Phố Lê Trực dài 97m, rộng 11m, có địa giới hành chính từ phố Tạ Quang Bửu đến phố Vũ Công Tự thuộc khu tái định cư Đồng Quýt (TP Nam Định).
Lê Trực (?-?) quê làng Thanh Thủy, phủ Quảng Trạch (nay là xã Tiến Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình) đỗ Tạo sĩ (tam giáp tiến sĩ võ), nguyên là Đề đốc Hà Nội. Khi tướng giặc Ri-vi-e hạ thành, Tổng đốc Hoàng Diệu tự vẫn, ông bị triều đình cách chức, sau được Tôn Thất Thuyết phục chức. Lúc ông khởi nghĩa vợ ông và hai người con gái lớn đều tham gia nghĩa quân. Khi có Chiếu Cần Vương, Lê Trực lấy vùng rừng núi Thanh Thủy làm căn cứ. Đêm mồng 9 rạng ngày 10-5-1886, nghĩa quân đột nhập thành Đồng Hới, đốt phá doanh trại địch, giết Bố chánh Nguyễn Đình Dương, đường giao thông Huế - Đồng Hới bị nghĩa quân phong tỏa nhiều tháng. Tuyến đường Đồng Hới - Ba Đồn và đường liên huyện ở phía bắc tỉnh, nghĩa quân mai phục trên đường, tập kích chặn đánh, tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch. Ngày 25-5-1886, quân Pháp phái 57 tên hành quân ra Hà Tĩnh, đến sông Ròn (Quảng Trạch) bị nghĩa quân mai phục, tập kích, nhiều tên bị giết chết, bị bắt sống. Nghĩa quân hoàn toàn làm chủ vùng này. Ngày 6-6-1886, thiếu tá Gơ-rê-goa đem quân từ Đồng Hới dọc sông Gianh, vừa đến cuối làng Thanh Thủy thì bị nghĩa quân của Lê Trực mai phục đánh quyết liệt. Quân Pháp phải rút và từ bỏ âm mưu đánh lên Minh Cầm. Đêm 18 rạng 19-6-1887, có gián điệp chỉ đường, một toán biệt kích do Mu-tô chỉ huy đột kích căn cứ nghĩa quân Lê Trực ở vùng núi Thanh Thủy. Sau trận tập kích vào căn cứ của Lê Trực, vợ bị bắt, quá nửa quân sĩ và một số tướng lĩnh hy sinh nhưng ông vẫn tiếp tục cùng những người còn lại chiến đấu.
Hiện nay, nhà lưu niệm và mộ của ông đặt ở dưới chân núi Đá Dù, làng Thanh Thủy, xã Tiến Hóa, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình./.
Viết Dư