HOÀNG TÙNG
Nguyên Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng
Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam do Hồ Chí Minh sáng lập vào tháng 2-1930 đến hết thế kỷ XX, đã có chín đồng chí lần lượt được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương. Trong số đó, hai đồng chí giữ chức vụ lâu nhất. Đồng chí Trường Chinh làm Tổng Bí thư hai lần: lần thứ nhất từ năm 1940 đến năm 1956, lần thứ hai, năm 1986. Đồng chí Lê Duẩn làm Tổng Bí thư từ năm 1957 đến năm 1986.
Hai đồng chí này đều bắt đầu hoạt động cách mạng trong Hội Việt Nam cách mạng thanh niên và trở thành đảng viên cộng sản năm 1930, cùng công tác trong Ban Tuyên truyền của Ban Chấp hành Trung ương lâm thời được Hội nghị hợp nhất bầu ra do đồng chí Trịnh Đình Cửu chỉ đạo, cùng bị địch bắt năm 1930 và được trả lại tự do năm 1936.
Cố TBT Trường Chinh (1907 - 1988) |
Công lao to lớn của đồng chí Trường Chinh gắn liền với sự nghiệp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945, hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và sau khi người lãnh đạo cao nhất của Đảng ta là đồng chí Lê Duẩn qua đời, đã khởi xướng nhiều chủ trương rất quan trọng của công cuộc đổi mới.
Di sản của đồng chí Trường Chinh cùng với di sản của Bác Hồ, đồng chí Lê Duẩn và các đồng chí lãnh đạo khác hợp thành kho tàng quý báu của cách mạng nước ta.
Đồng chí Trường Chinh sinh ở làng Hành Thiện, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định, một làng nổi tiếng từ lâu ở nước ta về văn hóa, có nhiều danh nhân văn hóa, nhà yêu nước và cách mạng.
Ông họ Đặng, tên là Xuân Khu. Họ Đặng ở Hành Thiện có nhiều chi và là một chi của mấy chi ở nhiều tỉnh của cả nước ta. Cụ Đặng Xuân Bảng, ông nội Đặng Xuân Khu, đỗ tiến sĩ đời Tự Đức, làm Tuần phủ tỉnh Hải Dương. Vì không đẩy lui được quân Pháp chiếm tỉnh này trong cuộc tiến công xâm lược Bắc Kỳ lần thứ nhất, cụ bị giáng chức. Sau đó, được chuyển sang ngạch học quan, làm đốc học tỉnh Nam Định. Cụ Tuần Đốc, người ta gọi như vậy, còn là một nhà sử học; cụ để lại nhiều tác phẩm như: sử học bí khảo, Việt Sử cương mục tiết yếu, Cổ nhân ngôn hành lục, …
Cụ thân sinh của vị Tổng Bí thư sau này của Đảng ta là Đặng Xuân Viện, một nhà nho uyên bác nhưng không đỗ đạt. Cụ học chữ quốc ngữ rồi trở thành một nhà báo, viết cho nhiều tờ báo lớn xuất bản ở Hà Nội như Nam Phong, Trung Bắc Tân văn, Ngọ báo. Cụ là một nhà trí thức khảng khái, một người yêu nước nồng nàn. Khi có người trình bày với cụ tư tưởng trung tâm của chủ nghĩa Mác là giải phóng nhân loại, xây dựng một thế giới mới, cụ nói: Tôi hoàn toàn tán thành, các bậc tiên nho cũng đã bàn về thuyết đại đồng rồi, anh nói với Khu, con tôi, rằng, tôi rất đồng ý và mong cho các anh thành công.
Đặng Xuân Khu kết duyên với Nguyễn Thị Minh, người cùng làng. Họ Nguyễn Thế cũng là một họ có nhiều nhà trí thức nổi tiếng. Nguyên Thế Rục, cử nhân kinh tế học, người cùng học với Trần Phú ở Liên Xô, là anh họ bà Minh.
Xuất thân từ một gia đình văn hóa có nền nếp, bà Minh hết lòng kính trọng cha mẹ, yêu quý chồng, chăm nghề canh cửi. Ông bà sinh được bốn người con, một gái, ba trai, sau này đều là những trí thức cách mạng.
Là học sinh Trường Thành Chung (Tiểu học cao đẳng ở thành phố Nam Định), năm 18 tuổi (1925), Đặng Xuân Khu tham gia cuộc bãi khóa của toàn trường đòi trả lại tự do cho Phan Bội Châu, và năm sau, để tang Phan Chu Trinh. Ông đọc báo Thanh niên, biết Nguyễn Ái Quốc. Đường cách mệnh giác ngộ ông về lý tưởng cách mạng. Ông trở thành một người hoạt động tích cực của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên rồi trở thành đảng viên cộng sản.
Sau khi tốt nghiệp Trường Tiểu học cao đẳng, ông lên Hà Nội học Trường cao đẳng Thương mại. Lúc ông vào học, ở trường này đã có những hoạt động của Đảng Cộng sản và Quốc dân Đảng. Phía ta có Đặng Xuân Khu, Khuất Duy Tiến, Ngô Đức Trì; phía Quốc dân Đảng có Nguyễn Thái Học và một số người khác.
Sau cuộc binh biến ở Yên Bái, tháng 2-1930 do Quốc dân Đảng chủ trương, cao trào cách mạng công, nông và cuộc Khởi nghĩa Nghệ - Tĩnh nổ ra, chính quyền thực dân Pháp mở một cuộc khủng bố trắng. Tổn thất của cả hai đảng hết sức nặng nề. Hệ thống tổ chức của Đảng Cộng sản và Quốc dân Đảng đều bị địch phá vỡ từ Trung ương đến cơ sở. Quần chúng cách mạng bị đàn áp đẫm máu. Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Phong Sắc bị địch xử tử. Toàn bộ các thành viên của Ban Chấp hành Trung ương do Trần Phú đứng đầu bị địch bắt. Sau mấy tháng bị giam ở khám lớn Sài Gòn, đồng chí Tổng Bí thư của chúng ta qua đời. Phía Quốc dân Đảng, Nguyễn Thái Học, Phó Đức Chính, Đoàn Trần Nghiệp... bị xử tử.
Hoạt động cách mạng của những người cộng sản được tiếp tục ở các nhà tù. Các đồng chí của chúng ta ở trong tình cảnh trần trụi trước bày sói dữ. Sự tra tấn ở sở mật thám là một thử thách cực kỳ ác liệt. Người bị tra tấn có thể bị đánh chết trong chốc lát. Trần Phú, Lý Tự Trọng cùng biết bao đồng chí khác đã kiên cường chịu mọi cực hình mà không khai báo gì với kẻ thù. Trần Phú nói thẳng với tên chánh mật thám: các ông làm nhiệm vụ của các ông, tôi làm nhiệm vụ của tôi. Những việc của Đảng tôi không thể nói với các ông. Một đoàn nghị sĩ Pháp đến buồng giam tù tử hình, nơi giam Lý Tự Trọng. Họ nói với anh: Những người khôi ngô như các anh, nếu chăm chỉ học hành, thì khó gì mà không thành đạt. Trọng ôn tồn trả lời: "Tôi không phải là người sinh ra để ăn thứ cơm ấy".
(Còn nữa)