Thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá (1997-2000) – Kỳ 7

05:03, 30/03/2017

[links()]

(Tiếp theo)

    Thực hiện Luật hợp tác xã, các hợp tác xã nông nghiệp trong tỉnh đều tiến hành kiểm kê, đánh giá lại tài sản, xác định vốn điều lệ. Đến đầu năm 1998, toàn tỉnh có 75,8% số hợp tác xã tiến hành giao khoán vốn quỹ cho chủ nhiệm hợp tác xã; 45,4% số hợp tác xã không còn vốn lưu động để chủ động sản xuất kinh doanh, trong đó 11,2% số hợp tác xã âm nguồn vốn lưu động. Thực tế việc sử dụng vốn quỹ của hợp tác xã còn tuỳ tiện, không đúng mục đích. Việc thu quỹ ở nhiều hợp tác xã còn cao hơn quy định, phổ biến từ 3,5 kg đến 4,5 kg thóc/sào/vụ. Ở một số hợp tác xã, mức thu chưa phù hợp, chưa thực sự dân chủ với xã viên. Việc quản lý tài chính nông nghiệp còn lỏng lẻo. Việc thanh quyết toán đến xã viên còn nhiều hạn chế; 47,3% số hợp tác xã vẫn thanh toán qua đội sản xuất. Trước tình hình đó, tỉnh chỉ đạo chấn chỉnh công tác quản lý kinh tế đối với hợp tác xã nông nghiệp phù hợp với cơ chế quản lý mới, thực hiện thu quỹ đúng quy định và hợp tác xã thanh toán trực tiếp đến hộ xã viên. Căn cứ vào Chỉ thị số 04-CT/TU ngày 4-4-1997 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và kế hoạch của ủy ban nhân dân tỉnh về tiếp tục đổi mới tổ chức quản lý hợp tác xã nông nghiệp theo Luật hợp tác xã, đến tháng 10-2000, toàn tỉnh đã có 302/312 hợp tác xã tiến hành đại hội xã viên, đạt 96,8% tổng số hợp tác xã.

    Việc giao ruộng ổn định lâu dài cho nông dân và chấn chỉnh chế độ quản lý kinh tế hợp tác xã nông nghiệp đã thực sự làm cho xã viên yên tâm, phấn khởi, chủ động sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế. Sản xuất nông nghiệp toàn tỉnh năm 2000 đạt kết quả tốt, tổng sản lượng quy thóc đạt 1 triệu tấn (trong đó sản lượng màu quy thóc 34.003 tấn), bình quân lương thực đạt 521 kg/người/năm. Tốc độ tăng trưởng nông nghiệp đạt 3%. Giá trị thu nhập trên 1 ha canh tác đạt hơn 28 triệu đồng. Chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển, có nhiều hộ gia đình chăn nuôi quy mô vừa (từ 30 đến 100 con lợn, 500 đến 1.000 con gà). Đàn lợn của cả tỉnh đến năm 2000 có 562,8 ngàn con, đàn gia cầm có 4.846 ngàn con (tăng 6,7% so với năm 1999), sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng đạt 45.399 tấn (tăng 6,5% so với năm 1999).

    Trong công tác quản lý đất đai, tỉnh đề ra mục tiêu phấn đấu trong những năm 1998-2000 phải chặn đứng các hành vi vi phạm giao đất vượt thẩm quyền, giao sai và thu tiền trái quy định; đề ra biện pháp khắc phục những tồn tại, vi phạm trước đây và từng bước thiết lập trật tự kỷ cương xã hội trên lĩnh vực quản lý sử dụng đất đai theo pháp luật; lấy việc xây dựng hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp là cơ bản kết hợp với việc chấn chỉnh công tác giao đất; tăng cường việc kiểm tra, thanh tra và giải quyết những vấn đề còn tồn tại.

    Năm 1999, Chính phủ chỉ đạo tổng kiểm kê đất đai trên phạm vi cả nước. Thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ, tỉnh đã tiến hành tổng kiểm kê quỹ đất, kết quả cụ thể là: Đất công ích (kể cả đất giành cho quy hoạch phát triển) hiện do ủy ban nhân dân các xã, thị trấn quản lý sử dụng là 10.909 ha đất nông nghiệp, bằng 10,23% tổng quỹ đất nông nghiệp, trong đó có trên 3.000 ha đất tập trung trong từng khu riêng. Có 119 xã, thị trấn để diện tích cao hơn mức quy định tại Nghị định số 64/CP của Chính phủ. Đất chưa sử dụng: 11.523 ha (không kể diện tích sông, ngòi, kênh, máng). Cũng qua tổng kiểm kê đã xác định diện tích bãi bồi ở cửa sông Đáy là 4.908,78 ha (gồm cả khu đông Nam Điền), ở cửa sông Hồng (Ba Lạt) là 6.562,52 ha, trong đó 90% diện tích có khả năng nuôi trồng thủy sản.

    Đối với vùng kinh tế biển, Tỉnh ủy đã thành lập Ban Chỉ đạo phát triển kinh tế biển, lập quy hoạch, kế hoạch đầu tư tập trung cho đánh bắt, khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy sản và khai thác tiềm năng bãi bồi ven biển Nghĩa Hưng, Giao Thủy; dịch vụ du lịch nghỉ mát và sinh thái biển, nhằm khai thác nguồn tiềm năng lớn và đa dạng của tỉnh đem lại hiệu quả trước mắt cũng như về lâu dài. Thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế vùng biển, Ban Chỉ đạo đã chỉ đạo các ngành, các địa phương hướng dẫn, tạo điều kiện giúp đỡ ngư dân đầu tư nâng cấp, sắm mới phương tiện đánh bắt hải sản. Từ năm 1997 đến năm 1999, ngư dân trong tỉnh đã đóng mới, cải hoán 25 đôi tàu công suất 300-475 cv và một đôi tàu dịch vụ hậu cần đánh bắt cá xa bờ, nâng tổng số lên 1.032 tàu thuyền lắp máy (trong tổng số 1.441 tàu thuyền đánh cá), sản lượng khai thác hải sản đạt gần 17.000 tấn, vượt mục tiêu năm 2000. Ở vùng bãi bồi cồn Ngạn (Giao Thủy) và đông Nam Điền (Nghĩa Hưng), do làm tốt việc đầu tư nâng cấp hệ thống thuỷ lợi nên tổng diện tích nuôi trồng thủy sản năm 2000 tăng lên 2.950 ha, tổng sản lượng thủy hải sản đạt 42.000 tấn, trong đó khai thác hải sản là 23.500 tấn, nuôi trồng thủy sản là 18.500 tấn, tăng 16,5% so với kế hoạch. Tỉnh cũng chỉ đạo xây dựng quy hoạch và đầu tư phát triển xã Hải Thịnh lên thành thị trấn Thịnh Long, xã Giao Lâm lên thành thị trấn Quất Lâm, hình thành hai khu nghỉ mát du lịch biển là Thịnh Long và Quất Lâm.

    Sau khi chuyển đổi theo Luật hợp tác xã, ba huyện ven biển của tỉnh còn 23 hợp tác xã sản xuất kinh doanh muối, trong đó 19 hợp tác xã chuyên làm muối. Mặc dù trong điều kiện khó khăn về đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ sản xuất, nhưng do sự tích cực chủ động của diêm dân, nên sản lượng muối năm 2000 vẫn đạt 95.800 tấn, tăng 5,5% so với năm 1999.

    Để cụ thể hóa chủ trương phát triển kinh tế - xã hội theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 4 (tháng 12-1997) ra Nghị quyết về tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới, phát huy nội lực, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, cần, kiệm để công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội đến năm 2000. Tỉnh ủy và các cấp ủy trong Đảng bộ đã tổ chức quán triệt, triển khai Nghị quyết Trung ương 4, đồng thời cụ thể hóa chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, đề ra kế hoạch, mục tiêu, nội dung đánh giá thực trạng, phân loại, sắp xếp, củng cố, đổi mới quản lý doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

(Còn nữa)

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com