[links()]
Đại tướng Văn Tiến Dũng
(Tiếp theo)
Lần thứ ba là trong cuộc họp Xứ ủy Bắc Kỳ ở làng Đình Bản ngay tại nhà đồng chí Lê Quang Đạo cuối mùa Xuân năm 1944 do đồng chí Trường Chinh chủ trì. Sau khi nghe báo cáo tình hình phong trào Việt Minh phát triển ở địa phương, khí thế chuẩn bị Tổng khởi nghĩa và chuẩn bị tổ chức các lực lượng vũ trang, huấn luyện quân sự cho cán bộ và dân quân đặt ra bàn luận nhiều. Cuối cùng đồng chí đề xuất người thay đồng chí Hoàng Quốc Việt và đề cử tôi trong Thường vụ Xứ ủy phụ trách về tổ chức. Các đồng chí dự hội nghị nhất trí. Đồng chí Trường Chinh thay mặt Trung ương trao cho tôi trách nhiệm làm Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ thay anh Việt được cử đi làm một công tác đặc biệt. Cuối cùng đồng chí dặn dò những công việc cần quan tâm đẩy mạnh để chấp hành Nghị quyết của Thường vụ Trung ương họp ở Võng La, tập trung xây dựng và đẩy mạnh phong trào cách mạng ở các thành phố.
Cố TBT Trường Chinh xem một số đề án xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh (9-2-1978). Ảnh: TTXVN |
Lần thứ tư, sau bốn tháng bị bắt giam ở sở mật thám Hà Nội rồi chuyển về nhà lao Bắc Ninh đợi ngày ra tòa, tôi đã được Xứ uỷ Bắc Kỳ và Đảng bộ Bắc Ninh tận tình tìm mọi cách để vượt ngục. Đồng chí Nguyễn Văn Trân, Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ thay tôi, theo ước hẹn tôi nhắn ra, đã mạo hiểm lên gặp tôi ở phòng đợi Tòa án để bàn cách tổ chức trốn, mặc dù lệnh của Công sứ Bắc Ninh là phải cùm tôi trong xà lim suốt đêm ngày. Sau khi tìm nhiều cách để vượt ngục nhưng chưa được, tôi đề nghị ra ngoài xin chỉ định một đồng chí tù chính trị cũng bị giam ở phòng riêng ra cùng với tôi thì mới thoát. Đồng chí Nguyễn Đức Phùng tức Lê Quang Tuấn nhận nhiệm vụ cùng tôi gặp bàn kế hoạch vượt nhà lao khá tỉ mỉ, mạo hiểm nhưng rất bất ngờ. Đúng 3 giờ sáng ngày 27-12-1944 tôi đã cùng đồng chí Nguyễn Đức Phùng vượt qua tường nhà lao sang trại lính khố xanh và qua tường trại lính vượt ra đồng trốn thoát về với Đảng, với nhân dân. Rồi tôi bị ốm nặng tưởng chừng không qua khỏi. Tôi đã được các đồng chí và cơ sở cách mạng bảo vệ chăm sóc tận tình và được đồng chí Sao Đỏ - Nguyễn Lương Bằng - sau đảo chính Nhật - Pháp qua chợ Cổ Loa đến thăm và chuyển lời thăm hỏi của đồng chí Trường Chinh chúc mừng chóng khỏi vì thời cơ tung hoành đến gần rồi. Đồng chí Sao Đỏ xem bệnh áp tai vào ngực tôi và nói: cậu bị sưng phổi rồi. Hai ngày sau đó hai ông thuốc Đagênăng được gửi tới. Bệnh của tôi lui dần và cơ thể dần hồi phục, tôi bắt đầu tập thể dục đều. Cuối tháng 3-1945 tôi nhận được thư đồng chí Trường Chinh. Nỗi vui mừng không sao tả xiết. Đồng chí hỏi thăm sức khỏe và hẹn ngày gặp trên đoạn đường làng Dâu đi Đông Anh. Đúng hẹn tôi ngồi trong quán nước nhìn xa xa thấy một người quần trắng, áo dài thâm, đội khăn, khoác ô đang đi tới. Đúng là anh rồi, đồng chí Tổng Bí thư. Tôi từ trong quán ra đi ngược lên. Chúng tôi gặp nhau bắt tay thân thiết, không dám ôm nhau. Anh nhìn tôi từ đầu tới chân, vui mừng lộ rõ trên nét mặt hiền từ, độ lượng, âu yếm. Chúng tôi cùng ung dung đi, từ xa có đồng chí bảo vệ. Tôi báo cáo vắn tắt tình hình từ lúc bị bắt, rồi cuộc vượt ngục đến giờ. Anh kéo tôi ra chỗ vắng, phổ biến nhận định của Trung ương về tình hình phong trào, đặc biệt là chỉ thị mới nhất, một chỉ thị thể hiện sự sáng suốt, nhạy bén của Đảng trong chỉ đạo chiến lược. Đó là Chỉ thị: Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta. Anh giao nhiệm vụ cho tôi đúng ngày 10-4 tôi sẽ lên đường đi chiến khu để dự Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ do Trung ương triệu tập. Trước khi chia tay, anh chỉ tay ra một quán gạch giữa đồng, tươi cười bảo: "Có một đồng chí đang đợi anh ngoài ấy". Tôi từ biệt anh rồi bước nhanh tới quán. Hóa ra là chị Bắc vợ tôi, một cô gái ăn mặc tân thời đang đứng đó. Chị vui mừng vì chúng tôi xa nhau đã hơn bảy tháng kể từ khi tôi bị bắt. Chị nói: "Bí danh của em bây giờ là Kỳ do anh Trường Chinh đặt cho. Có lẽ do anh ấy nhớ cậu con trai cả xa cách lâu ngày cũng tên là Kỳ. Em phải mặc thế này để ngày mai đi Sài Gòn mang chỉ thị của Trung ương đưa vào Xứ ủy Nam Kỳ". Chúng tôi bịn rịn nhắc nhau hoàn thành nhiệm vụ, an toàn, giữ sức khỏe. Chia tay nhau, chúng tôi hẹn gặp lại sau cách mạng thành công. Lại thêm một hạnh phúc bất ngờ mà anh mang lại cho tôi.
Tại Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ do anh trực tiếp chủ trì, tôi được cử vào ủy ban quân sự cách mạng Bắc Kỳ, phụ trách Chiến khu Hòa - Ninh - Thanh, làm ủy viên thường trực cùng đồng chí Lê Thanh Nghị và Trần Đăng Ninh. Có thể nói anh đã khai sinh "binh nghiệp" trong hành trang cách mạng của tôi.
Tôi muốn nhắc thêm hai cuộc gặp nữa với những chỉ thị in sâu vào tâm trí của tôi.
Đấy là vào khoảng tháng 10-1949, tôi đang là Cục trưởng Chính trị - Bộ Quốc phòng thì được điều về Liên khu III làm Chính ủy Bộ Tư lệnh Liên khu III, tôi được anh hẹn gặp. Sau khi nói rõ ý định của Thường vụ Trung ương và Bác Hồ đối với đồng bằng Liên khu, anh nắm chặt tay tôi dặn dò ân cần : "Hãy cố gắng cùng các đồng chí trong Liên khu ủy và Bộ Tư lệnh đưa cuộc đấu tranh ở đồng bằng lên một bước mới. Sự đoàn kết nhất trí trong cơ quan lãnh đạo là điều kiện trước tiên để đưa phong trào vượt qua khó khăn".
Cuộc gặp lần thứ hai trong kháng chiến mà tôi nhớ mãi đến nay là khi kết thúc Hội nghị chiến tranh du kích Bắc Bộ do Tổng Quân ủy triệu tập, anh gọi tôi sang làm việc. Anh muốn hỏi tôi thêm nhiều điều trong bản báo cáo tổng kết kinh nghiệm chống càn, nhất là cuộc càn của địch mang tên "Mécquya" (Mercure) ở Thái Bình với ý định bắt gọn, nếu không thì cũng loại ra ngoài vòng chiến, Đại đoàn 320 mà tôi trình bày trong Hội nghị. Anh chăm chú nghe, cùng tôi bàn bạc thoải mái, thân tình. Đó là thói quen của anh, thật giống phong thái của Bác Hồ. Cuối cùng, anh nhắc tôi: "ở dưới đó, quân sự phải gắn liền với bảo đảm quyền lợi của nhân dân ở đồng bằng, nhân dân là nông dân. Phải quan tâm tới đời sống, sản xuất của nông dân. Trong mọi hành động lập trường phải vững, phải phân biệt bạn, thù, ta cho rõ ràng”.
Vào mùa hè năm 1953 (29-6-1953) chúng tôi đang tập trung hoạt động mở rộng vùng kiểm soát của ta trong vùng địch hậu ở đồng bằng sông Hồng thì tôi rất vui nhận được cuốn sách của anh gửi tặng. Đó là cuốn của Nguyên soái K. Vôrôsilôp viết về "Xtalin và các lực lượng vũ trang Liên bang Xôviết". Anh dặn tôi tranh thủ thời gian đọc kỹ chắc sẽ có ích, biết thêm được nhiều điều cần cho một cán bộ quân sự.
Đối với tôi, anh Trường Chinh là một người thầy tinh thần, hướng dẫn dìu dắt tôi trên con đường cách mạng, một người anh luôn luôn quan tâm, chăm lo đến sự trưởng thành và tiến bộ của tôi, đến hạnh phúc cá nhân của tôi. Anh là người mà ngoài Bác ra, đã có ảnh hưởng sâu đậm nhất đối với sự nghiệp của bản thân tôi, để lại trong lòng tôi những tình cảm, lòng kính phục sâu sắc. Cho đến bây giờ, mỗi khi nhắc đến anh, tôi vẫn tâm niệm phải noi theo tấm gương về phong cách và đạo đức mẫu mực của anh.
Là một nhà lãnh đạo có uy tín lớn về tư duy, anh còn cảm hóa mọi người bằng đức độ và nhân cách cao đẹp. Anh luôn quan tâm đến sự tiến bộ, trưởng thành của cán bộ, chân thành với mọi ngươi, chan hòa thân mật, không quan cách, thông cảm với khó khăn, nâng đỡ khi vấp ngã. Anh rất sâu sắc trong tư duy, nghiêm túc trong hành động, biết lắng nghe mọi ý kiến dù trái với mình. Một con người rất mực đạo đức, cẩn trọng và tỉ mỉ đúng với những bí danh mà anh đã lấy: "Toàn", "Nhân" và "Thận". Một đức tính cực kỳ quý mà anh học được ở Bác là lấy đoàn kết làm trọng, luôn bảo vệ sự đoàn kết trong Đảng như "con ngươi của mắt mình".
Anh mãi mãi xứng đáng với tình yêu thương và lòng kính trọng sâu sắc của đồng bào, đồng chí./.