[links()]
HOÀNG TÙNG
Nguyên Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng
(Tiếp theo)
Không phải mọi người đều được như vậy. Dương Hạc Đính, Nguyễn Tuân (Kim Tôn), Ngô Đức Trì... bị địch quật ngã. Nhà tù, nhất là nhà tù phát vãng: Sơn La, Kon Tum, Buôn Ma Thuột, Côn Đảo, nơi ma thiêng nước độc, chỉ riêng bệnh sốt rét rừng cũng có thể giết chết con người chỉ qua một cơn sốt ác tính. Gốc ổi ở Sơn La, Hàng Dương ở Côn Đảo là nơi yên nghỉ ngàn thu của biết bao nhà cách mạng đã kiên cường đấu tranh vì độc lập của Tổ quốc, vì cuộc sống tự do, hạnh phúc của đồng bào.
Đặng Xuân Khu bị giam ở Nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội rồi bị đầy đi Nhà tù Sơn La. Ông anh dũng vượt qua hai cửa ải: sở mật thám, nhà tù, giữ vững tiết sạch, giá trong của người chiến sĩ cộng sản.
Chủ tịch UBTVQH Trường Chinh, Phó Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng và Phó Thủ tướng Phan Kế Toại (từ trái qua) tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa II (Hà Nội, tháng 7/1960). |
Nhà tù, như người ta thường nói chẳng khác gì địa ngục, nơi Diêm Vương, quỷ sứ có thể hành hạ con người theo ý muốn của chúng, ở các nhà tù của thực dân Pháp những năm 1930, những người cộng sản còn phải đối đầu với những đảng viên Quốc dân Đảng về quan điểm chính trị. Trong số đó có những nhà trí thức cao cấp và những người trước đó là cán bộ lãnh đạo đã rời bỏ Đảng này. Trường Chinh được anh em giao cho tham gia cuộc đấu tranh chống lại quan điểm chính trị của những người dân tộc chủ nghĩa hẹp hòi chống chủ nghĩa cộng sản bằng tờ báo bí mật viết tay, trình bày đường lối, mục đích cách mạng của Đảng ta, phê phán chủ trương, hành động của Quốc dân Đảng, cho rằng chỉ có những người trí thức, những người có của mới làm được cách mạng, đưa đất nước ta vào con đường tư bản chủ nghĩa kiểu châu Âu. Ta chủ trương một cuộc cách mạng của quần chúng. Họ chủ trương những cuộc binh biến của những hạ sĩ quan người Việt trong quân đội Pháp (Khởi nghĩa Yên Bái), ám sát bọn quan chức người Pháp, người Việt (giết tên Badin (Bazin), tri huyện Vĩnh Bảo, Phủ Dực). Cuộc đấu tranh của ta tranh thủ được nhiều nhân vật trọng yếu của Quốc dân Đảng ở Côn Đảo như: Tô Chấn, Phạm Tuấn Từ, Trần Huy Liệu,... Những người Quốc dân Đảng ở Sơn La cũng bị phân hóa, một số người sau đã trở thành đảng viên cộng sản.
Tai họa có khi là dịp tạo được điều lợi nếu ta làm chủ cuộc sống của mình. Bỏ tù, hành hạ những người cộng sản, bọn thực dân muốn hủy diệt cả thể xác lẫn tinh thần của họ. Người cộng sản không cam tâm chịu chết. Họ phải sống vì Tổ quốc, vì đồng bào, biến nhà tù thực dân thành trường học cách mạng. Họ đấu tranh chống âm mưu của kẻ thù, bảo vệ đội ngũ của mình, tổng kết kinh nghiệm thành công và thất bại, học tập lý luận, chính trị, văn hóa, công tác cách mạng thực tiễn. Trong 5 năm các tổ chức Đảng ở nhà tù đã rèn luyện được hàng nghìn chiến sĩ cho cuộc chiến đấu mới. Đặng Xuân Khu, khi mới vào tù còn là một đảng viên trẻ. Khi ra tù ông đã trở thành một nhà hoạt động cách mạng trưởng thành, một nhà chính trị, lý luận, nhà báo, nhà tổ chức có tài năng.
Cuộc khủng bố tàn bạo của chính quyền thực dân phá vỡ hệ thống tổ chức của Đảng và các tổ chức quần chúng của ta. Thoái trào cách mạng kéo dài trong gần 5 năm. Năm 1934, ủy ban hải ngoại của Đảng làm nhiệm vụ của Trung ương được thành lập ở Ma Cao do Lê Hồng Phong đứng đầu. Năm 1934, đồng chí đi học ở Liên Xô, Hà Huy Tập cũng học ở Liên Xô về thay thế. Đại hội Đảng lần thứ nhất được triệu tập họp ở hòn đảo thuộc địa này của Bồ Đào Nha. Dự Đại hội có đại biểu cả ba kỳ. Những vấn đề được thảo luận và thông qua tại Đại hội này là phương hướng, nhiệm vụ, phương pháp công tác, hình thức tổ chức nhằm khôi phục hệ thống tổ chức của Đảng và các đoàn thể quần chúng, phát động cuộc đấu tranh cách mạng theo tinh thần Cương lĩnh cách mạng tư sản dân quyền do Trần Phú khởi thảo và Hội nghị Trung ương thông qua tháng 10-1930. Một Ban chấp hành mới do Hà Huy Tập làm Tổng Bí thư được bầu ra. Các đồng chí ủy viên Trung ương lần lượt về nước hoạt động.
Năm 1936, Chính phủ Mặt trận Bình dân Pháp quyết định ân xá một số tương đối lớn những người tù chính trị ở Đông Dương. Trường Chinh, Lê Duẩn và nhiều cán bộ quan trọng khác được trả lại tự do trong dịp này.
Sau khi dự Đại hội lần thứ VII Quốc tế Cộng sản, Lê Hồng Phong được bầu làm ủy viên Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản. Sau đó, đồng chí đã cùng Nguyễn Thị Minh Khai, Hoàng Văn Nọn, thành viên Đoàn đại biểu Đảng ta, về nước hoạt động.
Việc khôi phục hệ thống tổ chức đảng và phong trào quần chúng nhanh chóng được thực hiện, nhất là sau khi Đảng Cộng sản và Đảng Xã hội Pháp hợp tác chiếm đa số trong Quốc hội Pháp, thành lập Chính phủ liên hợp cánh tả và Quốc tế Cộng sản chủ trương thành lập Mặt trận Dân chủ chống phát xít.
Ở Bắc Kỳ, các đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Hoàng Văn Thụ, Hạ Bá Cang, Đặng Xuân Khu, Tô Hiệu, Lương Khánh Thiện, Nguyễn Văn Minh... chủ động họp hội nghị lập lại Xứ ủy Bắc Kỳ do Nguyễn Văn Cừ làm Bí thư, Đặng Xuân Khu là ủy viên Thường vụ Xứ ủy.
Trung ương Đảng chủ trương, bên cạnh tổ chức và hoạt động bí mật, phải tranh thủ mở rộng hoạt động công khai bằng những hình thức linh hoạt, trước hết là công tác tuyên truyền, báo chí. Những người tù chính trị viết cho những tờ báo tiến bộ đang lưu hành hoặc nhân danh cá nhân xin phép xuất bản báo, tổ chức các đại lý báo chí cách mạng. Đặng Xuân Khu được phân công phụ trách công tác tuyên truyền báo chí công khai. Báo Tin Tức, báo Đời Nay lần lượt được xuất bản ở Hà Nội bằng tiếng Việt. Hai tờ báo tiếng Pháp lần lượt ra đời là Le Travail, Hasen Klemet. Cùng hoạt động với Đặng Xuân Khu ở Hà Nội có Trần Huy Liệu, Khuất Duy Tiến, Võ Nguyên Giáp, Phan Tử Nghĩa, Trần Đình Long, Trần Đình Tri, Nguyễn Văn Phúc, Văn Tân, Bùi Đăng Chi và nhiều người khác.
(Còn nữa)