Người gắn bó cả cuộc đời với âm nhạc dân gian

04:01, 06/01/2017

Đại tá, Nhạc sĩ, NSND Nguyễn Tiến (tên thật là Nguyễn Văn Tiến), sinh năm 1953 tại Thành phố Nam Định. Trong hoạt động nghệ thuật, NSND Nguyễn Tiến đạt nhiều thành công trên 2 lĩnh vực: nghệ thuật biểu diễn và sáng tác ca khúc. Ông tâm sự: “Danh hiệu NSND trao cho tôi với vai trò một nghệ sĩ đàn bầu, đạo diễn, chỉ huy âm nhạc. Còn Giải thưởng Nhà nước dành cho cụm các ca khúc: “Hoa cau vườn trầu”, “Phú nước non”, “Chiều mưa Hà Nội”, “Chiều xứ Lạng”, “Nhớ đêm giã bạn” và khí nhạc: “Ngũ quả mừng xuân”, “Hồn Việt”. Tuy hai lĩnh vực này không liên quan đến nhau nhưng hỗ trợ tôi rất nhiều trong quá trình lao động sáng tạo nghệ thuật”.

Vinh dự 2 lần được biểu diễn, phục vụ Bác Hồ

Trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật của mình, nhạc sĩ, NSND Nguyễn Tiến đã vinh dự 2 lần được gặp, biểu diễn phục vụ Bác Hồ. Hơn nửa thế kỷ trôi qua, trong tâm thức của NSND Nguyễn Tiến luôn in đậm hình ảnh cao đẹp và những lời chỉ bảo sâu sắc của Hồ Chủ tịch. NSND Nguyễn Tiến nhớ lại: Năm lên 10 tuổi, tôi vinh dự được biểu diễn đàn bầu cho Bác Hồ nghe trong lần Người về thăm Nam Định. Khi đó, dù còn nhỏ tuổi nhưng chúng tôi rất xúc động khi được biểu diễn phục vụ Bác Hồ. Mỗi tiết mục, không ai bảo ai nhưng mỗi người đều cố gắng biểu diễn thật tốt. Tôi nhớ khi tôi độc tấu xong bài “Lý hành vân” (dân ca Huế), Bác Hồ đã rất xúc động. Ngồi trên hàng ghế đầu, Người vẫy tay gọi tôi ra sát mép sân khấu và bốc thưởng một nắm kẹo. Tôi xúc động, thưa: “Bác cho cháu ngồi cạnh Bác!”. Người giơ tay đỡ tôi, ngồi bên chụp ảnh lưu niệm. Tấm ảnh được ngồi trong lòng Bác đến nay tôi vẫn nâng niu lồng trong khung kính, treo chỗ trang trọng nhất trong nhà...

Năm 1966, gia đình tôi và gia đình nghệ sĩ Ái Vân, Ái Xuân được mời vào Phủ Chủ tịch biểu diễn phục vụ đoàn khách ngoại giao sang thăm Việt Nam, tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì chuyến đi của đoàn khách bị hoãn lại. Buổi tối hôm đó chúng tôi biểu diễn trong phòng gương ở Phủ Chủ tịch, tôi nhớ có các bác Trường Chinh, Phạm Văn Đồng... Bác Hồ là người vào sau cùng. Tôi rất xúc động khi lần thứ hai trong đời được gặp Bác. Hình ảnh Bác thật giản dị trong bộ quần áo nâu. Nhìn thấy các cháu nhỏ, Bác tươi cười, giọng hiền hậu: “Mấy cháu đã lên đây rồi thì hãy biểu diễn cho Bác xem”. Người xoa đầu tôi và nói với mọi người: “Năm kia Bác về Nam Định, cháu còn bé. Năm nay cháu lớn hơn một cái đầu, vậy đánh đàn có hay hơn không?”. Chú Vũ Kỳ bảo: “Thế thì thằng cu Tiến đánh lại bài “Hành vân” cho Bác nghe!”. Bố tôi lúc đó theo lắp đàn cho tôi, nói: “Thưa Bác, hôm nay cháu nó đánh bài “Câu hò bên bờ Hiền Lương” ạ!”. Bác bảo bài đó hay, Bác cũng thích nghe. Thế rồi khi biểu diễn xong, tôi và các bạn nhỏ được Bác thưởng kẹo và động viên phải cố gắng nhiều hơn nữa để sau này trở thành nghệ sĩ đàn bầu giỏi.

Đã hơn 50 năm trôi qua kể từ ngày gặp Bác nhưng cảm xúc về Bác và những tình cảm, sự trìu mến của Bác Hồ dành cho tôi vẫn nguyên vẹn. Từ phần thưởng là những chiếc kẹo của Bác Hồ, tôi đã nỗ lực rất nhiều trên con đường hoạt động nghệ thuật và giành nhiều phần thưởng cao quý trong hoạt động biểu diễn và sáng tác. Trong những năm chiến tranh, tôi theo bố đi biểu diễn cùng với các nghệ sĩ, diễn viên của Đoàn Ca múa nhạc Trung ương, Đoàn Dân ca Trị Thiên - Huế. Năm 1970, tôi nhập ngũ vào Trường Nghệ thuật Quân đội; ra trường tôi về công tác tại Đoàn Ca múa Tổng cục Chính trị. Năm 1973, tôi tham gia cuộc thi ở Béc-lin (Cộng hòa Dân chủ Đức) và đoạt Huy chương Vàng quốc tế với bài “Ru con Nam Bộ”. Sau đó tôi tham gia các cuộc thi ở Ba Lan, In-đô-nê-xi-a, giao lưu ở Tiệp Khắc… Đầu năm 1975, tôi và cây đàn bầu đã theo đoàn quân tiến về giải phóng miền Nam; đến các điểm nóng của đất nước như Huế, Sài Gòn… và cả Căm-pu-chia. Tại Căm-pu-chia, tôi đã biểu diễn bài “Vì miền Nam” của nhạc sĩ Huy Thục. Nhiều chiến sĩ đã tìm đến tôi tâm sự để vơi bớt nỗi nhớ nhà vì tiếng đàn bầu đã gợi cho họ những giai điệu quen thuộc của quê hương, làng mạc.

NSND Nguyễn Tiến giới thiệu về cây đàn bầu Việt Nam.
NSND Nguyễn Tiến giới thiệu về cây đàn bầu Việt Nam.

Khát vọng quảng bá đàn bầu ra thế giới

NSND Nguyễn Tiến sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật. Ông nội là nghệ nhân đàn bầu đất Thành Nam, cha là nghệ sĩ đàn bầu Nguyễn Tiếu, công tác tại Nhà hát Ca múa nhân dân Trung ương. Từ nhỏ, NSND Nguyễn Tiến và em gái song sinh là NSƯT Thúy Đạt được cha dạy và chơi thành thạo nhiều nhạc cụ dân tộc. Năm 7 tuổi Nguyễn Tiến tham gia hoạt động tại CLB Vàng Anh của Nhà văn hóa Thiếu nhi Thành phố Nam Định. Trong sự nghiệp hoạt động biểu diễn, NSND Nguyễn Tiến đã được nhận 18 giải thưởng và nhiều huy chương vàng, bạc, bằng danh dự, bằng khen trong nước và quốc tế: Huy chương Vàng dành cho tiết mục đàn bầu tại Hội diễn Nghệ thuật toàn miền Bắc; Huy chương Vàng tại Festival Cộng hòa Dân chủ Đức; Bằng danh dự (bằng cao nhất) tại Nhạc hội đàn bầu toàn quốc lần thứ nhất; Giải A đơn ca độc tấu; Huy chương Vàng Hội diễn Nghệ thuật toàn quân... Nhạc sĩ, NSND Nguyễn Tiến còn được đông đảo khán giả biết đến trên lĩnh vực sáng tác với các ca khúc nổi tiếng như: “Hoa cau vườn trầu”, “Nhớ đêm giã bạn”, “Chuyện tình lá diêu bông”, “Chiều mưa Hà Nội”, “Hoa cỏ may”, “Nam Định mình ơi”… Trong đó, tác phẩm “Dời đô, ngàn năm còn mãi” của NSND Nguyễn Tiến được Hội đồng nghệ thuật trao giải Nhất Giải thưởng Âm nhạc quốc gia của Hội Nhạc sĩ Việt Nam nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

NSND Nguyễn Tiến tâm sự: Tôi là một nhạc sĩ theo dòng nhạc dân gian truyền thống; “nghiệp” đàn bầu đã chọn tôi; những ảnh hưởng từ gia đình và nếp văn hóa quê hương với những làn điệu dân ca, dân vũ truyền thống đã “ngấm” vào tâm thức nghệ sĩ trong tôi như lẽ tự nhiên; kết tinh một nghệ sĩ Nguyễn Tiến trong biểu diễn và sáng tác. Trên 400 ca khúc của tôi phần lớn mang đậm phong cách dân ca. Điều may mắn là tôi biết và nắm khá chắc về các thể loại nghệ thuật truyền thống như cải lương, tuồng, chèo, hò Huế, dân ca các miền. Chính vì nó đã ngấm vào máu mình nên khi tôi viết về miền quê nào là “gọi” ra ngay “chất” của miền quê đó.

Xuất thân từ nghệ sĩ biểu diễn đàn bầu, nhạc sĩ rồi làm công tác quản lý nghệ thuật; NSND Nguyễn Tiến luôn tâm huyết với nghệ thuật âm nhạc của dân tộc và luôn khát vọng quảng bá nghệ thuật độc đáo của đàn bầu ra thế giới. Là nghệ sĩ đã mang nghệ thuật đàn bầu quảng bá tại hơn 30 nước trên thế giới, NSND Nguyễn Tiến khẳng định: Trong kho tàng nhạc cụ của các dân tộc việt Nam mà ông cha để lại, chúng ta có thể tự hào về nền âm nhạc dân tộc đã có những phương tiện để thể hiện những ngôn ngữ âm nhạc phản ánh đời sống lao động văn hóa và tinh thần của nhân dân. Trong đó, cây đàn bầu Việt Nam là một loại đàn độc đáo của người Việt Nam. Đàn bầu độc đáo không phải ở 1 dây mà độc đáo ở cách diễn tấu của nó. Để hiểu được tính độc đáo của cây đàn bầu, phải hiểu cách diễn tấu cả tay phải và tay trái của cây đàn. Thứ nhất, đàn bầu không dùng âm thực mà dùng chủ yếu bằng âm bồi. Trên một dây người ta chia ra nhiều điểm nút và dùng tay chặn bật que cùng một lúc lên các điểm nút đó tạo ra âm thanh vang của âm bồi là các note: Đô 1, sol 1, do 2, mi 2, sol 2, do 3. Tất cả các âm bồi vang tự nhiên này kết hợp với tay trái bẻ cần sẽ tạo ra các âm thanh cao độ khác nhau. Thứ hai, tay trái của đàn bầu là dùng chủ yếu để bẻ cần đàn tạo nên các cao độ khác nhau vô cùng phong phú. Thứ ba, tính độc đáo của cây đàn bầu Việt Nam còn thể hiện ở tiếng đàn rất trong trẻo, duyên dáng, trữ tình; mộc mạc mà kiêu sa, duyên dáng mà không cầu kỳ, giản đơn mà cuốn hút người nghe như một ma lực tự nhiên. Người nghệ sĩ kết hợp giữa tay phải và tay trái có thể tạo lên muôn vàn kiểu khác nhau của cao độ để có thể bắt chước được giọng nói của người Việt bằng ngữ âm sáu dấu. Có thể nói tính độc đáo của cây đàn bầu Việt Nam trên thế giới không đâu có được, đó là tiếng đàn bầu Việt Nam phù hợp với tâm hồn, tình cảm và ngôn ngữ của người Việt.

Trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật, nhạc sĩ, NSND Nguyễn Tiến đã xuất bản 6 album mang âm hưởng dân gian; được Nhà nước tặng: 3 Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba; Huy chương Chiến dịch Hồ Chí Minh; Huy chương Quân kỳ Quyết thắng; Huy chương Hữu nghị Việt - Lào; Huy chương “Vì thế hệ trẻ”… Năm 1977, nhạc sĩ Nguyễn Tiến được phong danh hiệu NSƯT; năm 2012, được phong danh hiệu NSND. Năm 2012, NSND Nguyễn Tiến được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật./.

Việt Thắng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com