[links()]
(Tiếp theo)
Thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 2-4-1997 của Bộ Chính trị, ngày 28-4-1997, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra Chỉ thị số 05-CT/TU chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể lãnh đạo, chỉ đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá X và bầu bổ sung đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh và hội đồng nhân dân các huyện chia tách, tái lập. Ngày 20-7-1997, cuộc bầu cử được tiến hành ở các địa phương, đơn vị nhìn chung nghiêm túc, an toàn, đúng luật. 1.117.133 cử tri đã hăng hái đi bầu cử đại biểu Quốc hội, đạt 99,83% tổng số cử tri, bầu được 10 đại biểu Quốc hội. Bầu bổ sung đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh có 331.914 cử tri đi bầu, đạt 99,9% tổng số cử tri; bầu thêm 10 đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh. Trong bầu bổ sung đại biểu hội đồng nhân dân các huyện có 456.650 cử tri đi bầu, đạt 99,62% tổng số cử tri trong danh sách, bầu thêm 88 đại biểu hội đồng nhân dân huyện.
Thực hiện Chỉ thị số 04-CT/TU ngày 4-4-1997 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục đổi mới tổ chức quản lý hợp tác xã nông nghiệp theo Luật hợp tác xã, các cấp ủy huyện, thành phố đã tích cực chỉ đạo các xã, hợp tác xã triển khai công tác tuyên truyền phổ biến Luật hợp tác xã, các nghị định của Chính phủ về nội dung đổi mới tổ chức quản lý hợp tác xã nông nghiệp theo Luật hợp tác xã. Đến tháng 9-1997 đã có 290 hợp tác xã tổ chức đại hội xã viên, đạt 72,6% tổng số hợp tác xã toàn tỉnh. Trong đó 4 huyện là: Hải Hậu, Vụ Bản, Giao Thuỷ, Trực Ninh và thành phố Nam Định đã hoàn thành đại hội xã viên ở 100% hợp tác xã trước tháng 7- 1997. Các huyện tiếp tục chỉ đạo cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho các hợp tác xã nông nghiệp, trong đó huyện Vụ Bản đã cấp xong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho 100% hợp tác xã trong huyện.
Trên cơ sở đổi mới tổ chức quản lý hợp tác xã theo luật, Đảng bộ tập trung lãnh đạo sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu mùa vụ, nhằm đưa sản xuất nông nghiệp của tỉnh tiếp tục đạt kết quả tốt hơn. Giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp năm 1997 tăng 7,2% so với năm 1996.
Sản xuất nông nghiệp giành thắng lợi lớn cả về diện tích, năng suất và tổng sản lượng. Năng suất lúa năm 1997 đạt gần 11 tấn/ha, tổng sản lượng quy thóc đạt 950.400 tấn, tăng 71.600 tấn so với năm 1996, vượt 50.400 tấn so với kế hoạch; lương thực bình quân đầu người đạt 496 kg/người, đó là năm đạt cao nhất từ trước tới nay. Chăn nuôi phát triển đa dạng, phong phú cả về số lượng và chất lượng. Đàn lợn có 513.869 con, tăng 4,8% so với năm 1996; sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 38.929 tấn, tăng 8,5% so với năm 1996. Đàn bò có 21.715 con, tăng 5,3% so với năm 1996; riêng đàn trâu có 15.722 con, giảm 9,1% so với năm 1996. Đàn gia cầm tăng nhanh theo hướng nuôi những giống có năng suất cao, chất lượng sản phẩm tốt. Lĩnh vực nuôi trồng và khai thác thuỷ sản phát triển mạnh, diện tích nuôi trồng đạt 8.380 ha, tăng 4,5%
So với năm 1996; sản lượng thu hoạch đạt 10.500 tấn, tăng 8,2% so với năm 1996. Sản lượng đánh bắt hải sản đạt 16.000 tấn, vượt kế hoạch. Tỉnh đã đầu tư triển khai đóng mới 9 đôi tàu, với vốn vay 26 tỷ đồng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện chương trình đánh bắt xa bờ.
Để thúc đẩy việc triển khai sản xuất lúa giống, đáp ứng các yêu cầu phát triển mới của sản xuất nông nghiệp, ngày 12-9-1997, Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạng đã về thăm và kiểm tra tình hình sản xuất nông nghiệp tại tỉnh Nam Định. Đồng chí đã nghe lãnh đạo tỉnh báo cáo về kết quả triển khai chương trình lúa lai tại trại giống Vụ Bản, kết quả triển khai chương trình lúa lai hai dòng ra đại trà và chỉ đạo cụ thể về lĩnh vực phát triển nông nghiệp.
Trong công tác quản lý đất đai, tỉnh chỉ đạo triển khai nhiều việc làm mang tính cấp thiết, như: lập bản đồ địa chính, điều chỉnh quỹ đất dự trữ. Toàn tỉnh đã có 205 xã, thị trấn lập quy hoạch sử dụng đất, 179 xã điều chỉnh quỹ đất dự trữ, 124/201 xã đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nông dân.
Tuy vậy, trong lĩnh vực nông nghiệp, việc chuyển đổi các hợp tác xã phi nông nghiệp còn chậm, hoạt động dịch vụ, chế biến nông sản chưa đáp ứng được yêu cầu, giá nông sản thấp nên hiệu quả sản xuất nông nghiệp không cao. Vốn quỹ và phương thức quản lý của hợp tác xã nông nghiệp có nhiều khó khăn, yếu kém...
Đi đôi với phát triển sản xuất nông nghiệp, sản xuất công nghiệp dần đi vào thích ứng, ổn định, vượt qua được tình trạng lúng túng, chao đảo khi chuyển sang cơ chế kinh tế thị trường. Thực hiện Chỉ thị số 500/TTg của Thủ tướng Chính phủ về chủ trương triển khai đề án đổi mới doanh nghiệp và Nghị định số 50/CP của Chính phủ về việc sắp xếp doanh nghiệp nhà nước, Tỉnh ủy đã xây dựng đề án sắp xếp doanh nghiệp nhà nước và thành lập Ban Chỉ đạo đổi mới doanh nghiệp của tỉnh để triển khai thực hiện. Trên cơ sở đề án được phê duyệt, ngay từ quý I năm 1997 tỉnh chỉ đạo khẩn trương sắp xếp lại các doanh nghiệp nhà nước, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh, nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp tập trung sản xuất, tạo sức cạnh tranh mạnh hơn trong cơ chế thị trường. Từ 179 doanh nghiệp nhà nước, sau khi được sắp xếp lại, đến ngày 31-12-1997, toàn tỉnh còn 126 doanh nghiệp thuộc tỉnh quản lý, giảm được 53 doanh nghiệp (trong đó sáp nhập 13, giải thể 40 doanh nghiệp). Bên cạnh doanh nghiệp nhà nước, các doanh nghiệp tư nhân phát triển mạnh, đến năm 1997, toàn tỉnh có 63 doanh nghiệp tư nhân, 92 công ty trách nhiệm hữu hạn, với tổng mức vốn đăng ký là 94 tỷ đồng; có 7 doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài. Giá trị sản xuất toàn ngành đạt 996 tỷ đồng tăng 6,8% so với năm 1996; trong đó công nghiệp quốc doanh địa phương tăng 13,5%.
Tuy nhiên, trên 50% doanh nghiệp nhà nước ở địa phương có quy mô nhỏ bé, máy móc thiết bị cũ, công nghệ lạc hậu, không đủ sức cạnh tranh trong cơ chế thị trường. Đối với các doanh nghiệp dân doanh, sau khi kiểm tra theo Chỉ thị số 657/TTg của Thủ tướng Chính phủ, năm 1997, thực tế chỉ còn 50% số doanh nghiệp dân doanh được thành lập còn hoạt động. Công ty Dệt Nam Định là doanh nghiệp lớn trong ngành dệt sợi cả nước, do chậm thích ứng với cơ chế mới nên nhiều năm liền gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh
Tỉnh đã tiến hành nhiều biện pháp hỗ trợ giải quyết khó khăn cho công ty, giải quyết việc làm, giúp đỡ người lao động ổn định về cả đời sống vật chất và tinh thần.
(Còn nữa)