Thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá (1997-2000) - Kỳ 8

03:04, 04/04/2017

[links()]

(Tiếp theo)

    Căn cứ Nghị định số 44/1998-CP của Chính phủ và Chỉ thị số 20/1998/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh sắp xếp và đổi mới doanh nghiệp nhà nước, Tỉnh ủy chỉ đạo đổi mới doanh nghiệp nhà nước nằm trong tổng thể tiến trình đổi mới quản lý kinh tế, được gắn liền với đổi mới toàn diện hệ thống cơ chế quản lý vĩ mô và hệ thống quản lý của Nhà nước. Thực hiện đổi mới cơ cấu các thành phần kinh tế, tăng cường sức mạnh của kinh tế nhà nước, đầu tư của nước ngoài. Đổi mới tổ chức quản lý và cơ chế quản lý doanh nghiệp nhà nước, tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh có hiệu quả, phù hợp với phương hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; tập trung vào thực hiện các vấn đề lớn sau:

    Sắp xếp doanh nghiệp nhà nước giảm số lượng, tăng quy mô, nâng cao hiệu quả; giải thể, phá sản những doanh nghiệp nhà nước bị thua lỗ kéo dài và nghiêm trọng.

    Đổi mới cơ chế quản lý doanh nghiệp nhà nước theo hướng giao quyền tự chủ kinh doanh cho doanh nghiệp, xóa bỏ dần chế độ bao cấp, hành chính, chủ quan và sự cách biệt giữa xí nghiệp Trung ương và xí nghiệp địa phương; đồng thời tăng cường vai trò kiểm tra, kiểm soát của Nhà nước.

    Chuyển doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần (gọi tắt là cổ phần hóa).

    Qua thực tế tiến hành sắp xếp, tổ chức lại doanh nghiệp nhà nước, đến giữa năm 1998, ở tỉnh Nam Định còn 125 doanh nghiệp (trong đó có 6 doanh nghiệp thuộc Ban Tài chính quản trị Tỉnh ủy) đã đăng ký kinh doanh. Quán triệt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa VIII), thực hiện Chỉ thị số 20/TTg của Thủ tướng Chính phủ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra Chỉ thị số 06-CT/TU về đẩy mạnh sắp xếp đổi mới doanh nghiệp nhà nước chỉ đạo các cấp, các ngành chức năng bám sát kế hoạch, mục tiêu của tỉnh đề ra để phân loại, sắp xếp, tổ chức lại doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn theo lộ trình cụ thể. Theo đó, 125 doanh nghiệp thuộc tỉnh được phân loại theo 3 nhóm, gồm: 14 doanh nghiệp công ích cần được sắp xếp lại theo các hình thức; 70 doanh nghiệp không cần duy trì 100% vốn nhà nước, phải cổ phần hóa. Số doanh nghiệp nhỏ (vốn dưới 1 tỷ đồng - theo giá cố định năm 1994) áp dụng cơ chế bán, khoán, cho thuê. 41 doanh nghiệp đã thua lỗ 2-3 năm liền, không trả được nợ đến hạn, không nộp đủ thuế, không trích đủ bảo hiểm xã hội thì sắp xếp lại theo các hình thức: cổ phần hóa, bán, khoán, cho thuê, hợp nhất - sáp nhập, nhập vào tổng công ty, chuyển thành hợp tác xã, thành đơn vị sự nghiệp có thu, giải thể, hoặc phá sản.

    Đến tháng 11-2000, có 29 doanh nghiệp được quyết định chuyển thành công ty cổ phần, 14 doanh nghiệp giải thể, giao và bán 9 doanh nghiệp, khoán 3 doanh nghiệp, sáp nhập 2 doanh nghiệp (thuộc ngành dược huyện); 2 doanh nghiệp tham gia tổng công ty thuộc Bộ Nông nghiệp.

    Các doanh nghiệp cổ phần hóa đều thực hiện đúng các quy đinh về nội dung: tổ chức vốn điều lệ, bán cổ phần ưu đãi cho người lao động trong doanh nghiệp... Sau khi được sắp xếp lại, hầu hết các doanh nghiệp đều hoạt động có hiệu quả hơn. Vốn đầu tư phát triển sản xuất, thu nhập của người lao động tăng lên hằng năm và doanh thu tăng từ 7-10%.

    Đứng trước những khó khăn, thách thức và nhu cầu phát triển, hội nhập kinh tế, tỉnh đã chỉ đạo nghiên cứu, lập các dự án có tính khả thi cao, thu hút vốn đầu tư nước ngoài và huy động tối đa các nguồn vốn để hoàn thành kế hoạch đầu tư phát triển đến năm 2000, tạo điều kiện thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội. Tỉnh đã tiến hành rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển và kế hoạch đầu tư ở tất cả các ngành, các huyện, thành phố theo hướng hiệu quả, phát triển nhanh và tăng khả năng cạnh tranh của nền kinh tế. Hướng đầu tư cụ thể là: Ưu tiên đầu tư cho phát triển công nghiệp chế biến nông - thủy sản gắn với vùng nguyên liệu, sản xuất hàng xuất khẩu và các mặt hàng tiêu dùng; đầu tư mới trang thiết bị, công nghệ để tiếp tục củng cố, phát triển ngành dệt may; tạo điều kiện phát triển một số mặt hàng cơ khí, vật liệu xây dựng theo hướng đầu tư chiều sâu; hướng vào tập trung đầu tư phát triển những ngành công nghiệp tốn ít vốn, sử dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ, thu hút nhiều lao động và có hiệu quả cao; đồng thời khuyến khích việc huy động các nguồn vốn cho đầu tư sản xuất hàng xuất khẩu và hình thành các vùng nguyên liệu cho xuất khẩu.

    Riêng Công ty dệt Nam Định, khi bước vào thực hiện cơ chế mới, sắp xếp lại doanh nghiệp, do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chính là sự yếu kém trong công tác quản lý và sai phạm của một số cán bộ lãnh đạo Công ty nên từ năm 1992 đến 1995, tình hình sản xuất, kinh doanh của Công ty sa sút, nợ không có khả năng thanh toán. Qua kiểm tra, thanh tra của các cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều sai phạm nghiêm trọng của một số cán bộ, nhân viên công ty. Ngày 28-8-1996, cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Nội vụ đã ra Quyết định số 10/P3/C16 khởi tố vụ án ở Công ty dệt và ngày 23-3-1998, vụ án được đưa ra xét xử. Xác định Công ty dệt là một công ty lớn trong ngành dệt may của cả nước, có ảnh hưởng không nhỏ tới kinh tế - xã hội của địa phương, nên khi vụ án xảy ra, Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp xác minh làm rõ nguyên nhân, xử lý đúng người, đúng tội. Đồng thời tỉnh chỉ đạo tiến hành nhiều biện pháp hỗ trợ, giúp cho công ty giải quyết khó khăn, ổn định đời sống người lao động. Với quan điểm bằng mọi cách cứu ngành dệt truyền thống, Trung ương và tỉnh tạo mọi điều kiện cho Công ty được khoanh nợ, giãn nợ và được vay vốn, đầu tư thêm máy móc, đồng thời chỉ đạo tiến hành tổ chức lại sản xuất, kiện toàn lại bộ máy cán bộ, khai thác các tiềm năng, thế mạnh để phát triển sản xuất. Các biện pháp tích cực đó đã từng bước đưa công ty vượt qua khủng hoảng, giảm dần thua lỗ, từng bước thích ứng và phát triển trong cơ chế thị trường.

(Còn nữa)

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com