Trường Chinh - Thân thế và sự nghiệp (Kỳ 13)

04:02, 28/02/2017

[links()]

HOÀNG TÙNG
Nguyên Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng

(Tiếp theo)

    Năm 1961, Tổng thống Mỹ Kennơđi, sau sự phá sản của cuộc chiến tranh đơn phương bằng chính quyền và quân đội tay sai, phát động cuộc Chiến tranh đặc biệt ở miền Nam nước ta nhằm mục đích, với quân đội Sài Gòn được tăng cường, có cố vấn Mỹ chỉ huy, quét sạch các lực lượng vũ trang của ta trong 18 tháng. Chiến lược ấy cũng phá sản nhanh chóng. Trước cuộc đấu tranh kiên cường của đồng bào ta, trong tình thế sa vào đường hầm không lối thoát, Mỹ dùng bạo lực đánh đổ tập đoàn gia đình trị Ngô Đình Diệm, đưa Dương Văn Minh lên thay. Không lâu sau cuộc chính biến bạo lực ở Sài Gòn, Kennơđi bị ám sát. Phó Tổng thông Mỹ Giônxơn lên làm Tống thông và tiếp tục leo thang chiến tranh, ồ ạt đưa một đội quân tinh nhuệ của Mỹ sang miền Nam nước ta, tiến hành chiến lược Chiến tranh cục bộ. Ta kịp thời tăng cường lực lượng quân sự, chính trị cho tiền tuyến đánh quân Mỹ ngay khi chúng đổ bộ từng sư đoàn vào miền Nam nước ta.

    Bộ Chính trị quyết định sẵn sàng chống quân Mỹ bằng quân đội của ta, chỉ xin viện trợ vũ khí, lương thực, thuốc men của Liên Xô, Trung Quốc. Yêu cầu của ta được đáp ứng rộng rãi.

    Năm 1963, nhằm củng cố sự đoàn kết, nhất trí trong Đảng, bảo đảm thắng lợi cách mạng nước ta, Bộ Chính trị quyết định ra một nghị quyết về các vấn đề quốc tế và giao cho Trường Chinh chuẩn bị nghị quyết ấy rồi đưa ra Hội nghị Trung ương thảo luận, thông qua. Nghị quyết này tập trung phân tích tình hình cơ bản của thế giới trong thời gian đó, vạch rõ âm mưu của chủ nghĩa đế quốc đứng đầu là Mỹ, đang mở hết tốc lực chạy đua vũ trang, đẩy mạnh cuộc chiến tranh lạnh chống Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa khác, tiến hành cuộc chiến tranh thực dân mới chống Việt Nam hòng ngăn chặn cuộc đấu tranh giành độc lập của các dân tộc thuộc địa, kiềm chế cuộc đấu tranh của nhân dân các nước vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, tiến bộ xã hội, kiềm chế sự phát triển của các nước xã hội chủ nghĩa buộc phải dành nhiều tiền của cho công cuộc phòng thủ của mình. Vì vậy, tất cả các lực lượng cách mạng và tiến bộ trên thế giới cần phải tập hợp lực lượng vào cuộc đấu tranh chung chống lại và làm thất bại âm mưu của Mỹ.

Đồng chí Trường Chinh (bìa phải) thăm hỏi, chúc tết và lắng nghe ý kiến của CBCNV Nhà máy dệt Thành Công - nơi "xé rào" đột phá về công nghiệp - nhân dịp đồng chí vào thăm và làm việc với TP.HCM từ 16 đến 23-1-1985 (ảnh chụp ngày 18-1-1985). Ảnh: TTO
Đồng chí Trường Chinh (bìa phải) thăm hỏi, chúc tết và lắng nghe ý kiến của CBCNV Nhà máy dệt Thành Công - nơi "xé rào" đột phá về công nghiệp - nhân dịp đồng chí vào thăm và làm việc với TP.HCM từ 16 đến 23-1-1985 (ảnh chụp ngày 18-1-1985).

    Ta không thảo luận những vấn đề đang tranh chấp: thế nào là chủ nghĩa giáo điều, thế nào là chủ nghĩa xét lại, khuynh hướng nào lành mạnh, khuynh hướng nào ngụy biện, chỉ có việc chia rẽ là nguyên nhân chủ yếu làm cho mặt trận cách mạng suy yếu đi mà thôi.

    Nghị quyết này góp phần tăng cường đoàn kết trong Đảng và xã hội ta, bồi dưỡng ý chí chiến đấu của nhân dân ta, tranh thủ được sự ủng hộ rộng rãi của nhân dân thế giới. Phong trào ủng hộ Việt Nam đang lên mạnh mẽ ở khắp các châu lục, trong đó có phong trào phản đối chiến tranh ở nước Mỹ, hình thành mặt trận thứ hai cuộc kháng chiến của nhân dân ta. Nhận thấy dân tộc Việt Nam nhỏ bé đã đánh thắng Pháp lại đang làm cho Mỹ sa lầy ở Việt Nam, các dân tộc bị áp bức vùng dậy đấu tranh chấm dứt cái nhục mất nước và ách nô lệ nước ngoài, tâm lý sợ Mỹ, phục Mỹ cũng tan biến.

    Năm 1968, khi đội quân Mỹ đã tăng lên đến 500.000, lại có quân của nhiều nước chư hầu, một hạm đội, một lực lượng không quân hiện đại, ta mở chiến dịch lớn, dùng quân tinh nhuệ luồn sâu vào hệ thống cứ điểm của quân Mỹ, kể cả cứ điểm mạnh nhất ỏ Sài Gòn, mở một cuộc tập kích chớp nhoáng, bất ngờ, giáng cho quân Mỹ những đòn choáng váng. Cuộc tiến công này ta cũng phải chịu tổn thất không nhỏ, song thắng lợi về chính trị lớn hơn thắng lợi quân sự. Kế hoạch quân sự của Mỹ bị đảo lộn. Nhân dân Mỹ bất bình về cuộc chiến tranh phi đạo lý mà giới cầm quyền Mỹ đeo đuổi ở xa nước Mỹ cả vạn dặm, họ rầm rộ xuống đường, kéo đến cửa Nhà Trắng, Lầu năm góc đòi chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam. Tổng thống Mỹ phải tuyên bố không ra tranh cử vào năm sau, ngừng một phần cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân chống miền Bắc nước ta và ngỏ ý muốn tìm một giải pháp.

    Từ năm 1965, sức khỏe của Bác Hồ giảm sút. Người đề nghị tập thể Bộ Chính trị đảm đương mọi công việc, còn mình chỉ tham gia quyết định những công việc cần thiết và khuyên nhủ các đồng chí phải chăm lo củng cố đoàn kết của Trung ương và toàn Đảng. Trường Chinh, Lê Duẩn hợp tác chặt chẽ với nhau chuẩn bị những trận chiến đấu mới trên hai mặt trận quân sự, ngoại giao. Thắng lợi ở chiến trường quyết định thắng lợi ở bàn đàm phán.

    Ngày 2-9-1969, vị lãnh tụ kính yêu của toàn dân, toàn quân, toàn Đảng ta qua đời. Trước đau thương to lớn, qua lời điếu của Lê Duẩn, Đảng ta thề trước linh cữu của Người quyết tâm mang lá cờ bách chiến bách thắng đến đích cuối cùng.

    Tôn Đức Thắng được Quốc hội bầu thay Hồ Chí Minh làm Chủ tịch nước. Nguyễn Lương Bằng làm Phó Chủ tịch.

    Năm 1970, Níchxơn được bầu làm Tổng thông nước Mỹ, đưa ra học thuyết mang tên mình, từng bước rút quân Mỹ về nước, tiếp tục chiến tranh bằng quân ngụy được tăng cường là chủ yếu, gọi là Việt Nam hóa chiến tranh. Mỹ lại tranh thủ hòa hoãn với Trung Quốc, nhằm tìm kiếm một lối thoát cho cuộc chiến tranh của Mỹ mà vẫn giữ được miền Nam nước ta. Năm 1971, dưới sự chỉ huy của Mỹ, quân ngụy tập trung lực lượng mở chiến dịch Lam Sơn nhằm mục đích cắt đứt con đường của ta chi viện tiền tuyến. Ta cũng tập trung lực lượng tiêu diệt nhiều sư đoàn của quân ngụy và tiếp tục tiến công trên toàn mặt trận miền Nam. Kế hoạch Việt Nam hóa chiến tranh của Mỹ nhanh chóng phá sản. Tháng 10 - 1972, tại Hội nghị đàm phán Pari, ta đưa ra phương án một hiệp định giữa ta và Mỹ. Vấn đề tranh chấp chủ yếu là rút quân: Mỹ đòi Bắc Việt Nam và Mỹ cùng rút, ta đòi Mỹ đơn phương rút quân về nước, ở miền Nam, sau khi kết thúc chiến tranh, sẽ thành lập một chính quyền liên hợp ba thành phần: Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, các lực lượng của Chính quyền Sài Gòn và lực lượng thứ ba. Phía Mỹ khăng khăng bác bỏ, ta cũng kiên quyết không nhượng bộ.

    Nhằm mục đích buộc ta chấp nhận phương án của chúng, Mỹ mở cuộc tiến công bằng không quân chiến lược đánh Hà Nội, Hải Phòng. Ta kêu gọi đồng bào tạm thời sơ tán khỏi các thành phố. Sau 12 ngày đêm chiến đấu anh dũng, ta đã tiêu diệt hàng trăm máy bay địch, trong số đó có nhiều máy bay B52. Chiến dịch của chúng bị bẻ gẫy. Tháng 1 - 1973, Mỹ phải chấp nhận, ký Hiệp định Pari, phải cuốn cờ, lủi thủi rút quân về nước, song Mỹ vẫn cay cú bám giữ miền Nam nước ta bằng cách cự tuyệt việc thành lập chính quyền liên hợp, giúp quân đội Thiệu xâm lấn lãnh thổ, đẩy lùi Quân giải phóng. Bộ Chính trị quyết định kế hoạch hai năm đánh bại chính quyền phản động. Mùa xuân năm 1975, quân ta mở Chiến dịch Tây Nguyên đánh thẳng vào Buôn Ma Thuột, mắt xích quan trọng trong tuyến phòng thủ của địch kéo dài từ Quảng Trị đến Sài Gòn và đồng bằng Nam Bộ. Mắt xích này bị chặt đứt, tuyến phòng thủ của chúng bị chặt làm hai. Quân ngụy hoảng loạn, tan vỡ. Chỉ chưa đầy hai tháng cuộc tấn công của năm quân đoàn chính quy, bộ đội địa phương, dân quân, du kích toàn miền, bộ máy chính quyền và trên một triệu quân ngụy tan rã, sụp đổ nhanh chóng. Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta thắng lợi trọn vẹn, miền Nam được giải phóng, Tổ quốc được thống nhất, chế độ thực dân cũ và mới vĩnh viễn bị xóa bỏ, cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân được hoàn thành, đất nước ta chuyển sang giai đoạn quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

    Trường Chinh góp phần to lớn vào việc hoạch định chiến lược chính trị, chiến lược quân sự của cuộc kháng chiến chống Mỹ qua công tác chỉ đạo tập thể của Bộ Chính trị, Hội đồng Chính phủ, Quốc hội và bảo đảm sự vững vàng của mặt trận chính trị, tư tưởng, mà ông là người đứng đầu, là tổng tư lệnh. Động viên, giáo dục toàn dân ta trong cuộc kháng chiến trường kỳ 20 năm đánh thắng thế lực xâm lược lớn nhất, hung hãn nhất của mọi thời đại là thành công cực kỳ to lớn của Đảng ta. Bồi dưỡng tinh thần yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ý chí quật cường của đồng bào, chiến sĩ là chủ đề trung tâm của công tác tư tưởng do ông kiên trì chỉ đạo thực hiện. Ông trực tiếp chỉ đạo và tham gia công tác đào tạo cán bộ lãnh đạo, cán bộ tuyên truyền, cổ động, những người viết báo, viết văn, chỉ đạo trực tiếp báo Nhân Dân, Thông tấn xã, Đài phát thanh. Ông giảng dạy, viết báo, duyệt những bài viết có nội dung chính trị quan trọng.

    Quốc hội thống nhất do cuộc Tổng tuyển cử trong cả nước bầu ra đã quyết định đường lối xây dựng chủ nghĩa trên cả nước ta, đổi quốc hiệu là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bầu Hội đồng Nhà nước do Trường Chinh làm Chủ tịch, Nguyễn Hữu Thọ làm Phó Chủ tịch, ở cương vị người đứng đầu Nhà nước, ông chỉ đạo Quốc hội soạn thảo Hiến pháp mới và hệ thống pháp luật của nước nhà trong giai đoạn đầu xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa.

(Còn nữa)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com