Trường Chinh - Thân thế và sự nghiệp (Kỳ 11)

03:02, 21/02/2017

[links()]

HOÀNG TÙNG
Nguyên Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng

(Tiếp theo)

    Từ năm 1927, những nhà cách mạng đầu tiên của ta đọc Đường cách mệnh của Hồ Chí Minh. Sau Đại hội lần thứ VI Quốc tế Cộng sản dưới sự chỉ đạo của Xtalin, thông qua bản cương lĩnh cách mạng mẫu, những người cộng sản nước ta dựa vào các nghị quyết của Đại hội này soạn thảo Cương lĩnh cách mạng tư sản dân quyền, phê phán cương lĩnh do Hồ Chí Minh khởi thảo, giải thể Hội Việt Nam cách mạng thanh niên. Đại hội lần thứ VII Quốc tế Cộng sản phê phán đường lối do Đại hội lần thứ VI đề ra là tả khuynh, hẹp hòi, thông qua nghị quyết về thống nhất các lực lượng dân chủ chống nguy cơ chiến tranh phát xít.

    Năm 1936, Đảng ta chủ trương thành lập Mặt trận Dân chủ. Năm 1938, lại quyết định tạm gác nhiệm vụ cách mạng ruộng đất, thiết lập Mặt trận thống nhất dân tộc chống đế quốc.

    Năm 1941, Hồ Chí Minh và Trường Chinh thực hiện chuyển hướng chỉ đạo chiến lược, cương lĩnh cách mạng, đề xuất cương lĩnh cách mạng giải phóng dân tộc, thành lập Việt Nam độc lập đồng minh (Việt Minh) và các đoàn thể cứu quốc.

    Năm 1950, Trung ương Đảng quyết định triệu tập Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II. Trường Chinh được phân công soạn thảo Báo cáo chính trị, Lê Văn Lương soạn thảo Điều lệ và chuẩn bị nhân sự Ban Chấp hành Trung ương. Với tiêu đề Bàn về cách mạng Việt Nam, tiếp tục mạch tư tưởng của Hồ Chí Minh từ những năm 1920, nước ta phải bắt đầu làm cách mạng giải phóng dân tộc, làm xong cuộc cách mạng ấy, mới chuẩn bị từng bước chuyển sang cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa, và con đường cách mạng giải phóng dân tộc được thông qua tại Hội nghị Trung ương tám ở Pắc Bó. Trường Chinh xác định tính chất cuộc cách mạng mà nhân dân ta tiến hành từ những năm 1940 là cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân rồi quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân là tiền đề để tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa, còn cách mạng xã hội chủ nghĩa là xu thế tất yếu của cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Nhiệm vụ trước mắt là giữ vững Mặt trận thống nhất dân tộc, đẩy mạnh kháng chiến, hoàn thành nhiệm vụ của giai đoạn thứ nhất. Trong giai đoạn này cũng thực hiện một bước nhiệm vụ dân chủ, giữ vững vai trò chủ yếu của liên minh công nông, chính quyền, quân đội nhân dân, giảm tô, giảm tức, chia lại ruộng đất công, khuyến khích hiến điền, tịch thu ruộng đất của bọn chủ đồn điền thực dân và bọn Việt gian, nghĩa là trong giai đoạn thứ nhất đã thực hiện một phần nhiệm vụ của giai đoạn thứ hai. Phát biểu của Bác Hồ tại Đại hội, mang tiêu đề Báo cáo chính trị. Lời khai mạc nói vắt tắt về lịch sử cách mạng nước ta do Đảng ta lãnh đạo và những nhiệm vụ quan trọng trước mắt là đẩy mạnh kháng chiến. Đại hội thảo luận và thông qua báo cáo của Hồ Chí Minh, Trường Chinh, và quyết định ba nước Việt Nam, Campuchia, Lào có đảng cách mạng riêng của mình. Đảng của ta lấy tên mới là Đảng của những người lao động Việt Nam (viết gọn lại là Đảng Lao động). Những ngươi cộng sản Lào, Campuchia tách ra lập đảng riêng, cương lĩnh riêng của cách mạng nước mình. Ba đảng hợp tác với nhau theo nguyên tắc bình đẳng vì sự nghiệp giải phóng của nhân dân ba nước. Liên minh Việt, Miên, Lào sẽ được thành lập.

    Đại hội lần thứ II thông qua Điều lệ mới, bầu Ban Chấp hành Trung ương mới gồm 31 ủy viên chính thức và dự khuyết. Bác Hồ được bầu làm Chủ tịch, Trường Chinh được bầu làm Tổng Bí thư, Lê Duẩn, Hoàng Quốc Việt, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh được bầu là ủy viên Bộ Chính trị, Lê Văn Lương là ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị. Ban Bí thư gồm có: Trường Chinh, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Lê Văn Lương (Lê Đức Thọ được cử vào Nam Bộ, được bầu là ủy viên Trung ương, làm Bí thư Trung ương Cục mới thành lập).

    Đầu năm 1953, một cuộc Hội nghị Trung ương được triệu tập thông qua Nghị quyết chỉnh đốn tổ chức, cải cách ruộng đất. Quốc hội cũng được triệu tập để thảo luận và thông qua Luật cải cách ruộng đất. Trường Chinh được trao nhiệm vụ Trưởng ban cải cách ruộng đất mới được thành lập gồm có: Hoàng Quốc Việt, Lê Văn Lương, Hồ Viết Thắng. Trung Quốc phái sang một đoàn cố vấn cải cách ruộng đất, chỉnh đốn tổ chức, cố vấn cho Ban Tổ chức, Ban Tuyên huấn, Công an. Họ chuẩn bị đưa ra trước Bộ Chính trị của ta một kế hoạch đầy đủ: Thành lập các đội công tác, chỉnh đốn tổ chức đi liền với cải cách ruộng đất, phân định thành phần xã hội ở nông thôn, phân hạng địa chủ nhỏ, vừa, lớn, cường hào, ác bá. Địa chủ nhỏ là những người sở hữu ruộng đất gấp hai lần trung nông ở địa phương.

    Các đội công tác được chọn theo tiêu chuẩn thành phần xuất thân, được các cố vấn giới thiệu về chính sách, biện pháp, phương pháp phát động quần chúng chỉnh đốn tổ chức, cải cách ruộng đất, giới thiệu kinh nghiệm tiến hành chỉnh đảng, phát động quần chúng bần, cố nông cải cách ruộng đất ở Trung Quốc mà họ đã tham gia. Cuốn phim Bạch Mao Nữ, một điển hình cải cách ruộng đất ở nước họ được gửi sang để chiếu rộng khắp minh họa cho những bài giảng của họ gây ấn tượng sâu sắc, kích động mạnh mẽ tâm lý của người xem. Các đội công tác chịu sự chỉ huy trực tiếp của đoàn do Hồ Viết Thắng trực tiếp nắm, có Kiều Hiểu Quang, Trưởng đoàn cố vấn về chỉnh đốn tổ chức, cải cách ruộng đất tham gia; đoàn không chịu sự chỉ đạo của cấp ủy địa phương và tổ chức đảng ở cơ sở. Gọi là không dựa vào tổ chức cũ, họ thực hiện từng bước công tác: thăm nghèo, hỏi khổ những người nghèo nhất, không tham gia bất kỳ tổ chức nào trong sáu năm kháng chiến, chọn lọc những người tố cáo, kể khổ hăng hái nhất, nhiều khi bịa ra hoặc nói phóng đại cho bi đát, hấp dẫn, kết nạp họ vào đảng hoặc đội ngũ cốt cán, chỗ dựa tin cậy của cuộc vận động. Các hội nghị tố khổ diễn ra cả ngày, có khi kéo dài đến tận đêm khuya. Sau hội nghị tố khổ chuyển sang phân định thành phần giai cấp, phân loại địa chủ, tìm ra những kẻ gian ác đầu sỏ, có nợ máu. Sau đó, họp đại hội nông dân, lập hội nông dân trong cơ quan đảng dưới chính quyền, xử lý mọi việc ở xã. Xã nào cũng tổ chức những cuộc đấu, đánh gục những người đã bị tố cáo là bóc lột nhiều, gian ác nhất. Mỗi làng phải xử bắn một địa chủ hoặc cường hào để thị uy và tăng thêm khí thế của nông dân. Đấu xong thì họp hội nghị công bố việc chia lại ruộng đất, mở hội liên hoan.

    Chỉnh đốn tổ chức là chọn lọc lại đội ngũ cán bộ xã, huyện qua tố cáo của quần chúng. Những người xuất thân từ gia đình địa chủ, thậm chí phú nông, hoặc bản thân thuộc thành phần ấy, đều bị khai trừ hoặc giáng chức. Hàng trăm cán bộ được tổ chức đảng cài vào các tổ chức của địch làm việc cho ta, tức là thực hiện kế ngoài nó trong ta bị quy là người của địch giả danh là người của ta, nhiều người bị xử bắn. Sau ba đợt phát động quần chúng ở tất cả các tỉnh đồng bằng miền Bắc, tình hình đảo lộn, không khí rất nặng nề. Những người cộng sản trung thực anh dũng chống lại và kháng nghị lên Trung ương Đảng.

    Tháng 10 - 1956, một hội nghị của Trung ương được triệu tập để xem xét về cuộc vận động chỉnh đốn, cải cách này. Tình hình được làm rõ: nhiều người chỉ là phú nông, trung nông bị đôn lên thành địa chủ, địa chủ nhỏ bị đôn lên thành địa chủ lớn gian ác, đấu tố cả địa chủ kháng chiến; nhiều đảng viên và địa chủ bị giết oan. Ở miền Bắc nước ta, chỉ có trên một triệu hécta đất nông nghiệp. Phần lớn là công điền; địa chủ phần lớn là những người sở hữu vài ba mẫu ta hoặc cho vay nợ lãi, số địa chủ lớn rất ít. Trong ba năm phát động quần chúng rầm rộ, gây ra hỗn loạn, rốt cuộc chia cấp mới cho nông dân toàn miền có 200.000 hécta. Những địa chủ lớn đã bỏ chạy theo giặc, ruộng đất của chúng đã chia cho nông dân.

    Trước sai lầm nặng nề của cải cách ruộng đất, Trường Chinh nghiêm khắc tự phê bình và xin từ chức Tổng Bí thư. Hoàng Quốc Việt bị hạ chức từ ủy viên Bộ Chính trị xuống ủy viên Trung ương, Lê Văn Lương từ ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị xuống ủy viên dự khuyết Trung ương và đổi sang làm Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Hồ Viết Thắng bị bãi nhiệm ủy viên Trung ương dự khuyết.

    Hội nghị thông qua nghị quyết tự phê bình của Trung ương và kế hoạch sửa sai do Trường Chinh đích thân chỉ đạo.

    Hội nghị bầu Lê Duẩn làm Quyền Tổng Bí thư. Trong thời gian chờ Lê Duẩn bàn giao công việc của Trung ương Cục, ra Bắc nhận nhiệm vụ mới, Trung ương đề nghị Chủ tịch Đảng tạm thời kiêm nhiệm vụ Tổng Bí thư, và cử Võ Nguyên Giáp giúp Người xử lý công việc hằng ngày.

    Tháng 7 - 1957, Lê Duẩn ra Hà Nội điều hành công tác của Trung ương bên cạnh Chủ tịch Đảng.

(Còn nữa)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com