Thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá (1997-2000) - Kỳ 6

05:03, 28/03/2017

[links()]

(Tiếp theo)

    Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nam Định gồm 49 đồng chí. Ngày 20-11-1997, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh họp phiên đầu tiên bầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy gồm 11 đồng chí. Đồng chí Trần Minh Ngọc được bầu là Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Đặng Phúc Tựu được bầu là Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy. Đồng chí Trần Quang Ngọc được tiếp tục phân công giữ chức Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh.

    Ngay sau khi Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV được tổ chức thành công, các cấp ủy đảng đã tổ chức học tập, quán triệt nghị quyết nhanh gọn trong quý I năm 1998. Căn cứ vào mục tiêu, nhiệm vụ và thực tế tình hình của địa phương, đơn vị, các cấp ủy đảng, chính quyền đã xây dựng chương trình hành động thực hiện nghị quyết với tinh thần chủ động, cụ thể, sát thực; đồng thời phát động phong trào thi đua sâu rộng tới các tầng lớp nhân dân, tạo động lực tinh thần to lớn trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị.

Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp với dân quân các địa phương ven biển tuần tra giữ vững an ninh tuyến biển.
Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp với dân quân các địa phương ven biển tuần tra giữ vững an ninh tuyến biển.

    Trong hai ngày 26 và 27-2-1998, đồng chí Trần Đức Lương - Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch nước đã về thăm và làm việc tại Nam Định. Đồng chí đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đi thăm một số cơ sở kinh tế - xã hội của tỉnh như Công ty dệt Nam Định, Trường phổ thông trung học chuyên Lê Hồng Phong, thăm huyện Hải Hậu, đến thắp hương tưởng niệm tại Nhà lưu niệm Tổng Bí thư Trường Chinh. Làm việc với lãnh đạo tỉnh, đồng chí đã biểu dương những cố gắng của Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh, gợi mở những giải pháp trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhắc nhở các cấp ủy đảng, chính quyền cần tiếp tục chăm lo công tác xây dựng đảng, chính quyền, đoàn thể vững mạnh, thực hiện tốt phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra", sâu sát, gắn bó với dân để tháo gỡ khó khăn và xây dựng đội ngũ cán bộ trong sạch, tạo niềm tin của dân với Đảng, thực hiện thắng lợi công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước trước yêu cầu mới.

    Quán triệt Nghị quyết Trung ương 4, Nghị quyết Trung ương 6 (lần 1, khóa VIII) về vấn đề phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới, Tỉnh ủy chỉ đạo đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hợp tác hóa và dân chủ hóa; đầu tư cho thâm canh, phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hoá, nâng cao hiệu quả trên 1 ha canh tác. Nhiệm vụ chính là đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với phân công lại lao động, giải quyết vấn đề tiêu thụ sản phẩm và phát triển mạnh các hình thức hợp tác.

    Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW của Bộ Chính trị, tỉnh chỉ đạo đẩy mạnh đổi mới quản lý hợp tác xã nông nghiệp với nội dung cụ thể là: Đổi mới quản lý đất đai, giao ruộng đất ổn định lâu dài cho hộ nông dân, tiếp tục khơi dậy động lực mới để phát triển sản xuất. Trên cơ sở Hiến pháp năm 1992, Luật đất đai năm 1993 được ban hành và có hiệu lực là sự thể chế hóa đường lối đổi mới của Đảng về chế độ quản lý, sử dụng đất đai. Theo đó, ngoài diện tích đất sản xuất giao ổn định lâu dài cho hộ nông dân, còn lại chuyển từ hợp tác xã về ủy ban nhân dân xã quản lý. Thực hiện sự chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, việc lập hồ sơ gốc và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được tích cực đẩy mạnh và đạt kết quả tốt. Đến ngày 31-12-1999, toàn tỉnh đã ra quyết định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp cho 196/205 xã (chiếm 96% số xã sử dụng đất nông nghiệp), với 393.679 hộ/442.076 hộ (chiếm 89% tổng số hộ nông dân; và diện tích 85.288 ha/92.780 ha (chiếm 91% tổng diện tích đất nông nghiệp), giao cho các hộ gia đình, cá nhân. Việc giao ruộng đất cho nông dân đã góp phần ổn định việc sử dụng ruộng đất và hạn chế được tình trạng tranh chấp đất đai gay gắt ở một số địa phương.

    Từ thực tiễn tổ chức và bước đầu thực hiện hạch toán dịch vụ của các hợp tác xã nông nghiệp trong cơ chế “khoán” theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 10 (khóa VI), các hoạt động dịch vụ tiếp tục được xem xét, lựa chọn hình thức tổ chức và từng bước chuyển sang kinh doanh ở các mức độ khác nhau, nhưng đã có vai trò quan trọng hỗ trợ các hộ nông dân phát triển sản xuất, nhất là các khâu: nước, bảo vệ thực vật, cung ứng giống, điện... Các dịch vụ trong hợp tác xã đều thực hiện cơ chế giao khoán dưới sự hướng dẫn và giám sát của hợp tác xã. Các hợp tác xã đã rà soát định mức kinh tế kỹ thuật và cơ chế hạch toán của các tổ dịch vụ, để từng bước đổi mới phương thức quản lý và sử dụng quỹ vốn của hợp tác xã. Từ khi thực hiện giao ruộng đất ổn định cho hộ nông dân thì nội dung, phương thức hoạt động của hợp tác xã đã cơ bản thay đổi. Hợp tác xã không trực tiếp điều hành sản xuất của hộ xã viên mà chuyển sang chức năng hướng dẫn, chỉ đạo kế hoạch và điều hành kinh doanh dịch vụ theo Luật hợp tác xả.

(Còn nữa)

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com