Những di tích thờ các vị Thái sư thời Trần

05:03, 24/03/2017

Trên địa bàn tỉnh có nhiều di tích thờ các vị Thái sư thời Trần với giá trị nghệ thuật - kiến trúc, lịch sử - văn hóa đặc sắc, trong đó tiêu biểu như: Đền Lựu Phố, Đền Lộc Quý thờ Thống quốc Thái sư Trần Thủ Độ; Đình Cao Đài, Đền Hậu Bồi, Đình Phương Bông thờ Thượng tướng Thái sư Chiêu Minh Đại vương Trần Quang Khải; Đình - Chùa Đệ Tứ thờ Tá thánh Thái sư Chiêu Văn Đại vương Trần Nhật Duật…

Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia Đền Lựu Phố, xã Mỹ Phúc (Mỹ Lộc) thờ Thống quốc Thái sư Trần Thủ Độ (1194-1264) - vị Thái sư đầu tiên của triều Trần. Ông có công lập ra triều đại Trần khi sắp xếp để Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh (Trần Thái Tông). Ở cương vị Thái sư gần 40 năm, Trần Thủ Độ đã có nhiều công lao phò vua, giúp nước. Năm 1264 ông qua đời, Vua Trần Thái Tông truy tặng ông chức Thượng phụ Thái sư Trung Vũ Đại Vương. Mặc dù đã trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo nhưng đến nay Đền Lựu Phố vẫn bảo lưu được phong cách kiến trúc cổ. Đền được bố trí lần lượt từ ngoài vào trong: Nghi môn, sân đền, trung tâm đền, nhà tổ, phủ Mẫu, nhà khách và sân sau. Đền có kiến trúc kiểu “tiền chữ nhất, hậu chữ đinh”. Tiền đường chia thành 5 gian. Bộ mái công trình lợp ngói nam, giữa bờ nóc tiền đường đắp trang trí họa tiết lưỡng long chầu nguyệt, hai bờ hồi đắp trang trí họa tiết lá lật hóa long bằng vật liệu gạch vữa. Trên hiên bên đầu hồi xây hai cột hoa biểu, đỉnh cột đắp nghê chầu, thân cột nhấn câu đối chữ Hán với nội dung ca tụng công lao, sự nghiệp của Thái sư Trần Thủ Độ. Hiện nay tại tiền đường còn lưu giữ 4 chân tảng đá cánh sen kép, chạm khắc tinh xảo mang phong cách nghệ thuật thời Trần, thế kỷ XIII-XIV. Trung đường chia thành 3 gian xây nối mái tiền đường thông qua hệ thống máng nước, bộ khung trung đường lắp dựng bằng gỗ lim kiểu 3 hàng chân cột. Tại di tích còn lưu giữ được một số mảng chạm khắc: lá lật, trúc hóa long… góp phần làm tăng thêm giá trị nghệ thuật cho công trình kiến trúc. Cung cấm Đền Lựu Phố xây xoay dọc mái giao mái với tòa trung đường tạo thành mặt bằng kiến trúc kiểu chữ “đinh” truyền thống.

Nghi thức rước kiệu trong lễ hội Đền Lựu Phố, xã Mỹ Phúc (Mỹ Lộc).
Nghi thức rước kiệu trong lễ hội Đền Lựu Phố, xã Mỹ Phúc (Mỹ Lộc).

Thượng tướng Thái sư Chiêu Minh Đại vương Trần Quang Khải là người làng Tức Mặc, phủ Thiên Trường (nay thuộc phường Lộc Vượng, TP Nam Định), là con thứ ba của Vua Trần Thái Tông, mẹ là Thuận Thiên Công chúa. Ông là người học rộng tài cao, văn võ song toàn. Trong cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên - Mông lần thứ hai (1285) và lần thứ ba (1288), tên tuổi ông gắn liền với chiến thắng Hàm Tử, Chương Dương, Vạn Kiếp, Bạch Đằng, Thăng Long... Đền Hậu Bồi, Đình - chùa - phủ Phương Bông, Miễu và Đình Cao Đài là những di tích có mối liên quan đặc biệt đến Thượng tướng Thái sư Chiêu Minh Đại vương Trần Quang Khải. Khu vực Hậu Bồi là nơi Thái sư lập dinh thự, Phương Bông là nơi ông thường qua lại dạy dân múa Bài Bông, Cao Đài gắn với thái ấp Độc Lập - là căn cứ địa quan trọng trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông. Trong 3 di tích thờ Thượng tướng Thái sư Chiêu Minh Đại vương Trần Quang Khải, Đình, Miễu Cao Đài, xã Mỹ Thành (Mỹ Lộc) được Bộ VH, TT và DL công nhận Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Kiến trúc đình theo kiểu “tiền chữ nhất, hậu chữ đinh”. Phía trước tòa tiền đường là hệ thống cột đồng trụ mang dáng vẻ uy nghi có gắn nghê chầu. Tòa tiền đường 5 gian bằng gỗ lim, mái lợp ngói nam, bộ vì kiểu thượng chồng rường giá chiêng, hạ kẻ bẩy. Trên các con rường chạm lá lật, bẩy chạm tứ linh, tứ quý.

Kiến trúc và chạm khắc của tòa tiền đường mang phong cách thời Nguyễn vì đã được trùng tu năm Mậu Thân đời Vua Duy Tân năm thứ 2 (1908). Nối liền tiền đường là trung đường và hậu cung xây kiểu chữ đinh, mái cong lợp ngói mũi hài. Khác với tiền đường, trung đường và hậu cung có kiến trúc và chạm khắc mang phong cách thời Hậu Lê (thế kỷ XVII-XVIII). Xà trên cửa võng hậu cung chạm một dòng chữ Hán trong khung hình hoa sen “Đại vương thượng đẳng thần từ”. Đình Cao Đài hiện còn lưu giữ được một số di vật quý, tiêu biểu như tấm bia đá soạn khắc năm 1293. Nội dung bia cung cấp nhiều tư liệu về công chúa Phụng Dương, thái ấp của Thái sư Trần Quang Khải và việc rút lui chiến lược của quân đội nhà Trần trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông lần thứ 2 (1285).

Tá thánh Thái sư Chiêu văn Đại vương Trần Nhật Duật (1255-1330) sinh ra và lớn lên ở thành Thăng Long (1255), là con trai thứ sáu của Vua Trần Thái Tông, em trai Vua Trần Thánh Tông và Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải. Ông là người có công trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông lần thứ hai và thứ ba, đặc biệt là chiến thắng Hàm Tử. Năm 1302, Vua Trần Anh Tông phong Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật làm Thái úy Quốc công, cùng Hoàng đế trông coi việc nước. Đến đời Vua Trần Minh Tông, vào năm 1324, ông được phong thành Tá thánh Thái sư. Năm 1329, lại phong tước vị thành Chiêu Văn Đại vương. Khu di tích Đình - Chùa Đệ Tứ là công trình tín ngưỡng tôn giáo được xây dựng trong khu vực cung Đệ Tứ, một trong 4 cung điện bao quanh hành cung Thiên Trường xưa, là nơi ở của các vương hầu quý tộc, vương phi, công chúa triều Trần. Năm 1975, Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và Ty Văn hoá Nam Hà (nay là Sở VH, TT và DL tỉnh) đã tiến hành khai quật và tìm thấy nhiều hiện vật khẳng định nơi có phế tích cung điện thời Trần. Hố khai quật hoạch định tại sân chùa Đệ Tứ chứa đựng nhiều hiện vật của phế tích như: mảnh gạch ngói đầu rồng, đầu phượng đất nung. Qua công tác khảo cổ còn phát hiện dấu tích của công trình kiến trúc như gạch vỉa bó thềm nhà, đá kê chân cột, ba mảng sân lát bằng gạch vuông có hoa văn và lát bằng gạch vuông trơn, có kích cỡ, hoạ tiết khác nhau. Phế tích tìm thấy trong lòng đất tại Chùa Đệ Tứ có quy mô khá lớn, kiểu cách thiết kế đặc biệt, chất liệu xây dựng đảm bảo kỹ, mỹ thuật. Công trình có liên quan tổng thể đến công trình Thái Thượng hoàng nhà Trần ở Tức Mạc, phủ Thiên Trường. Công trình kiến trúc chùa hiện nay được xây dựng trên một khu đất cao ráo rộng khoảng 3.000m2, được thiết kế theo kiểu “Nội công ngoại quốc” gồm: Tiền đường 5 gian 2 chái, tam bảo 4 gian và thượng điện 3 gian. Ngoài công trình chính tổng thể Chùa Đệ Tứ còn có các hạng mục khác như nhà thờ Tổ, nhà khách tăng phòng, phủ mẫu, hành lang và hệ thống tường bao quanh tạo thành kiểu chữ quốc khép kín.

Thời gian qua, Đảng uỷ, UBND các địa phương có di tích thờ các vị Thái sư thời Trần đã tập trung chỉ đạo, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, gắn với việc bảo tồn, phát huy các di tích của quê hương trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Ban quản lý di tích các địa phương thường xuyên phối hợp với các trường học trên địa bàn hướng dẫn học sinh dọn vệ sinh quanh khu vực các di tích; qua đó, giáo dục các em đạo lý uống nước nhớ nguồn và tiếp nối truyền thống yêu nước của cha ông. Bên cạnh đó, công tác bảo tồn tôn tạo các di tích được thực hiện đúng quy định, đảm bảo chất lượng, giữ được kiến trúc gốc. Thực hiện Quyết định 252/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích lịch sử, văn hoá thời Trần tại tỉnh Nam Định đến năm 2015, đến nay, 10/13 di tích trong nhóm dự án các điểm di tích được tu bổ, tôn tạo giai đoạn 1 đã hoàn thành, bàn giao cho địa phương quản lý, đưa vào sử dụng trong đó có những điểm di tích thờ các vị Thái sư thời Trần như: Đền Lựu Phố, Đền Hậu Bồi, Đình Đệ Tứ. Năm 2013, UBND tỉnh có Quyết định số 1742/QĐ-UBND phê duyệt dự án tu bổ 5 di tích quan trọng thuộc giai đoạn 2, trong đó có Đình - Miễu Cao Đài. Hiện nay, Đình - Miễu Cao Đài đang tiến hành trùng tu các hạng mục: tiền tế, trung đường, hậu cung với tổng kinh phí dự toán trên 4 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa. Việc tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, tôn tạo những di tích thờ các vị Thái sư thời Trần trên địa bàn tỉnh đã phát huy giá trị giáo dục truyền thống trong các tầng lớp nhân dân, góp phần bồi dưỡng, phát huy nhân tố con người trong công cuộc xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước./.

Bài và ảnh: Viết Dư



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com