Hơn 20 năm (1954-1975), trong bối cảnh vừa sản xuất và chiến đấu, xây dựng CNXH ở miền Bắc, vừa tập trung sức người sức của chi viện cho chiến trường miền Nam, nhân dân và ngành Giáo dục tỉnh ta đã đồng thời thực hiện tốt nuôi dạy các đợt học sinh miền Nam được Đảng, Nhà nước đưa ra miền Bắc để đào tạo, rèn luyện.
Học sinh miền Nam tập kết
Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ về Đông Dương, Vĩ tuyến 17 - sông Bến Hải là giới tuyến tạm thời phân chia 2 miền Nam - Bắc. Nhằm bảo toàn lực lượng, chuẩn bị cho sự nghiệp đấu tranh thống nhất nước nhà, Đảng và Chính phủ đã đưa hàng chục vạn cán bộ, bộ đội và đồng bào là cơ sở kháng chiến cũ ở miền Nam ra tập kết miền Bắc. Từ cuối năm 1954 đến đầu năm 1956, tỉnh Nam Định đón 3.511 cán bộ, bộ đội và đồng bào miền Nam (chủ yếu thuộc Liên Khu V) ra tập kết; trong đó có 1 tiểu đoàn bộ đội Thừa Thiên Huế đi xây dựng Nông trường Rạng Đông, 1.271 người là đảng viên, 263 người là thương binh. Đặc biệt trong đợt tập kết này có hơn 400 thanh, thiếu niên từ 6 đến 17 tuổi và 17 cháu nhỏ từ 2-5 tuổi (đi cùng mẹ hoặc bố)... Trong 2 năm đầu (1955-1956), gần 200 thanh, thiếu nhi được tỉnh đón về Hành Thiện, huyện Xuân Trường (lúc này tỉnh Nam Định chỉ bao gồm các huyện phía nam, còn Thành phố Nam Định là đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương). Sau đó Ty Giáo dục tỉnh chuyển các em về ở nhờ nhà dân các xã Hải Long, Hải Anh (Hải Hậu). Những em nhỏ thì học cấp I, các em lớn học cấp II Hải Hậu B; gần 100 em khác chuyển lên nuôi dạy tại huyện Nam Trực.
Ở vào thời điểm Nam Định mới được giải phóng, công cuộc khôi phục kinh tế, tổ chức đời sống mới đang bộn bề khó khăn… đã tác động không nhỏ đến việc chăm lo đời sống của đồng bào và học sinh miền Nam tập kết tại địa phương. Điều kiện, phương tiện sinh hoạt, lương thực thực phẩm thiếu thốn, chưa quen với môi trường, khí hậu khắc nghiệt miền Bắc, không ít người bị đau ốm, bệnh tật. Cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân địa phương tận tình chăm sóc, giúp đỡ sẻ chia những khó khăn vất vả cùng đồng bào, kết hợp đề nghị Ban Thống nhất Trung ương cấp phát cứu trợ nhưng cũng chỉ ở chừng mực. Theo chỉ đạo của Ban quan hệ Nam - Bắc Trung ương, của Khu giáo dục học sinh miền Nam (Bộ Giáo dục), cuối tháng 12-1956, số học sinh miền Nam gồm 53 em học ở Nam Trực được chuyển về Thành phố Nam Định ở tại ký túc xá Vạn Bảo và học ở Trường Lê Chân (nay là Tiểu học Trần Quốc Toản). Những năm sau đó, nhiều học sinh miền Nam học ngoại trú ở các huyện Hải Hậu, Xuân Trường cũng lần lượt chuyển về Thành phố Nam Định hoặc chuyển đi học các trường học sinh miền Nam tập trung ở các tỉnh, thành phố: Hà Nam, Hải Phòng, Hà Nội, Lạng Sơn... Đến đầu những năm 1960, phần lớn học sinh miền Nam ra tập kết tại Nam Định đợt đầu đều đã trưởng thành, được đi học đại học hoặc sĩ quan lực lượng vũ trang trở về Nam chiến đấu. Nhiều cán bộ, bộ đội miền Nam tập kết tham gia công tác, trở thành cán bộ khoa học kỹ thuật hoặc lãnh đạo chủ chốt các nhà máy, xí nghiệp, cơ quan trong và ngoài tỉnh.
Hình ảnh học sinh miền Bắc đội mũ rơm đi học vốn rất quen thuộc trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Trong ảnh: Cảnh thầy giáo đang dạy các học trò đan mũ rơm. Ảnh: Internet |
Học sinh K8 - Vĩnh Linh
Năm 1965, đế quốc Mỹ ồ ạt đưa quân viễn chinh vào chiến trường miền Nam Việt Nam thực hiện chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, đồng thời dùng hải quân và không quân đánh phá miền Bắc (gọi tắt là chiến tranh phá hoại) hòng ngăn chặn sự chi viện từ hậu phương lớn miền Bắc cho tiền tuyến miền Nam. Cường độ và quy mô đánh phá của đế quốc Mỹ ngày càng ác liệt; trọng điểm từ Vĩ tuyến 20 trở vào; trong đó đặc khu Vĩnh Linh (ở phía bắc sông Bến Hải thuộc tỉnh Quảng Trị - được gọi là “K8”) và tỉnh Quảng Bình - “K9” được coi “yết hầu” cửa ngõ của Đường Trường Sơn từ Bắc vào Nam luôn bị pháo hạm, máy bay giặc Mỹ đánh phá dồn dập, dữ dội. Để đảm bảo an toàn cho nhân dân vùng chiến tuyến ác liệt, Đảng và Chính phủ đã quyết định tạm thời sơ tán, phân tán một bộ phận nhân dân (chủ yếu là người già yếu) ra vùng Hà Tĩnh, Nghệ An (“K10”) và toàn bộ thanh, thiếu nhi (từ 6 đến 15 tuổi) từ Vĩnh Linh (gọi chung là học sinh K8) ra các tỉnh Ninh Bình, Thái Bình, Nam Định, Hòa Bình để các em có điều kiện tiếp tục học tập.
Theo Quyết định của Trung ương, từ ngày 30-6-1967 đến hết tháng 10-1967, tỉnh Nam Hà được giao nhiệm vụ đón nhận 6.684 em học sinh (3.321 nam, 3.363 nữ) và 185 giáo viên quê các xã: Vĩnh Giang, Vĩnh Quang, Vĩnh Thanh, Vĩnh Tân, Vĩnh Nam, Vĩnh Sơn, Vĩnh Thủy... về địa phương tổ chức chăm sóc, nuôi dạy. Với truyền thống đạo lý “thương người như thể thương thân” và ý thức về nghĩa vụ của hậu phương đối với tiền tuyến, nhân dân 4 huyện là Lý Nhân, Thanh Liêm (nay thuộc tỉnh Hà Nam), Ý Yên, Vụ Bản đã đón nhận số học sinh K8 với tình cảm chân tình, thân thiết và đưa các em về ở trong 36 xã là những nơi tình hình chính trị tốt, địa bàn tương đối an toàn. Trong đó ở huyện Ý Yên 2.125 em (997 nam và 1.148 nữ) thuộc các xã: Yên Tân, Yên Chính, Yên Lợi, Yên Thành, Yên Ninh, Yên Nghĩa, Yên Cường...; ở huyện Vụ Bản 902 em (450 nam, 452 nữ) thuộc các xã Hiển Khánh, Tân Khánh, Minh Tân... Từ chủ trương nuôi dạy các em ăn ở tập trung, học nội trú, các ngành chức năng, các địa phương trong tỉnh đã huy động hàng trăm người cùng vật tư, phương tiện xây dựng các khu nhà ở, 22 bếp ăn, 64 phòng học. Nhưng do việc quản lý và tổ chức đời sống của các trường học sinh K8 có nhiều khó khăn phức tạp, đến đầu năm 1968, tất cả các em lại được phân tán về ở trong các nhà dân và học cùng với học sinh địa phương. Các gia đình đón học sinh K8 về nuôi cũng được chọn lựa là những gia đình cán bộ, xã viên tốt ở địa phương có điều kiện, lại được chính quyền xã, HTX quan tâm chia thêm đất trồng rau, chia thêm rơm rạ làm chất đốt để chăm sóc các em tốt hơn. Hầu hết các gia đình đều nhận nuôi một em, riêng huyện Vụ Bản có quá nửa số gia đình nuôi 2 hoặc 3 em học sinh K8. Các huyện, các xã này đều thành lập Ban Bảo dưỡng; một số xã ở Ý Yên còn lập tổ bảo mẫu đến tận đội sản xuất để chăm lo việc nuôi dạy học sinh K8.
Thời gian đầu mới từ Vĩnh Linh ra, việc đảm bảo lương thực thực phẩm, cấp phát tư trang và các định mức sinh hoạt của học sinh K8 theo chế độ tiêu chuẩn Nhà nước quy định chưa kịp thời và còn thiếu thốn nhiều thứ. Hầu hết các em thiếu quần áo và chăn ấm mùa đông, được các gia đình mua sắm hoặc nhường nhịn đồ dùng của con em mình. Gặp thời tiết khắc nghiệt, các em bị sốt rét, ho gà, ốm đau, thấp khớp, có em phải đi bệnh viện cả tháng... nhưng đều được các gia đình chăm sóc ân cần như đối với con em của mình. Đã có nhiều tấm gương cảm động về chăm nuôi học sinh K8 ở các xã Yên Thành, Yên Nghĩa (Ý Yên), Hiển Khánh (Vụ Bản); có gia đình phải cử người cõng học sinh K8 đi bệnh viện hoặc cõng đến lớp học hơn 2 năm do bị bại liệt... Trong hoàn cảnh đời sống vật chất có nhiều khó khăn, môi trường học có nhiều thay đổi, nhưng học sinh K8 luôn được nhân dân địa phương thương yêu, giúp đỡ, được các thầy, cô giáo tận tình giảng dạy, bạn bè cùng lớp, cùng trường dìu dắt chia sẻ, động viên. Do đó hầu hết các em đều chăm ngoan học khá, sống hòa nhập với địa phương.
Trong năm học 1970-1972, 68% các em học sinh K8 đạt học sinh tiên tiến, thi lên lớp cấp I đạt 85%, thi lên lớp cấp II đạt 62%, một số em đạt học sinh giỏi của huyện, của tỉnh và học sinh giỏi miền Bắc. Có 1.315 em học hết cấp II trở về Vĩnh Linh sản xuất và phục vụ chiến đấu bảo vệ quê hương, 913 em chuyển đi học cấp III Vĩnh Linh tại Tân Kỳ (Nghệ An), 275 em đi học đại học, trung học chuyên nghiệp và 82 em nhập ngũ quân đội... Sau khi Hiệp định Pa-ri về chấm dứt chiến tranh tại Việt Nam được ký kết (tháng 1-1973), thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Nội vụ (tại Văn bản số 1058 ngày 12-5-1973), số học sinh K8 gồm 3.473 em (có 1.779 nữ) còn lại (451 em học cấp I, 2.257 em học cấp II, 771 em học cấp III) đã được bàn giao cho lãnh đạo địa phương tại ga Hồ Xá (Vĩnh Linh), đảm bảo an toàn, nghĩa tình trọn vẹn. Các cuộc đưa tiễn và bàn giao học sinh K8 được tổ chức chu đáo, chặt chẽ, tiến hành theo 6 đợt, từ ngày 25-7-1973 đến ngày 18-8-1973.
Trường miền Nam số 7
Sau cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa xuân 1968, để chuẩn bị lực lượng cho mục tiêu chiến lược của cách mạng giải phóng miền Nam những năm tiếp theo, nhiều cán bộ, bộ đội và thanh, thiếu nhi thuộc Mặt trận Giải phóng Miền Nam từ các chiến trường được tập trung về các căn cứ, vùng giải phóng và lần lượt được đưa ra miền Bắc để học tập, đào tạo nguồn cán bộ kế cận cho cách mạng miền Nam. Thực hiện sự điều phối của Bộ Giáo dục, từ tháng 11-1971, tỉnh Nam Hà được giao nhiệm vụ nuôi dạy 469 học sinh (quê gốc Liên khu V, từ tỉnh Khánh Hòa trở ra đến Quảng Trị) tuổi đời từ 11 đến 20, theo hệ Bổ túc văn hóa (1 năm 2 lớp ở cấp I và 2 năm 3 lớp ở cấp II) và thành lập Trường học sinh miền Nam, đặt tại xã Liên Minh (Vụ Bản), được Bộ Giáo dục quyết định đặt tên là “Trường học sinh miền Nam số 7”.
Đề phòng chiến tranh phá hoại sẽ tiếp tục diễn ra, Trường học sinh miền Nam số 7 được tổ chức phân tán ở 3 khu: Khu A ở làng Đại (HTX Đại Lai) có 5 lớp, 165 học sinh, khu B ở làng Cựu (HTX Cựu Hào) có 6 lớp, 196 học sinh, khu C ở làng Xi (HTX Vĩnh Tiến thuộc xã Vĩnh Hào) có 3 lớp, 108 học sinh. Sắp xếp theo khối lớp và cấp học đến năm học 1973-1974 thì lớp 7 có 23 học sinh (18 nam, 5 nữ), khối lớp 6 có 67 học sinh (54 nam, 13 nữ), khối lớp 5 có 123 học sinh (108 nam, 15 nữ), lớp 4 có 156 học sinh (103 nam, 53 nữ), khối lớp 3 có 100 học sinh (69 nam, 31 nữ). Về độ tuổi học sinh từ 14-16 tuổi chiếm tới 264 em, 19 tuổi có 23 em, 20 tuổi có 4 em. Về quê gốc đông nhất là tỉnh Quảng Ngãi 189 em, Bình Định 95 em, Quảng Nam 74 em, Khánh Hòa 4 em, Quảng Trị 3 em. Về nơi ở trước khi ra Bắc thì: 342 em ở vùng giải phóng, 125 em ở vùng tạm chiếm và vùng ven, trong đó có 6 em đã công tác ở tỉnh, 24 em ở huyện, 84 em công tác ở xã và 196 em đã từng bị tra tấn, khủng bố, 76 em sống lang thang làm thuê, làm mướn... Do vậy, khi tập trung về Trường học sinh miền Nam số 7, việc quản lý giáo dục các em gặp không ít khó khăn, phức tạp vì thói quen, tập quán lối sống của từng em, phải có thời gian dài mới hòa nhập được.
Đội ngũ giáo viên nhà trường có 32 người (12 giáo viên cấp I, 16 giáo viên cấp II và giáo viên các bộ môn: Nhạc, họa, thể dục, nữ công...) cùng với 56 cán bộ hành chính, cấp dưỡng, y tế... do thầy giáo Thái Định Kỳ làm hiệu trưởng. Hầu hết cán bộ, giáo viên nhà trường đều có kinh nghiệm thực tế công tác và được lựa chọn nên rất nhiệt tình, trách nhiệm trong việc nuôi dạy, quản lý giáo dục các em. Nhiều giáo viên không ngại khó khăn vất vả, thường xuyên gắn bó với lớp, với trường, động viên dìu dắt các em vươn lên học tập tiến bộ. Sau ngày 30-4-1975, miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, thực hiện Quyết định số 260-TTg (ngày 28-7-1975) của Thủ tướng Chính phủ (từ ngày 15-8 đến 19-8-1975), các em học sinh Trường miền Nam số 7 Nam Hà đã được đưa về các tỉnh miền Nam tiếp tục học tập.
Quá trình thực hiện nhiệm vụ theo quyết định của Chính phủ và Bộ Giáo dục trực tiếp hướng dẫn, chỉ đạo, các cấp chính quyền và nhân dân địa phương luôn đảm bảo mối quan hệ phối hợp chặt chẽ giữa các ngành: Giáo dục - Tài chính - Thương binh và xã hội, Thương nghiệp, Công an, Y tế... với các đoàn thể, các tổ chức xã hội trong việc thực hiện các chế độ tiêu chuẩn cấp phát định mức (lương, phụ cấp, học phẩm, tư trang, lương thực, thực phẩm...) theo quy định của Trung ương đối với giáo viên, học sinh cả trường nội trú và ngoại trú trong việc dạy dỗ, động viên các em học tập, rèn luyện tu dưỡng đạo đức tác phong, nâng cao trình độ văn hóa, khoa học kỹ thuật và bảo vệ, rèn luyện sức khỏe... Với nhiều biện pháp đồng bộ, kết hợp giữa nhà trường với địa phương, gia đình nuôi dạy các em, giữa quản lý với động viên tình cảm, giữa hướng dẫn dìu dắt của giáo viên với sự kèm cặp giúp đỡ của bạn, của tổ học tập..., hầu hết các em học sinh miền Nam được học trên địa bàn tỉnh đều tiến bộ, trưởng thành về nhiều mặt. Khi trở về quê hương, nhiều em tiếp tục học hành thành đạt; một số em là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, một số em là cán bộ khoa học kỹ thuật hoặc doanh nhân giỏi. Thời gian vài chục năm gần đây khá đông trong số học sinh năm ấy đã trở về Nam Định thăm lại thầy cũ, trường xưa, thăm lại những mái ấm gia đình, những người đã đùm bọc cưu mang, nuôi dạy các em một thời./.
Ngô Tiến Vạnh
(Hội Khoa học Lịch sử tỉnh)