[links()]
HOÀNG TÙNG
Nguyên Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng
(Tiếp theo)
Phong cách, lối sống
Xuất thân từ một gia đình văn hóa, làng văn hóa có nền nếp, Trường Chinh là hiện thân của phong cách văn hóa đó.
Ông có phong thái, cốt cách thư sinh, nho nhã, lịch thiệp, thư thái như ta thường gặp ở người trí thức. Vì có phong thái, cốt cách ấy, trong những năm hoạt động bí mật ở các vùng nông thôn, ông phải đóng vai nhà giáo, chính ông cũng đã là một nhà giáo. Đóng vai nông dân thì lộ ngay vì nước da trắng trẻo, dáng người thanh tú. Vào thành phố, ông là người thành thị, về nông thôn, cởi áo, mặc quần nâu sồng cuốc đất làm vườn. Ông thâm nhập quần chúng rất dễ dàng, nói tiếng nói của họ, trao đổi với họ về cuộc sống của người lao động mà ông hiểu biết sâu sắc. Ông lẩn tránh bọn mật thám rất tài, vượt qua những cuộc vây bắt của địch rất giỏi. Lần họp ở Đình Bảng, người canh cửa báo hiệu, ông tránh sang phía sau nhà lẩn vào ruộng ngô, thay quần áo, tay nải đeo vai, lánh nhanh sang làng khác. Khi đang giảng cho một lớp học ở làng Hồng Vân, Hiệp Hòa, Bắc Giang, bọn mật thám được bọn chỉ điểm của chúng khai báo, tức tốc lao xe hơi lên sục vào làng. Được báo động, ông lao nhanh ra bờ sông, thì vừa gặp một con đò lướt tới. Ông vẫy, người chủ thuyền ghé vào bờ cho ông lên phía Phổ Yên. Khi rời thuyền, ông cảm ơn chủ thuyền. Người con gái hỏi cha: tại sao không lấy tiền. Người cha liếc mắt, nói: giúp người ta đi.
Lần họp ở chùa Đồng Kỵ, ông cũng luồn hàng rào, qua vườn mà trốn thoát.
Trên đường cùng Nguyễn Lương Bằng, Lê Đức Thọ, đóng vai lái buôn đi dự Hội nghị Tân Trào, nghỉ đêm tại làng Cổ Loa, bị phát hiện, lý trưởng dẫn tuần đinh đến bắt. Cũng như ở chùa Đồng Kỵ, cả ba người đều bình an tiếp tục cuộc hành trình.
Cũng nhờ có nhiều kinh nghiệm, khi quân Pháp nhảy dù xuống sát hầm trú ẩn, ông lập tức băng ngàn, lội suối đi nơi khác.
Năm 1944, ông táo bạo cùng Trần Quốc Hương đến một nhà ở cạnh Sở mật thám của địch ở Hà Nội gặp mấy người của phái Đờ Gôn do Lui Capu mà ông đã quen dẫn đầu. Giáp mặt ông, người Pháp ấy hỏi: Việt Minh cũng là cậu à?
Sau 5 năm sống gian khổ ở Nhà tù Hỏa Lò, Nhà tù Sơn La, Trường Chinh lao mình vào cuộc sống của người hoạt động cách mạng chuyên nghiệp, sống nhờ những nông dân nghèo khổ trong những túp lều tranh chật hẹp thường ở rìa làng. Ai cũng biết đời sống của nông dân nghèo khi ấy như thế nào, ít khi có cơm không độn ngô, khoai. Có miếng cá kho là đã sang lắm rồi. Có những ngày Tết, ông phải đắp chiếu nằm không.
Qua cuộc sống lâu dài như vậy, sau này, khi đã là người lãnh đạo Đảng, Nhà nước, ông vẫn giữ nếp sống thanh bạch, hưởng theo đúng những tiêu chuẩn được cung cấp như những người cùng cấp với ông. Gọi là phiếu A, song cũng chẳng hơn những người khác bao nhiêu.
Người ta ai cũng có phong cách riêng. Phong cách của Trường Chinh là kín đáo, nói năng cân nhắc, từ tốn, lắng nghe người khác rồi mới nói. Với Bác Hồ, bao giờ ông cũng nhường lời, khi có ý kiến khác, ông trình bày đầy đủ, một cách lễ phép.
Phương pháp tiếp cận chân lý mỗi người mỗi khác, song trong Ban lãnh đạo không bao giờ xảy ra những cuộc đấu khẩu. Mọi người biêt chờ đợi nhau. Điều gì chưa nhất trí, thì để tiếp tục suy nghĩ. Bác Hồ rất khéo cư xử. Khi thấy xuất hiện những ý kiến khác nhau, qua thảo luận không đi đến nhất trí, Người khuyên tạm dừng rồi tự mình gặp riêng từng người phân giải.
Sự khác nhau giữa một số đồng chí lãnh đạo về quan điểm, phần nhiều là những vấn đề lý luận chung của cách mạng. Còn đối với đường lối chính trị, đường lối quân sự trong hai cuộc kháng chiến, thì sự nhất trí khá cao. Đối với những vấn đề trọng đại như đường lối kháng chiên chống Pháp, chống Mỹ, làm cách mạng bằng sức lực của mình là chính, chủ trương mở các chiến dịch lớn ở miền Nam thì sự nhất trí hết sức chặt chẽ. Những vấn đề lý luận về chủ nghĩa xã hội, ý kiến có khác nhau, song trong công tác, ai cũng tuân thủ nghị quyết của tập thể.
Nhờ những người lãnh đạo Đảng, Nhà nước và những nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt như vậy mà Đảng ta đã làm tròn sứ mạng lịch sử vẻ vang đối với Tổ quốc và đồng bào.