Đồng chí Trường Chinh – Người học trò xuất sắc, ý hợp tâm đầu của Chủ tịch Hồ Chí Minh (Kỳ 5)

04:01, 10/01/2017

[links()]

Đại tướng Văn Tiến Dũng

(Tiếp theo)

    Cuối cùng xin được nói đôi lời về con người anh Trường Chinh. Với anh, tôi có nhiều kỷ niệm không thể nào quên. Một số lần gặp anh đã để lại trong lòng tôi những ấn tượng mà thời gian không thể xóa mờ.

    Lần đầu tiên được trực tiếp gặp anh là vào đầu năm 1938 trong một lớp chính trị cho anh chị em công nhân, đảng viên mới và cảm tình Đảng trong Liên đoàn Lao động Hà Nội mà tôi là một ủy viên Ban Thường trực. Anh là giảng viên lên lớp cho chúng tôi về chế độ Xôviết và chế độ tư bản. Đó là một bài học củng cố niềm tin vào lý tưởng, vào sự đúng đắn của con đường đã chọn mà anh đã truyền cho chúng tôi với những lý lẽ thuyết phục, lời nói giản dị nhưng cặn kẽ, truyền cảm, thấm vào lòng người.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí: Phạm Văn Đồng (thứ 2 từ phải sang), Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh sau giờ họp Hội nghị Trung ương lần thứ VI (tháng 7-1954). Ảnh tư liệu.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí: Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp sau giờ họp Hội nghị Trung ương lần thứ VI (tháng 7-1954). Ảnh tư liệu.

    Lần thứ hai, gần hai tháng nữa đến ngày kỷ niệm Quốc tế Lao động 1-5 năm đó. Để chuẩn bị tổ chức tốt cho ngày lễ có ý nghĩa lớn này, Xứ ủy Bắc Kỳ, Thành ủy trực tiếp trao cho Liên đoàn Lao động Hà Nội, thành viên chủ chốt trong Mặt trận Dân chủ đứng ra chuẩn bị và tổ chức nhằm tập hợp rộng rãi các đoàn thể công nhân lao động tiểu thương, tiểu chủ, nhóm Tin Tức, báo công khai của Đảng, Đoàn Thanh niên, nhóm Tự lực văn đoàn, các nhân sĩ trí thức tiến bộ, Chi nhánh Đảng Xã hội Pháp (SFIO).

    Từ mấy hôm trước tất cả các tổ chức quần chúng của ta đã nô nức chuẩn bị băng, cờ, khẩu hiệu, đó là sự chuẩn bị say sưa, sôi nổi của các tổ chức quần chúng, các đoàn thể, mọi người bồn chồn hớn hở chào đón ngày hội lao động này.

    Ngày 1-5 đã tới. Từ sáng sớm các đoàn thể, tổ chức quần chúng (mà Liên đoàn Lao động là nòng cốt) đã hàng ngũ chỉnh tề từ các phía khác nhau đổ về Quảng trường Nhà Đấu xảo (nay là Quảng trường Cung văn hóa Hữu nghị). Nông dân, dân nghèo ở ngoại ô cũng nô nức kéo vào rất đông. Tất cả đều được tổ chức rất trật tự. Bọn cảnh sát, sen đầm và mật thám được huy động đông chưa từng thấy. Chúng sẵn sàng kiếm bất cứ một cớ nhỏ nhặt nào để phá cuộc mít tinh. Nhưng trước trật tự rất nghiêm chỉnh của quần chúng, bọn địch đành hậm hực khoanh tay đứng nhìn.

    Khoảng hơn 7 giờ sáng, hơn 2 vạn người đã đứng kín Quảng trường Nhà Đấu xảo. Những lá cờ đỏ rất lớn của các đoàn thể được giương cao bay lồng lộng trên cả một rừng băng, biểu ngữ, khẩu hiệu ủng hộ Mặt trận Bình dân Pháp: "Cơm áo", "Tự do", "Hòa bình".

    Trên bục cao, đại diện của Mặt trận Dân chủ Đông Dương tiến ra long trọng tuyên bố khai mạc cuộc mít tinh trong tiếng vỗ tay vang dậy. Bài Quốc ca Pháp được cất lên, tiếp đó là bài Quốc tế ca, Quảng trường im đến nín thở. Tôi đứng đấy mà cảm giác như máu đang dâng lên tràn đầy huyết quản. Sung sướng quá. Đảng ta thật là vĩ đại. Cảm động sung sướng hơn nữa là khi bài Quốc tế ca vừa được hát vang thì trên biển người tập họp đã bay lên những lá cờ đỏ thắm. Nhiều đồng chí không kìm nổi xúc động đã nhảy lên hô vang các khẩu hiệu: "Ngày Quốc tế Lao động 1-5 muôn năm!", "Ủng hộ Mặt trận Bình dân Pháp", "Hòa bình", "Cơm áo", "Tự do".

    Sau đó các đại biểu lần lượt lên diễn đàn, đại biểu công nhân rồi đại biểu phụ nữ, tiếp đó là đại biểu nông dân, đại biểu trí thức và chi nhánh Đảng Xã hội Pháp. Đồng chí Trường Chinh đã tham gia cuộc mít tinh lớn này. Cuối cùng, "đỉnh" của cuộc mít tinh trọng thể này là: anh Trần Huy Liệu đại diện của nhóm Tin tức (nhóm cộng sản công khai) lên phát biểu, cả biển ngưòi im phăng phắc như nuốt lấy từng lời của anh. Khi anh vừa dứt lời, những tràng vỗ tay nổ ra như sấm dậy. Tất cả trái tim của chúng tôi một lần nữa rung lên trong niềm xúc động lớn. Chúng tôi hiểu rằng quần chúng bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ không chỉ do bài diễn văn chứa đựng một nội dung súc tích, hợp với ý nghĩ và lòng mong muốn của mọi người mà chính là muốn bày tỏ tình cảm nồng nhiệt của mình đối với Đảng Cộng sản Đông Dương, rõ ràng Đảng ta đã chiếm được vị trí cao nhất và sâu sắc trong trái tim của quần chúng.

    Sau cuộc mít tinh, các đoàn thể quần chúng đã kéo đi tuần hành qua các đường phố theo kế hoạch và hô vang các khẩu hiệu ủng hộ Mặt trận Bình dân Pháp, đòi tự do, dân chủ, v.v.. Cuộc mít tinh tuần hành đã thắng lợi rõ rệt. Có thể nói đây là đỉnh cao của cuộc tổng diễn tập lần thứ hai của Đảng ta kể từ sau phong trào Xôviết Nghệ - Tĩnh. Nó không những gây tiếng vang lớn trong cả nước mà còn lan sang cả đất Pháp.

    Trước cao trào sôi nổi rộng khắp trong các thành phố và nông thôn dưới sự lãnh đạo của Đảng ta, bọn thực dân Pháp bị kẹt bởi chính sách mới của Chính phủ Mặt trận Bình dân bên chính quốc, nên một mặt chúng tìm mọi cách hạn chế và đối phó với phong trào đấu tranh, mặt khác, chúng bắt buộc phải giở các trò mị dân. Việc tổ chức bầu cử bổ sung vào cái gọi là "Viện dân biểu Bắc Kỳ" cũng là một trong những trò mị dân ấy. Đảng ta đã không bỏ lỡ cơ hội này. Trung ương và Xứ ủy Bắc Kỳ đã quyết định đưa anh Khuất Duy Tiến, một trong số những đồng chí cán bộ của Đảng có uy tín trong quần chúng, ra ứng cử đại biểu liên danh trong Mặt trận Dân chủ Đông Dương cùng với một số nhân sĩ, trí thức tiến bộ khác là đảng viên Chi nhánh Đảng Xã hội Pháp.

    Cuộc vận động bầu cử này rất sôi nổi và mạnh mẽ, tất cả các hội ái hữu công nhân các ngành, các tổ chức thanh niên, các giới trí thức, tiểu thương, tiểu chủ có cảm tình với cách mạng đều được huy động vào cuộc tranh cử này. Thực dân Pháp đã không tiếc bỏ tiền ra đưa tên Thanh, một viên kỹ sư ra ứng cử và là con nuôi của tên Thông sứ Saten nhằm mua chuộc các cử tri. Nhưng kết quả anh Khuất Duy Tiến đã trúng cử với số phiếu cao nhất vào "Viện dân biểu Bắc Kỳ", chứng tỏ uy tín của Đảng rất cao.

    Trước thắng lợi đó, một cuộc mít tinh đã được tổ chức nhanh chóng trên đê sông Hồng gần cột đồng hồ. Trước sự kiện kịp thời và có ý nghĩa đó, tổ chức đã cử một đồng chí đại biểu công nhân lên phát biểu, nhưng đồng chí này do quá xúc động không nói được. Lập tức hàng loạt công nhân đã làm hàng rào vây quanh bảo vệ và hai đồng chí công nhân đã công kênh đồng chí Trường Chinh lên phát biểu. Đồng chí vừa nói được một đoạn thì một đoàn cảnh sát cầm dùi cui xuống xe xông vào đám đông đánh mấy anh vây quanh đồng chí Trường Chinh. Phản đối việc đánh người, phản đối việc bắt người! Khẩu hiệu vang lên trong anh em công nhân. Chúng bắt đồng chí Trường Chinh và một số anh em công nhân khác đưa ra xe. Gần đó, tôi và hai đồng chí công nhân khác cũng bị bắt, chúng đưa chúng tôi về bốt Hàng Trống. Trước sự việc đó mọi người lại đã hô vang khẩu hiệu " Đòi tự do, dân chủ, không được vô cớ bắt bớ” và đòi bọn chúng phải trả tự do cho những anh em bị bắt. Tại nơi giam giữ chúng tôi, bọn địch bắt khai lý lịch và nộp phạt vi cảnh. Đồng chí Trường Chinh và số anh em bị bắt chúng đưa về giam ở các chỗ khác và cũng được thả ra hôm sau, chúng tôi cũng vậy.

    Cuộc đấu tranh biểu dương thắng lợi kịp thời lúc đó là cần thiết, mọi người rất đồng tình hoan nghênh không thể rút lui trong tình thế đó, nhưng cũng lẻ tẻ có ý kiến cho rằng với đồng chí Trường Chinh đúng ra là không nên làm thì hơn.

(Còn nữa)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com