Thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá (1997-2000) - Kỳ 9

04:04, 06/04/2017

[links()]

(Tiếp theo)

    Với trung tâm kinh tế công nghiệp - dịch vụ tại thành phố, hướng của tỉnh là đầu tư khai thác những năng lực sẵn có, đầu tư đổi mới công nghiệp, thiết bị, những doanh nghiệp công nghiệp và dịch vụ trọng điểm, mở rộng và nâng cấp các kết cấu hạ tầng thiết yếu của đô thị, xây dựng đề án và tích cực chuẩn bị các điều kiện để đề nghị Chính phủ công nhận thành phố Nam Định là đô thị loại II.

    Phát huy những kết quả đạt được từ các năm trước và thực hiện Nghị quyết kỳ họp lần thứ 10 Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XIV (tháng 8-1998), phong trào làm đường giao thông nông thôn tiếp tục mở rộng tới các địa phương, cơ sở. Từ đầu năm 1998 đến cuối năm 2000, toàn tỉnh nâng cấp cải tạo được 1.841 km đường các loại, tương đương 3.424.156 m2; làm mới, nâng cấp 156 cầu, 349 cống, với tổng giá trị đầu tư là 196 tỷ 118 triệu đồng. Một số tuyến đường tỉnh như đường 12, 55, 56, 57... và các khu đường huyện cũng được nâng cấp. Phà Sa Cao - Thái Hạc được hoàn thành đưa vào sử dụng, góp phần quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của địa phương. Năm 1996, huyện Xuân Thuỷ là đơn vị dẫn đầu cả nước về giao thông nông thôn. Từ năm 1998, huyện Giao Thủy, Nghĩa Hưng, Hải Hậu, Vụ Bản là những đơn vị đạt thành tích xuất sắc trong phong trào làm đường giao thông nông thôn của cả nước, được Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải tặng bằng khen. Tỉnh Nam Định được Chính phủ tặng cờ luân lưu về thành tích trong giao thông nông thôn.

    Quán triệt và thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 (khóa VIII) về phát triển giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 05-CT/TU về việc tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo đến năm 2000, ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện toàn diện các nhiệm vụ về văn hóa - xã hội.

    Thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, phát huy truyền thống dạy tốt, học tốt và kết quả đã giành được từ các năm học trước đồng thời bằng các giải pháp tích cực, cụ thể của các cấp, các ngành và sự tham gia hăng hái, nhiệt tình của toàn dân, sự nghiệp giáo dục - đào tạo của tỉnh luôn giữ vững danh hiệu lá cờ đầu về giáo dục, đào tạo toàn quốc. Chất lượng giáo dục toàn diện được chú trọng giữa các ngành học, cấp học. Các loại hình trường, lớp bán công, dân lập được mở rộng. Các trường chuyên được chuyển đổi thành các trường trung tâm chất lượng cao ở nhiều huyện và thành phố, các trường phổ thông đảm bảo dạy đủ các môn học, đúng với chương trình của Bộ Giáo dục - Đào tạo quy định. Toàn ngành đã triển khai đề án quy hoạch, sắp xếp mạng lưới đào tạo bán công, dân lập, tư thục, các trường cao đẳng, trung học, trung tâm dạy nghề. Tỉnh xác định mục tiêu đến sau năm 2000 thành lập 1 trường đại học dân lập và tạo điều kiện để có 1 đến 2 trường cao đẳng được nâng lên đại học. Các năm 1998-2000, tỉ lệ thi đỗ tốt nghiệp các bậc học đều đạt cao, từ 98% đến 99,86%. Đội tuyển học sinh giỏi của tỉnh dự thi quốc gia đoạt giải với tỷ lệ cao. Năm học 1998-1999 có 388 học sinh lớp 12 có đủ tiêu chuẩn được tuyển thẳng vào các trường đại học, 2 học sinh đoạt giải toán khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

    Cuộc vận động “xã hội hóa giáo dục” theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” được nhân dân hưởng ứng tích cực. Phong trào xây dựng cơ sở vật chất và tăng cường thiết bị trường học theo hướng hiện đại hóa thu được kết quả khá. Công tác quản lý giáo dục các cấp được đổi mới, đội ngũ giáo viên được bồi dưỡng để đáp ứng chất lượng “chuẩn hóa”. Với những đóng góp to lớn của đội ngũ giáo viên toàn tỉnh, năm 1998, 14 thầy giáo vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú, nâng tổng số các thầy, cô giáo được phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú, Nhà giáo nhân dân lên 67 thầy, cô. Tháng 6-2000, tỉnh hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Năm học 1999-2000, số học sinh lớp 9 được vào lớp 10 ở các loại hình trường, lớp đạt trên 60%; toàn tỉnh có 556 trường học cao tầng và mái bằng; có 104 trường tiểu học được công nhận “Trường đạt chuẩn quốc gia”. Năm 2000, Trường phổ thông trung học chuyên Lê Hồng Phong được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Ngành giáo dục - đào tạo của tỉnh (năm thứ 4 liên tục) là một trong 4 đơn vị được tặng cờ thi đua “Đơn vị dẫn đầu” toàn quốc.

    Xác định khoa học - công nghệ là động lực phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh đã chỉ đạo thực hiện mục tiêu chung là áp dụng kịp thời các thành tựu khoa học - công nghệ tiên tiến để đẩy nhanh quá trình đổi mới trong các ngành sản xuất và dịch vụ chủ yếu, góp phần tích cực trong tiến trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế; đồng thời cung cấp luận cứ khoa học cho quá trình ra các quyết định, từ định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến những vấn đề cụ thể như: lập quy hoạch, kế hoạch, dự án đầu tư, cơ chế thực hiện ở tất cả các cấp, các ngành. Từ thực tế tình hình, nhiệm vụ của địa phương, tỉnh chú trọng quy hoạch, xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học - công nghệ để từng bước đáp ứng yêu cầu và sử dụng hợp lý tiềm lực khoa học - công nghệ. Với các giải pháp tích cực nói trên, sở Khoa học - công nghệ triển khai nhiều đề tài ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao, đặc biệt là các giống lúa lai, góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế nông nghiệp của tỉnh phát triển. Công tác quản lý, hướng dẫn, bảo vệ môi trường sinh thái cũng có những tiến bộ. Tỉnh đã chỉ đạo xây dựng đề án đánh giá thực trạng môi trường ở địa phương để xúc tiến thực hiện chương trình nước sạch cho nhân dân. Tuy nhiên, việc phát triển thị trường khoa học - công nghệ còn yếu, việc tổ chức lại lực lượng khoa học - công nghệ của tỉnh và củng cố các cơ quan quản lý khoa học - công nghệ còn nhiều hạn chế.

(Còn nữa)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com