[links()]
(Tiếp theo)
Thi hành Điều lệ Đảng và Chỉ thị số 51-CT/TW ngày 9-3-1995 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa VII) về đại hội đảng bộ các cấp, Hội nghị toàn thể Ban Chấp hành lâm thời Đảng bộ tỉnh họp ngày 5-9-1997 đã quyết định triệu tập Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV. Đại hội được tiến hành từ ngày 18 đến ngày 21-11-1997 với 250 đại biểu chính thức. Đồng chí Nguyễn Văn An, ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã về dự và chỉ đạo Đại hội.
Đại hội diễn ra trong không khí phấn khởi của cán bộ, đảng viên và nhân dân về những thắng lợi và kết quả bước đầu thu được trên các lĩnh vực sau gần một năm tái lập tỉnh. Các đại biểu đã sôi nổi thảo luận, đóng góp ý kiến vào báo cáo đánh giá tình hình, kết quả thực hiện các công tác và phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ của Đảng bộ đến năm 2000. Đại hội khẳng định sau hơn 10 năm đổi mới và từ khi tái lập tỉnh, Đảng bộ và quân dân trong tỉnh đã đoàn kết, phấn đấu khắc phục khó khăn, vươn lên giành được nhiều thành tích đáng phấn khởi, kinh tế - xã hội của tỉnh có những chuyển biến tích cực. Nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao hơn các năm trước.
Đại hội nghiêm túc kiểm điểm, chỉ rõ những tồn tại, yếu kém trong thời gian qua và đề ra phương hướng, nhiệm vụ tổng quát đến năm 2010 là: Huy động sức mạnh tổng hợp của mọi thành phần kinh tế, tận dụng mọi lợi thế về điều kiện tự nhiên, nguồn lực của một tỉnh đông dân, có hai vùng kinh tế và một trung tâm công nghiệp - dịch vụ đã được hình thành, những cơ sở vật chất đã được xây dựng, tranh thủ sự quan tâm chỉ đạo và giúp đỡ của Trung ương, mở rộng quan hệ với các địa phương trong nước và ngoài nước. Tận dụng mọi cơ hội để hoà nhập vào quá trình phát triển của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Phấn đấu tạo bước chuyển dịch mạnh mẽ về cơ cấu kinh tế nông nghiệp - công nghiệp - dịch vụ để sau năm 2010 có cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp - nông nghiệp - dịch vụ. Đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế gắn với việc giải quyết tốt các vấn đề văn hóa, xã hội. Tăng cường công tác xây dựng đảng, xây dựng chính quyền và hoạt động của các đoàn thể, đáp ứng được yêu cầu của phát triển kinh tế - xã hội. Nâng cao chất lượng toàn diện công tác quốc phòng, an ninh, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Đại hội đề ra mục tiêu chủ yếu đến năm 2000 là:
Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân từ 8 đến 9%/năm, GDP bình quân đầu người tăng 2 lần so với năm 1990 và tăng 1,5 lần so với năm 1996. Trong đó: Giá trị sản xuất nông nghiệp (gồm nông, lâm, ngư nghiệp) tăng 4,5 đến 5%/năm. Phấn đấu đạt giá trị canh tác từ 23 đến 25 triệu đồng/ha đất canh tác. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân hằng năm từ 11 đến 13%. Giá trị các ngành dịch vụ tăng bình quân 11%/năm. Giá trị xuất khẩu trên địa bàn tăng từ 12 đến 20%/năm. Tăng nhanh khả năng và tiềm lực tài chính, bình quân mỗi năm từ 8 đến 10% GDP. Tỷ trọng các ngành kinh tế: nông, lâm, ngư nghiệp chiếm 38%, công nghiệp xây dựng 23%, dịch vụ 39%.
Thực hiện tốt các vấn đề thuộc lĩnh vực văn hóa, xã hội. Hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Nâng cao trình độ dân trí, bồi dưỡng nguồn nhân lực, đào tạo nhân tài. Giảm tỷ lệ tăng dân số tự nhiên xuống 1,3 - 1,35%. Tiếp tục nâng cao đời sống nhân dân; giảm hộ nghèo xuống dưới 10%.
Củng cố quốc phòng, an ninh, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, giữ vững an ninh chính trị, chủ động phòng, chống âm mưu chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch.
Xây dựng Đảng, chính quyền và các đoàn thể nhân dân đáp ứng được yêu cầu của nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Phấn đấu giảm dần cơ sở đảng yếu kém. Đội ngũ cán bộ đảng, chính quyền, đoàn thể phải cơ bản được tiêu chuẩn hóa theo quy định. Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân.
Đại hội xác định một số nhiệm vụ chủ yếu đến năm 2000:
Tập trung cao độ cho mục tiêu phát triển kinh tế, đẩy nhanh nhịp độ tăng trưởng của các ngành kinh tế. Khai thác tối đa nguồn lực sẵn có và nguồn vốn đầu tư cho các công trình trọng điểm về kinh tế - xã hội của tỉnh. Hoàn thành các mục tiêu xây dựng cơ bản đến năm 2000 và chuẩn bị cho những năm tiếp theo.
Tiếp tục xây dựng và củng cố quan hệ sản xuất. Từng bước sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, tạo điều kiện để doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả, đủ sức cạnh tranh và giữ được vai trò chủ đạo của nền kinh tế nhà nước trong cơ chế kinh tế nhiều thành phần. Tiếp tục đổi mới quản lý hợp tác xã theo Luật hợp tác xã. Khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Tăng cường chức năng quản lý nhà nước đối với các thành phần kinh tế trên địa bàn.
Nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế đối ngoại. Tích cực tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu. Tăng nhanh số lượng và chất lượng hàng xuất khẩu đã qua chế biến. Củng cố ngành thương mại - du lịch. Tranh thủ và thu hút các nguồn vốn viện trợ phát triển (ODA), nguồn vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI). Xây dựng và bồi dưỡng nguồn thu, nhất là nguồn thu chủ lực trên cơ sở phát triển sản xuất. Từng bước giảm dần sự mất cân đối trong thu - chi ngân sách tại địa phương, sử dụng ngân sách có hiệu quả, tiết kiệm ở mọi cấp, ngành, đoàn thể.
Chỉ đạo và thực hiện tốt các vấn đề thuộc lĩnh vực văn hóa, xã hội. Từng bước nâng cao mặt bằng dân trí, sức khỏe, đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Kết hợp tốt việc phát triển kinh tế với giải quyết các vấn đề xã hội.
Tăng cường công tác quốc phòng, an ninh và hoạt động của các ngành nội chính, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ. Thực hiện tốt hai nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, củng cố xây dựng lực lượng các ngành nội chính trong sạch, vững mạnh. Phối kết hợp chặt chẽ và đồng bộ trong hoạt động của các cơ quan bảo vệ pháp luật.
Thường xuyên làm tốt công tác xây dựng đảng, chính quyền và hoạt động của các đoàn thể nhân dân để đáp ứng yêu cầu của sự phát triển trong thời kỳ mới. Đẩy mạnh việc cải cách nền hành chính nhà nước ở các cấp nhằm nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, nhất là về lĩnh vực quản lý kinh tế. Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong xây dựng chính quyền.
(Còn nữa)