Phố Xuân Hồng dài 65m, rộng 9m, có địa giới từ phố Ngô Gia Khảm đến phố Lê Văn Phúc, thuộc khu tái định cư Phạm Ngũ Lão (TP Nam Định).
Nhạc sĩ Xuân Hồng (1928-1996) tên thật là Nguyễn Hồng Xuân, sinh tại Châu Thành (Tây Ninh). Sinh ra trong một gia đình nông dân yêu thích nhạc tài tử nên Xuân Hồng học nhạc từ rất sớm. Ông tham gia cách mạng từ những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp với nhiệm vụ giao liên và cũng tích cực hoạt động văn nghệ ở chiến trường, sáng tác những ca khúc đầu tiên vào năm 1949. Năm 1954, ông được phân công hoạt động bí mật ở miền Nam. Năm 1960, ông tham gia Quân giải phóng miền Nam Việt Nam và làm chính trị viên đơn vị C40. Thời điểm này ông sáng tác nhiều, trong đó có thể kể đến ca khúc “Bài ca may áo”. Năm 1963, ông được giao nhiệm vụ thành lập Đoàn Văn công của Quân giải phóng miền Nam Việt Nam. Từ đây, những nhạc phẩm nổi tiếng của ông ra đời như “Xuân chiến khu” (1963), “Chiếc khăn tay” (1964), “Hành quân đêm” (viết với Trí Thanh - 1965) và “Tiếng chày trên sóc Bom Bo” (1966). Năm 1967, ông làm Trưởng Đoàn Ca múa Quân giải phóng rồi sau đó được cử đi học sáng tác tại Trường Âm nhạc Việt Nam. Năm 1973, ông trở về chiến trường và giữ các chức vụ: Trưởng Đoàn Văn công, Trưởng Ban Văn nghệ Cục Chính trị Quân giải phóng. Năm 1975, đất nước thống nhất, ông giữ chức Trưởng Phòng Nghệ thuật sân khấu Sở Văn hoá, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh. Ông viết nhạc phẩm “Mùa xuân trên Thành phố Hồ Chí Minh” vào năm 1978. Sau đó ông đã trải qua nhiều chức vụ như Tổng Thư ký Hội Âm nhạc Thành phố Hồ Chí Minh, Uỷ viên thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam khoá III, Phó Tổng Thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam khoá IV. Những ca khúc tiếp theo của ông như “Mùa xuân bên cửa sổ”, “Cây đàn ghi ta của đại đội ba”, “Người mẹ Việt Nam”... được công chúng đón nhận và yêu thích. Ngày 30-4-2004, ông được Chủ tịch nước truy tặng Huân chương Độc lập./.
Hồng Minh