Di tích kiến trúc nghệ thuật Chùa Keo Hành Thiện (gồm Chùa Keo trong và ngoài) xã Xuân Hồng (Xuân Trường) vừa được cấp Bằng công nhận là di tích quốc gia đặc biệt theo Quyết định số 2499/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đây là điều kiện thuận lợi để chính quyền địa phương và nhân dân tiếp tục phát huy các giá trị của di tích.
Theo hồ sơ di tích, khu di tích Chùa Keo Hành Thiện bao gồm: Chùa Keo trong (Thần Quang tự) và Chùa Keo ngoài (Đĩnh Lan tự). Chùa Keo ban đầu có tên là Chùa Nghiêm Quang được xây dựng vào năm Tân Hợi (1061), đời Vua Lý Thánh Tông. Cùng với việc thờ Phật, chùa thờ Thiền sư, Đức Thánh tổ Dương Không Lộ - một vị Quốc sư thời Lý đã có nhiều công lao đóng góp đối với đất nước và nhân dân. Về mặt kiến trúc, nghệ thuật, hiện tại khu di tích Chùa Keo Hành Thiện là một tổng thể các công trình kiến trúc có quy mô lớn, được xây dựng đăng đối, mang đậm phong cách kiến trúc thời Hậu Lê, thế kỷ XVII, XVIII. Chùa Keo trong (Thần Quang tự) có phong cách thờ tự “tiền Phật, hậu Thánh”, được xây dựng theo kiểu “nội công, ngoại quốc” bề thế, bao gồm các công trình chính: Tam quan ngoại, Tam quan nội kiêm gác chuông, chùa Phật, đền Thánh; Hành lang tả, hữu, Nhà kí đồ, Nhà tổ, Nhà oản, Nhà bếp theo một trục dọc đường thần đạo với tổng thể 13 tòa rộng, dãy dài 119 gian. Các hạng mục kiến trúc trung tâm nổi bật, có giá trị nghệ thuật được các nghệ nhân dân gian thời Hậu Lê thiết kế như: Tam quan nội kiêm gác chuông, chùa Phật và đền Thánh. Đây là cụm công trình mang phong cách nghệ thuật đặc trưng của thế kỷ XVII. Các kiến trúc phụ trợ khác được bố trí đăng đối theo trục thần đạo, rồi từ cụm trung tâm đó toả ra những điểm đối xứng của toàn bộ kiến trúc tạo nên một bố cục chặt chẽ, hài hoà. Tam quan nội kiêm gác chuông là công trình kiến trúc bảo lưu được nhiều yếu tố từ khi khởi dựng từ thế kỷ XVII. Công trình được làm theo kiểu chồng diêm 2 tầng 8 mái cao gần 8m cấu trúc kiểu 5 gian với dáng vẻ thanh thoát, mái cong, bờ cánh kẻ bẩy uốn lượn. Qua bàn tay tài hoa, khối óc sáng tạo của các nghệ nhân trang trí các đề tài trên các cấu kiện gỗ công trình mang đậm phong cách nghệ thuật thời Hậu Lê chủ đạo là đề tài rồng trang trí tại các đầu dư với nghệ thuật chạm bong kênh… Chùa Phật kết cấu theo kiểu chữ “công” gồm 3 toà tiền đường 5 gian, thiêu hương 3 gian, thượng điện 3 gian mái cong. Các nghệ nhân đã chạm khắc ở đây các đề tài chủ đạo là rồng trên các cấu kiện kẻ hiên, xà nách, xà đùi, vì nách tiền đường. Đề tài lân được thể hiện trên nóc mái (vị trí đầu kìm) của tòa Thượng điện. Đề tài phượng được thể hiện trên kẻ hiên và vì nách toà tiền đường… Đền Thánh kết cấu theo kiểu chữ “công” tương tự như chùa Phật gồm 3 tòa: Tiền đường 5 gian, Trung đường 3 gian, Hậu cung 3 gian. Nghệ thuật điêu khắc, trang trí đền Thánh đa dạng và tinh xảo hơn ở chùa Phật. Các mảng chạm khắc tập trung trên các mảng đố lụa, khung bạo con rường, kẻ, bẩy của từng toà. Đặc biệt là 3 bộ cánh cửa gồm 10 cánh ngăn cách giữa tiền đường và trung đường được chạm khắc thể hiện 10 đề tài khác nhau.
Di tích quốc gia đặc biệt Chùa Keo Hành Thiện, xã Xuân Hồng (Xuân Trường). |
Chùa Keo ngoài (Đĩnh Lan tự) tuy có quy mô nhỏ hơn Chùa Keo trong (Thần Quang tự) nhưng cũng có kết cấu mặt bằng kiểu “nội công, ngoại quốc”, gồm các hạng mục chính: Tam quan, hành lang tả, hữu, chùa chính, gác chuông và nhà Tổ. Công trình kiến trúc chùa được xây dựng đăng đối mang đậm phong cách kiến trúc thời Hậu Lê, thế kỷ XVIII. Di tích còn lưu giữ được nhiều mảng chạm khác như trúc hoá long, rồng ngậm ngọc, đao mác lá hoả cùng các đề tài tứ linh, tứ quý. Chùa Keo ngoài còn bảo lưu được nhiều hiện vật có giá trị tạo hình như: tượng Bồ tát Quan âm Nam Hải, Quan Âm toạ sơn, Huyền Đàn, hệ thống bài vị, câu đối, nghê gỗ... là những hiện vật ngoài chức năng thờ tự còn là những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc tinh xảo, góp phần tìm hiểu lịch sử mỹ thuật, lịch sử xây dựng của di tích qua các giai đoạn. Sự hình thành tồn tại của khu di tích Chùa Keo góp phần minh chứng cho lịch sử hình thành và phát triển của tôn giáo, tín ngưỡng Việt nam. Sự xuất hiện của Chùa Keo cùng với Chùa Diên Phúc, sau đổi tên là Viên Quang (xã Xuân Ninh, huyện Xuân Trường) và Chùa Tháp Chương Sơn (xã Yên Lợi, huyện Ý Yên) cho thấy dưới thời Lý Nam Định là một trung tâm tôn giáo lớn của cả nước.
Khu di tích Chùa Keo Hành Thiện hàm chứa các giá trị văn hoá, tín ngưỡng, tôn giáo tiêu biểu. Hằng năm tại khu di tích diễn ra hai kỳ lễ quan trọng vào mùa xuân và mùa thu với nhiều hình thức sinh hoạt văn hoá dân gian đặc sắc mang ý nghĩa ghi nhớ và tôn vinh thần, Phật. Lễ hội mùa xuân tại khu di tích tổ chức vào 2 dịp: tháng Giêng đối với Chùa Keo trong (Thần Quang Tự) và tháng Hai đối với Chùa Keo ngoài (Đĩnh Lan Tự) với các nghi thức dâng hương, rước kiệu, yến lão và trò chơi thổi cơm thi. Lễ hội mùa thu được tổ chức vào trung tuần tháng 9 âm lịch là kỳ lễ hội lớn nhất trong năm để kỷ niệm ngày sinh đức Thánh tổ Dương Không Lộ, vị Quốc Sư Bồ tát, vị Thành Hoàng làng Hành Thiện, nhân vật trung tâm của lễ hội. Lễ hội Chùa Keo Hành Thiện diễn ra nhiều nghi thức và trò chơi dân gian đặc sắc như: phụng nghinh; bơi chải, phục miều y, dựng phướn, rước đèn; Thánh đàn múa rối, chèo cạn; cờ tướng, cầu đu, chọi gà, làm bánh dầy… Lễ hội truyền thống Chùa Keo là lễ hội của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước, được thể hiện sinh động qua nghi thức phụng thờ Đức Thánh tổ Dương Không Lộ là người có công khai hoang, dạy dân nghề nông, ngư nghiệp, thủ công nghiệp. Các nghi thức thực hành nghi lễ cũng như hệ thống truyền thuyết về Thánh tổ đã phản ánh quá trình hình thành và phát triển của các vùng đất mới, sự du nhập của các tôn giáo cùng tín ngưỡng dân gian trong đời sống. Những hình thức sinh hoạt văn hóa tại khu di tích Chùa Keo Hành Thiện không chỉ đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh cho nhân dân địa phương mà còn thể hiện sự tri ân công đức của nhân dân đối với Thần, Phật, thể hiện tinh thần cố kết cộng đồng và phản ánh sinh động đời sống văn hóa tinh thần của người dân ở vùng quê giàu truyền thống văn hóa và cách mạng.
Để bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị của Di tích quốc gia đặc biệt Chùa Keo Hành Thiện, các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân xã Xuân Hồng nói riêng, huyện Xuân Trường nói chung cần tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định của Nhà nước về lĩnh vực di sản, đặc biệt là Luật Di sản văn hóa. Trong đó, việc trùng tu, tôn tạo di tích phải tuân theo trình tự, thủ tục và quy định của Nhà nước. Tổ chức lễ hội truyền thống theo hướng tiết kiệm, gọn nhẹ, duy trì các hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian đặc sắc gắn với lịch sử quê hương và nhân vật thờ; nghiêm cấm các hoạt động mê tín, thương mại hóa di tích./.
Bài và ảnh: Viết Dư