Tập trung lãnh đạo đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong những năm đầu thế kỷ XXI (2001-2005) - Kỳ 3

06:05, 09/05/2017

[links()]

(Tiếp theo)

    Ngày 30-5-2002, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã triển khai kế hoạch học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 5 (khoá IX) triển khai tới các cấp ủy đảng trong toàn tỉnh. Trên cơ sở nâng cao nhận thức, các cấp ủy đảng đã xây dựng thành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 và Chương trình phát triển nông, lâm nghiệp và xây dựng nông thôn mới của tỉnh trên các lĩnh vực ở các địa phương, tạo ra sức bật mới và thu được những kết quả bước đầu quan trọng.

    Tỉnh đã chỉ đạo các hợp tác xã nông nghiệp hoàn thành cơ bản việc chuyển đổi theo Luật hợp tác xã. Toàn tỉnh có 313 hợp tác xã nông nghiệp ở 210 xã, thị trấn với 445.000 hộ xã viên. Bình quân mỗi hợp tác xã có khoảng 300 ha đất canh tác, 1.300 hộ xã viên, 18 người trong bộ máy quản lý và tổ chức sản xuất. Các hợp tác xã tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí quan trọng trong tổ chức sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn mới. Thông qua công tác quy hoạch, kế hoạch, các hợp tác xã từng bước thực hiện chuyển dịch cơ cấu sản xuất, khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ, phân tán, manh mún của hộ xã viên. Các dịch vụ về làm đất, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, phòng trừ sâu bệnh, tưới tiêu, vận tải..., hợp tác xã đảm nhiệm khoảng 80% với phương thức phục vụ linh hoạt, thuận tiện. Mặt khác, để tạo thuận lợi cho việc ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, ngày 6-8-2002, Tỉnh ủy ra Nghị quyết số 02-NQ/TU về việc dồn điền, đổi thửa trong sản xuất nông nghiệp. Nghị quyết nhấn mạnh: công tác quản lý đất đai nói chung và việc dồn điền, đổi thửa cho các hộ nông dân đang là nhu cầu thực tiễn bức xúc đặt ra hiện nay... Việc dồn điền, đổi thửa là để khắc phục tình trạng manh mún ruộng đất, tạo ra ô thửa lớn hơn phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, đáp ứng yêu cầu phát triển. Thông qua việc dồn điền, đổi thửa để quản lý, phân định cụ thể đất công ích, đất dành cho quy hoạch, làm cơ sở lập hồ sơ quản lý đất theo quy định; giúp cho việc sử dụng đất công hợp lý, có hiệu quả, đúng luật và tăng thu ngân sách địa phương...

    Thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy, ngày 21-8-2002, ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Kế hoạch số 123/VP3 về công tác dồn điền đổi thửa trong nông nghiệp và chỉ đạo các đơn vị làm điểm, sơ kết rút kinh nghiệm để nhân ra diện rộng. Thực tế dồn điền, đổi thửa là một việc làm khó, liên quan đến lợi ích thiết thực của từng hộ nông dân. Trong quá trình giao nhận ruộng trước đây, các hộ đều có ruộng xấu ruộng tốt, ruộng xa, ruộng gần. Để các hộ dân có được những mảnh ruộng liền thửa rộng rãi, thuận tiện cho canh tác, đòi hỏi phải làm tốt công tác tuyên truyền, vận động thuyết phục, thực hiện tốt, công khai, dân chủ và cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của cấp ủy, chính quyền các cấp. Trong quá trình thực hiện, đảng bộ các huyện đều ra nghị quyết hoặc chỉ thị để lãnh đạo. Hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân huyện xây dựng thành đề án và kế hoạch tổ chức thực hiện. Các địa phương đã tổ chức nhiều cuộc họp với nông dân các hợp tác xã, thôn, xóm để quán triệt chủ trương, phổ biến nội dung đề án, cách thức tiến hành cụ thể tới từng hộ dân. Sau khi nông dân đã nắm vững chủ trương, kế hoạch dồn điền, đổi thửa và đồng tâm thực hiện, các hợp tác xã, thôn, đội tiến hành tổ chức cho các hộ dân chuyển đổi ruộng đất, đảm bảo công khai, dân chủ, đúng quy hoạch sử dụng đất đã được cấp trên phê duyệt. Tỉnh cũng chỉ đạo khi tiến hành dồn đổi, giao đất xong ngoài thực địa, nếu có phát sinh mâu thuẫn, vướng mắc, các địa phương phải chủ động giải quyết kịp thời theo đúng nguyên tắc đã đề ra trong phương án, đồng thời tiến hành chỉnh lý bản đồ, lập biên bản giao đất cho từng hộ để làm cơ sở tái cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ.

    Sau 3 năm thực hiện, tỉnh đã cơ bản hoàn thành việc dồn điền đổi thửa. Bình quân trước đây mỗi hộ có 10 đến 12 thửa, nay chỉ còn tối đa 4 đến 5 thửa. Kết quả trên đã góp phần tạo thuận lợi để áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, thực hiện mục tiêu thâm canh theo vùng, chuyển đổi mục đích sản xuất, quy hoạch quỹ đất đai cho các nhu cầu xây dựng và làm nhà ở; bước đầu hình thành vùng sản xuất hàng hoá nông nghiệp tập trung, gắn với bảo quản, chế biến, tiêu thụ, như vùng sản xuất lạc ở Ý Yên, Vụ Bản, Nam Trực; cà chua ở Hải Hậu, Nghĩa Hưng; dưa chuột ở Vụ Bản, Ý Yên, Nam Trực... Trong đó đã xuất hiện nhiều cánh đồng sản xuất từ 3 đến 4 vụ một năm với các công thức luân canh: lúa xuân - cây công nghiệp hè thu - vụ đông xuất khẩu, hoặc lúa xuân - đậu tương hè thu - vụ đông, rau xuân... cho thu nhập từ 60 triệu đến 100 triệu đồng/ha/năm ở các huyện Hải Hậu, Ý Yên, Vụ Bản, Nam Trực.

    Bám sát định hướng chỉ đạo của Tỉnh ủy, ngay từ vụ mùa năm 2001, các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch, tích cực chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cơ cấu giống đẩy mạnh việc ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật. Và chủ động phòng trừ sâu bệnh nên sản xuất nông nghiệp đạt được kết quả khá cả về diện tích, năng suất và giá trị thu nhập. Từ năm 2001, năng suất, sản lượng cây trồng vật nuôi liên tục đạt đỉnh cao mới, năm sau cao hơn năm trước. Năng suất lúa hằng năm đạt bình quân 12 tấn/ha/năm, nhiều hợp tác xã có năng suất đạt 15 đến 16 tấn/ha/năm. Giá trị sản xuất nông nghiệp toàn ngành không ngừng tăng lên, năm 2001 đạt 2.833,55 tỷ đồng đến năm 2005 đạt 3.127,75 tỷ đồng. Giá trị sản xuất trên 1 ha canh tác từng bước nâng cao, năm 2001 là 28 triệu đồng/ha, đến năm 2005 tăng lên 36 triệu đồng/ha. Toàn tỉnh đã có 9.000 ha cho thu nhập đạt trên 50 triệu đồng/ha/năm, trong đó có 1.000 ha đạt 70 đến 100 triệu đồng/ha/năm; có 64 trang trại trồng trọt với tổng số vốn đầu tư 9,2 tỷ đồng, bình quân mỗi trang trại có diện tích 3,14ha; giá trị sản lượng 53,1 triệu đồng/ha/năm. Tốc độ tăng trưởng bình quân toàn ngành đạt 3,28%/năm. Sản lượng lương thực toàn tỉnh bình quân hằng năm vẫn đạt gần 1 triệu tấn, đảm bảo tốt an ninh lương thực. Thực hiện chủ trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu mùa vụ nên các địa phương đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, giảm diện tích trồng lúa ở những chân ruộng có năng suất thấp chuyển sang trồng màu, cây công nghiệp, rau quả xuất khẩu và nuôi trồng thuỷ sản. Từ năm 2001 đến 2005, toàn tỉnh chuyển đổi trên 4.000 ha, các huyện có diện tích chuyển đổi nhanh là Hải Hậu, Ý Yên, Vụ Bản, Nam Trực, Giao Thủy, Nghĩa Hưng. Cơ cấu giống, cơ cấu mùa vụ tiếp tục đổi mới theo hướng tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả. Trong vụ xuân, tỷ lệ nhóm lúa xuân muộn có năng suất cao chiếm 98-99%. Trong vụ mùa, diện tích lúa đặc sản và các giống lúa chất lượng cao được mở rộng. Sản xuất vụ đông được các địa phương quan tâm, đặc biệt là cây vụ đông xuất khẩu. Riêng vụ đông năm 2003-2004, toàn tỉnh đạt xấp xỉ 20.000ha, tăng 18% so với năm 2001. Đặc biệt vụ đông, trên chân ruộng hai lúa tăng nhanh ở các huyện Ý Yên, Hải Hậu, Nghĩa Hưng. Nhiều giống lúa, màu có năng suất cao được đưa nhanh vào sản xuất như: tạp giao, bác ưu 903, D.ưu 527, hương thơm 1, Nam Định, khoai tây Đức, cà chua trang nông, bí xanh, rau, ngô ngọt, cây hoa các loại... Đến năm 2005, nhiều chương trình đã đạt và vượt kế hoạch như chương trình lúa hàng hoá chất lượng cao, chương trình phát triển cây lạc, chương trình phát triển chăn nuôi lợn có tỷ lệ nạc cao và lợn sữa...

 (còn nữa)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com