[links()]
Năm 2001, nhân loại bước vào thiên niên kỷ mới với xu thế hoà bình, hợp tác và phát triển, cũng là năm đất nước diễn ra nhiều sự kiện chính trị trọng đại. Toàn Đảng, toàn dân ta thực hiện Nghị quyết Đại hội VIII và đã đạt được những thành tựu quan trọng. Kinh tế tăng trưởng khá, văn hoá, xã hội có nhiều tiến bộ; đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện. Tình hình chính trị, xã hội cơ bản ổn định, quốc phòng, an ninh được tăng cường, công tác xây dựng, chỉnh đốn đảng được chú trọng; hệ thống chính trị được củng cố. Quan hệ đối ngoại, hội nhập kinh tế quốc tế được mở rộng. Những thành tựu đó đã tăng cường sức mạnh tổng hợp, làm thay đổi bộ mặt đất nước và cuộc sống của nhân dân, củng cố vững chắc độc lập dân tộc và chế độ xã hội chủ nghĩa, nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Đại hội đại biểu đảng bộ tỉnh Nam Định lần thứ XVI, tháng 2-2001. |
Sau 15 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII và 4 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, Đảng bộ và nhân dân Nam Định đã đạt nhiều thành tích mới trên các lĩnh vực. Kinh tế - xã hội ổn định và có bước phát triển, đặc biệt sản xuất nông nghiệp đạt đỉnh cao về năng suất, tổng sản lượng; quốc phòng, an ninh được giữ vững. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt.
Cùng với những thành tựu đạt được, Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh cũng còn không ít những khó khăn, thách thức. Xuất phát điểm của kinh tế thấp, sản xuất nông nghiệp vẫn mang tính thuần nông, cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm. Ngành nghề dịch vụ ở nông thôn chưa phát triển, tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa cao. Lĩnh vực công nghiệp phát triển chưa vững chắc, ngành kinh tế mũi nhọn chưa được đầu tư thoả đáng. Tiềm năng kinh tế biển chưa được khai thác có hiệu quả. Nhiều vấn đề xã hội bức xúc đặt ra, nhất là tệ nạn ma tuý. Cuộc đấu tranh chống tiêu cực đạt hiệu quả thấp; trật tự an toàn xã hội, an ninh nông thôn còn diễn biến phức tạp.
Trong bối cảnh đó, Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo nhân dân Nam Định đoàn kết, phát huy những thành quả đạt được, tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức, với tinh thần cách mạng tiến công, từng bước tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị của tỉnh.
Thực hiện Chỉ thị số 54-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng, các cấp bộ đảng trong toàn tỉnh gồm 925 tổ chức cơ sở đảng, 10 đảng bộ huyện, thành phố và 6 đảng bộ trực thuộc đã tổ chức đại hội. Với ý thức trách nhiệm cao, với tinh thần thẳng thắn, tâm huyết, cán bộ, đảng viên và nhân dân đã đóng góp hàng vạn lượt ý kiến vào các dự thảo văn kiện của Trung ương và dự thảo văn kiện của Tỉnh ủy.
Sau khi hoàn thành đại hội cấp huyện và cơ sở, từ ngày 22 đến ngày 25-2-2001, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nam Định lần thứ XVI đã được tiến hành tại Nhà văn hóa Trung tâm 3-2, thành phố Nam Định. Tham dự Đại hội có 300 đại biểu chính thức, đồng chí Lê Xuân Tùng, ủy viên Bộ Chính trị đã về dự và chỉ đạo Đại hội. Với tinh thần đoàn kết, dân chủ, nghiêm túc, thống nhất cao, Đại hội đã nghiên cứu, thảo luận, đóng góp ý kiến vào dự thảo Báo cáo Chính trị, Báo cáo dự thảo Điều lệ Đảng (sửa đổi) của Ban Chấp hành Trung ương (khoá VIII) trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX; Báo cáo kiểm điểm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV (nhiệm kỳ 1997-2000) và phương hướng phát triển đến năm 2010, nhiệm vụ, mục tiêu chủ yếu trong 5 năm 2001-2005.
Đại hội khẳng định những thành tích mà tỉnh đã đạt được, đồng thời cũng thẳng thắn chỉ ra những khuyết điểm, yếu kém, nhất là trên lĩnh vực kinh tế - xã hội trong quá trình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV. Với tinh thần tiếp tục thực hiện công cuộc đổi mới sâu rộng và toàn diện, phát huy sức mạnh tổng hợp của Đảng bộ, quân và dân trong tỉnh, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, Đại hội đề ra các nhiệm vụ, mục tiêu chủ yếu từ năm 2001 đến 2005 như sau:
Tốc độ tăng trưởng kinh tế GDP bình quân hằng năm từ 7 đến 7,5%, GDP bình quân đầu người đến năm 2005 đạt 4.900.000 đồng đến 5.000.000 đồng/người/năm; giá trị sản xuất nông nghiệp tăng bình quân 3,5%/năm; giá trị thu được trên 1 ha đất canh tác đạt 33-34 triệu đồng/năm; tỷ lệ trồng trọt chiếm 76%, chăn nuôi, dịch vụ chiếm 24% trong cơ cấu ngành nông nghiệp; tổng sản lượng lương thực đạt trên 1 triệu tấn/năm; lương thực bình quân đầu người đạt trên 500kg/người/năm; giá trị sản xuất ngành thuỷ sản tăng bình quân hằng năm 16%; phấn đấu đưa sản lượng thuỷ sản nuôi trồng, đánh bắt lên 52.000 tấn đến 57.000 tấn/năm; trong đó, nuôi tôm chiếm 30% tổng sản lượng. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân hằng năm từ 12% đến 13%. Giá trị các ngành dịch vụ tăng bình quân hằng năm từ 7% đến 8%. Phấn đấu đến năm 2005, tỷ trọng các ngành trong cơ cấu kinh tế nông, lâm, diêm, ngư nghiệp chiếm 35,5%; công nghiệp, xây dựng chiếm 24,5%; các ngành dịch vụ chiếm 40%.
Phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hoá, xã hội; tiếp tục cải thiện đời sống nhân dân. Đến năm 2005, giảm tỷ lệ tăng dân số tự nhiên xuống còn 0,9%; giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng xuống dưới 25%, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 15% (theo tiêu chí mới); đưa tỷ lệ lao động được đào tạo lên 30% đến 33%.
Thực hiện tốt nhiệm vụ củng cố quốc phòng, an ninh để phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Tăng cường toàn diện công tác xây dựng đảng, chính quyền và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân để đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới. Mỗi năm kết nạp 2.000-2.500 đảng viên mới.
Để thực hiện có kết quả các nhiệm vụ, mục tiêu trên, Đại hội nhấn mạnh phải tiếp tục đổi mới công tác xây dựng đảng, trước hết là từ tổ chức cơ sở đảng, nâng cao năng lực trí tuệ và năng lực thực tiễn của đội ngũ cán bộ, đảng viên; đồng thời phát huy dân chủ, làm tốt công tác vận động quần chúng để động viên các tầng lớp nhân dân hăng hái tham gia các phong trào cách mạng ở địa phương.
Đại hội bầu 46 đồng chí vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XVI và bầu Đoàn đại biểu gồm 20 đồng chí đi dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng. Đồng chí Trần Văn Tuấn được Bộ Chính trị chỉ định tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XVII. Ngày 25-2-2001, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XVI họp phiên đầu tiên bầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy gồm 13 đồng chí. Đồng chí Trần Văn Tuấn - ủy viên Trung ương Đảng được bầu là Bí thư Tỉnh ủy; đồng chí Đặng Phúc Tựu được bầu là Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; đồng chí Trần Trung Am được bầu làm Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh.
Ngày 19-4-2001, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng được tổ chức tại Hà Nội. Đây là Đại hội của “trí tuệ, dân chủ, đoàn kết, đổi mới”, thể hiện ý chí và niềm hy vọng lớn lao của dân tộc ta trong thời điểm trọng đại bước vào thế kỷ mới và thiên niên kỷ mới. Đại hội xác định mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2001-2010) là: Đưa đất nước ra khỏi tình trạng kém phát triển, nâng cao rõ rệt đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, tạo nền tảng đến năm 2020, nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại... Phấn đấu đến năm 2010, tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng ít nhất gấp đôi so với năm 2000, chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động, giảm tỷ lệ lao động nông nghiệp xuống còn khoảng 50%.
Thành công của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX và Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI là những tiền đề và động lực quan trọng để Nam Định vững bước trên con đường phát triển, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
(còn nữa)