[links()]
HOÀNG TÙNG
Nguyên Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng
(Tiếp theo)
Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ
Từ cuối năm 1960 đến đầu năm 1986, Trường Chinh là ủy viên Bộ Chính trị do các kỳ Đại hội lần thứ III, thứ IV, thứ V bầu lại.
Về công tác Đảng, ông tham gia lãnh đạo tập thể mọi công tác của Bộ Chính trị, phụ trách công tác lý luận, tư tưởng, thông tin, báo chí, công tác nông thôn.
Về công tác nhà nước ông lần lượt giữ chức vụ Phó Thủ tướng Chính phủ. Chủ tịch ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước. Khi là Phó Thủ tướng, ông trực tiếp phụ trách công tác văn hóa, giáo dục, khoa học.
Khi là Chủ tịch cơ quan lập pháp, ông chỉ đạo việc soạn thảo Hiến pháp lần thứ hai của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhiều luật dân sự, hình sự, từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật của nước nhà.
Trên hai mươi năm, vừa là người lãnh đạo Đảng, các cơ quan cao nhất của chính quyền và nhiều công tác cụ thể, Trường Chinh khéo xếp đặt thời gian công tác của mình, làm tròn mọi nhiệm vụ, tham gia lãnh đạo tập thể của Bộ Chính trị và Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội, Hội đồng Nhà nước, kết hợp sự lãnh đạo của Đảng với sự lãnh đạo chính quyền, công tác tư tưởng với công tác tổ chức.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (9/1960) (Ảnh:sggp) |
Sau khi đánh thắng thực dân Pháp, nhân dân ta phải lập tức đương đầu với cuộc chiến tranh đơn phương do chính quyền thân Mỹ phát động ở miền Nam. Tình hình quốc tế diễn biến phức tạp. Mâu thuẫn giữa Trung Quốc và Liên Xô âm ỉ từ lâu bùng nổ thành tranh chấp công khai. Cuộc tranh luận về đường lối cách mạng quốc tế càng ngày càng gay gắt, trong khi dân tộc ta phải trực tiếp đương đầu với Mỹ mưu toan biến miền Nam nước ta thành một thuộc địa kiểu mới, làm bàn đạp tiến công miền Bắc, dựng lên một con đê ngăn chặn làn sóng đỏ tràn xuống khu vực Đông Nam Á. Mâu thuẫn giữa các nước xã hội chủ nghĩa là điều kiện thuận lợi đối với Mỹ trong việc thực hiện âm mưu nói trên. Từ năm 1954, sau khi Pháp ký với ta Hiệp định Giơnevơ, Mỹ đã vội vã thành lập Liên minh quân sự Đông Nam Á, tăng thêm cố vấn quân sự, chính trị của Mỹ và viện trợ cho chính quyền Ngô Đình Diệm, chuyển bộ máy hành chính và quân đội của Pháp thành của Mỹ. Trường Chinh cùng với Trung ương Đảng hằng ngày chỉ đạo cuộc đấu tranh chống Mỹ ở miền Nam, khôi phục kinh tế ở miền Bắc, tăng cường lực lượng quân sự để sẵn sàng đương đầu với cuộc chiến tranh mới do Mỹ phát động, cả Liên Xô lẫn Trung Quốc muốn ngăn ngừa sự bùng nổ cuộc chiến tranh giữa Mỹ và Việt Nam. Chúng ta kiên trì tìm giải pháp hòa bình, trái lại, Mỹ hung hăng xông tới, mưu toan đè bẹp những lực lượng cách mạng của đồng bào ta trong một thời gian ngắn.
Bác Hồ đề nghị với Bộ Chính trị chuẩn bị một hội nghị của Trung ương thảo luận và quyết định về đường lối cách mạng chống Mỹ, giải phóng miền Nam và giao cho Lê Duẩn soạn thảo nghị quyết. Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng và các đồng chí ủy viên Bộ Chính trị đều tham gia việc chuẩn bị văn kiện quan trọng này. Từ những kinh nghiệm của cuộc chiến tranh nhân dân chống Pháp vừa mới kết thúc và những kinh nghiệm phong phú của dân tộc ta trước đây, Lê Duẩn tổng kết và phát triển lên một trình độ mới nhằm phát huy cao độ sức mạnh tiềm tàng của dân tộc ta đánh thắng thế lực xâm lược lớn nhất của mọi thời đại đã qua. Toàn ban lãnh đạo của ta, sau cuộc chiến tranh yêu nước chống Pháp đều trở thành những nhà chiến lược giàu kinh nghiệm. Trường Chinh là một trong những số đó. Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 15 tháng 5 - 1959 được thông qua đúng lúc đồng bào ta ở miền Nam đã bắt đầu vũ trang nổi dậy, nhanh chóng dẫn đến cuộc đồng khởi kết hợp với đấu tranh vũ trang của quần chúng. Mỹ phải dấn thân vào một cuộc chiến tranh lâu dài, cuối cùng thất bại hoàn toàn, đau đớn chẳng kém Pháp. Trong cuộc kháng chiến lần thứ hai, Trường Chinh phụ trách công tác tư tưởng, mặt trận mà ông đã là người chỉ huy trực tiếp từ những năm 1930 và trong quá trình chuẩn bị cuộc Cách mạng Tháng Tám và trong cuộc kháng chiến chống Pháp, nhiều khi trực tiếp xông trận bằng cây bút sắc bén của mình.
Sau Hội nghị Trung ương lần thứ 15, Bộ Chính trị đề nghị Trung ương quyết định triệu tập Đại hội lần thứ III của Đảng và giao cho Lê Duẩn chuẩn bị văn kiện chính trị.
Nhiều vấn đề quan trọng về đường lối, chính sách đã đặt ra trong chương trình nghị sự cần phải được phân tích, giải quyết đúng đắn trong giai đoạn cách mạng một nước bị chia cắt làm hai miền với hai chế độ đối địch.
Cách mạng cả nước đang ở giai đoạn nào, sự chỉ đạo chiến lược phải xử lý như thế nào để hạn chế chiến tranh ở miền Nam, giữ vững hòa bình ở miền Bắc, phối hợp chặt chẽ nhiệm vụ chiến lược cách mạng ở hai miền trong một chiến lược chung. Trước tình hình quan hệ phức tạp giữa các nước xã hội chủ nghĩa, ta phải thực hành chính sách đối ngoại như thế nào để thực hiện được trên thực tế mặt trận đoàn kết cách mạng quốc tế chống Mỹ, ủng hộ cuộc kháng chiến của Việt Nam chống Mỹ xâm lược. Thực hiện được chính sách như vậy, chúng ta có thể cầm chân Mỹ, góp phần tích cực bảo vệ các nước xã hội chủ nghĩa, thúc đẩy phong trào hòa bình, dân chủ, độc lập dân tộc, tiến bộ xã hội của các dân tộc và nhân loại tiến bộ. Chấp nhận cuộc đụng đầu lịch sử với Mỹ và thắng nó là một thắng lợi chung của nhân dân thế giới.
Đại hội lần thứ III bầu Ban Chấp hành Trung ương mới gồm 72 người.
Hồ Chí Minh được bầu lại làm Chủ tịch Đảng.
Lê Duẩn được bầu làm Bí thư thứ nhất. Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Lê Đức Thọ, Nguyễn Chí Thanh được bầu lại làm ủy viên Bộ Chính trị. Nắm vững tư tưởng, đường lối chính trị, nguyên tắc tổ chức của Đảng, tuyệt đại bộ phận cán bộ đoàn kết, nhất trí, tập hợp chung quanh Ban Chấp hành Trung ương do Bác Hồ đứng đầu, toàn tâm, toàn ý đẩy mạnh cuộc kháng chiên ở miền Nam, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, bảo đảm chi viện cho tiền tuyến lớn.
(Còn nữa)