thống này duy trì hoạt động thường xuyên, liên tục, đảm bảo cơ bản nhu cầu tưới, tiêu nước cho các cánh đồng trên địa bàn tỉnh.

    Thực hiện nội dung chương trình Phát triển kinh tế biển giai đoạn 2001-2005, Ban chỉ đạo chương trình đã thường xuyên theo dõi, chỉ đạo sát sao các ngành, các cấp tập trung nguồn lực để ưu tiên cho phát triển kinh tế biển và đã đạt được những kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực. Phong trào nuôi trồng thuỷ sản phát triển mạnh mẽ, đều khắp cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Diện tích đất đai, mặt nước được tận dụng và chuyển đổi một số diện tích trồng lúa, cói, làm muối năng suất thấp sang nuôi trồng thuỷ sản. Các ao, đầm nuôi trồng thuỷ sản đều được xây dựng, cải tạo, đầu tư nâng cấp theo tiêu chuẩn kỹ thuật. Diện tích nuôi trồng thủy sản đến năm 2005 đạt 6.400 ha (trong đó diện tích nuôi tôm là 4.500 ha) tăng hơn 400 ha so với năm 2002. Do tỉnh có chính sách khuyến khích và kêu gọi đầu tư hợp lý nên đã có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh đến xây dựng các khu nuôi tôm công nghiệp năng suất cao. Ở vùng đông Nam Điền có 5 dự án, lớn nhất là của Công ty Viễn Đông 105 ha; vùng Nông trường Bạch Long có dự án nuôi tôm công nghệ cao của Công ty Đại Dương trên 130 ha... Do đã tranh thủ tốt sự quan tâm đầu tư của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, tỉnh từng bước xây dựng hạ tầng cơ sở thuỷ sản, nên trong giai đoạn 2001-2005, giá trị sản xuất toàn ngành tăng bình quân hằng năm 16,1% (mục tiêu Đại hội đề ra là 16%). Phương tiện tàu thuyền, đánh bắt hải sản tương đối ổn định về số lượng nhưng tăng về công suất. Đến năm 2003, toàn tỉnh có 1.800 tàu, thuyền đánh bắt xa bờ, với tổng công suất xấp xỉ 47.000 CV. Khai thác hải sản xa bờ đã tạo thêm việc làm cho lao động trực tiếp đánh cá và hàng ngàn lao động khác làm chế biến, dịch vụ, tiêu thụ... Đại bộ phận ngư dân, đặc biệt là đội ngũ thuyền trưởng, máy trưởng đã nắm bắt được ngư trường, làm quen và sử dụng thành thạo các thiết bị hiện đại và kỹ thuật khai thác mới. Sản lượng khai thác và nuôi trồng đạt bình quân 54.000 tấn/năm, trong đó sản lượng nuôi trồng đạt 23.000 tấn/năm. Toàn tỉnh đã chuyển đổi trên 600 ha đất nông nghiệp có năng suất thấp sang nuôi trồng thuỷ sản; có 450 trang trại nuôi trồng thuỷ sản với tổng số vốn đầu tư 104,8 tỷ đồng, bình quân mỗi trang trại 218,3 triệu đồng và 6,28 ha; xây dựng được 2 trại tôm giống cùng với hàng chục trại tôm giống của tư nhân, hằng năm đã cung cấp trên 10 triệu con tôm giống, đáp ứng 10% tổng số tôm giống cho sản xuất. Năng suất nuôi trồng thuỷ sản bình quân đạt 1,5 tấn - 2 tấn/ha, có nhiều hộ đạt 4-5 tấn/ha. Nhiều cơ sở chế biến đã hình thành và đi vào sản xuất ổn định, phục vụ kịp thời nhu cầu tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Hằng năm, sản lượng hải sản chế biến tiêu thụ nội địa khoảng 7.000 tấn, riêng chế biến đạt trung bình 4.500 tấn/năm, sản xuất được 3,5 triệu lít nước mắm, trên 1.000 tấn mắm tôm, 550 tấn cá khô, bột cá.

 (còn nữa)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com