Khi đàn chim trở về

02:01, 23/01/2017

Tháng 11, ánh nắng trưa chênh chếch chiếu xiên qua kẽ lá rơi xuống những thân đước, thân sú nước ngập lưng chừng. Không gian rộng lớn vô cùng tĩnh lặng, có thể nghe được cả tiếng gió vi vu, chạy dài đuổi mặt nước. Bỗng, một chú cò hạ cánh xuống đầm nước trắng. Rồi hàng trăm, hàng nghìn con khác rào rào bay tới. Không gian trắng xóa, xao động trong tiếng kêu rộn rã, mải miết. Mùa chim di trú, cuộc di cư “vĩ đại” vượt phương Bắc lạnh giá của hàng chục nghìn cá thể chim đã tới điểm dừng. Khu sinh quyển Ramsa lớn nhất nhì Đông Nam Á, Vườn quốc gia Xuân Thủy (Giao Thủy) đang chào đón đàn chim trở về.

Câu chuyện của chú cò số 117
 
Anh Phan Văn Trường, Phòng Quản lý bảo vệ tài nguyên môi trường, Vườn quốc gia Xuân Thủy từ lâu đã được các đồng nghiệp ở Vườn ưu ái gọi là “chuyên gia” về chim. Có hơn chục năm gắn bó với “vườn chim” vô cùng rộng lớn này, anh Trường có rất nhiều kỷ niệm. Đó là lần anh đi cùng với thầy Lê Trọng Trải, một chuyên gia về chim hàng đầu Việt Nam đi xem loài Rẽ mỏ thìa ở ngoài Vườn. Để quan sát được “nơi ăn chốn ở” của loài này, anh và thầy Trải phải dậy rất sớm, từ 5 giờ sáng, thuê mủng của ngư dân với lỉnh kỉnh nào máy ảnh, ống nhòm, sổ sách vào Vườn. Không may hôm đó thời tiết xấu, sóng to, gió lớn, hai người bị “sóng vồ”… lật mủng. Không thể để máy ảnh, ống nhòm ướt, anh Trường nhanh trí nhảy xuống nước, bế bổng “thầy giáo” của mình lên. Nhưng đó chưa phải là kỷ niệm đáng nhớ nhất của anh Trường. “Khoảng 4 năm trở lại đây, cứ từ tháng 10 trở đi, khi mùa chim di trú bắt đầu, năm nào tôi cũng “ngóng” con cò đeo vòng số 117. Bởi, cũng đã 4 năm rồi, năm nào nó cũng quay trở lại. Đối với tôi và anh chị em trong Vườn, mỗi lần phát hiện ra nó, chúng tôi có cảm giác như gặp một người bạn cũ đi xa lâu ngày trở về”, anh Trường bùi ngùi. Con cò đeo vòng số 117 mà anh Trường nhắc là giống Cò mỏ thìa, đặc biệt quý hiếm, trên thế giới hiện chỉ còn khoảng 300 cá thể, có nguồn gốc xuất phát từ Bắc hoặc Nam Triều Tiên. “Đó là tôi cũng đoán vậy chứ cũng không xác định được cụ thể nơi nó đến. Cái vòng của con cò, chắc hẳn là dấu hiệu của những người đồng nghiệp ở phương xa nào đó đánh dấu để theo dõi hoạt động, tập tính sinh hoạt, thói quen di trú… của loại cò này. Chúng tôi rất quý chú cò 117 và cũng để mắt đặc biệt đến nó”, anh Trường vui vẻ kể thêm. Tuy nhiên, theo phán đoán của tôi, có lẽ không chỉ có chú cò mang số 117 là quay trở lại vườn chim hằng năm. Nhiều chú chim khác cũng sẽ quay lại đây, chỉ có điều không được đánh số và trong hàng chục nghìn cá thể, những người làm công tác quản lý, bảo vệ không nhớ mặt, gọi tên hết được. Hiện nay, Vườn đang có một dự án hợp tác “đeo vòng cho chim” với các chuyên gia Nhật Bản. Theo đó, những chú chim được chọn để nghiên cứu sẽ được đeo các vòng đánh số. Từ đó, các chuyên gia, nhà nghiên cứu sẽ dễ dàng trong việc xây dựng bản đồ đường đi của các loài chim giữa hai chiều đi và đến; theo dõi tập tính sinh hoạt, tình trạng sức khỏe, sinh sản... của chúng. Như vậy, khi dự án được tiến hành, sẽ có nhiều những chú chim mang số như 117. Theo ghi nhận của Vườn quốc gia Xuân Thủy, đối với hệ chim, hiện Vườn đã thống kê được 220 loài, thuộc 41 họ, 13 bộ. Khu hệ chim ở đây tiêu biểu cho các loài thuộc bộ Hạc, bộ Ngỗng, bộ Rẽ và bộ Sẻ. Nơi đây còn là điểm dừng chân của một số loài chim nước quý hiếm nằm trong sách đỏ quốc tế như: Rẽ mỏ thìa, Choắt lớn mỏ vàng, Cò thìa mặt đen, Bồ nông chân xám, Choắt chân màng lớn, Cò lạo Ấn Độ, Cò trắng Trung Quốc, Choắt mỏ cong lớn… Ghi nhận đáng chú ý nhất ở Xuân Thủy là tồn tại một quần thể Cò thìa lớn nhất Việt Nam, trong một vài năm gần đây, số lượng nhiều nhất được chính thức thống kê tại khu vực là 74 cá thể. Ngoài ra, Vườn quốc gia Xuân Thủy còn là nơi tập hợp, trú chân của nhiều loài chim nước phổ biến di cư trong mùa đông. Trên con đường di trú vạn dặm, nhiều loài chim, cò đã chọn nơi đây làm nơi dừng chân kiếm ăn, tích lũy năng lượng chờ những mùa sinh trưởng sau.
Mùa chim di trú tại Vườn quốc gia Xuân Thủy (Giao Thủy). Ảnh: Do Vườn quốc gia Xuân Thủy cung cấp
Mùa chim di trú tại Vườn quốc gia Xuân Thủy (Giao Thủy).
Ảnh: Do Vườn quốc gia Xuân Thủy cung cấp

 “Ông lão vườn chim” thời nay
 
Năm 1970, nhà văn Anh Đức viết truyện ngắn Giấc mơ ông lão vườn chim, sau này có thời gian được đưa vào giảng dạy trong chương trình Văn học dành cho học sinh THPT. Ở đó, “giữa khoảng rừng tràm cuối cùng bị bom dầu đốt cháy đã được dập tắt” của mảnh đất U Minh Hạ có một đôi vợ chồng già quanh năm quanh quẩn với lũ chim cò, diệc. Họ “yêu” chúng đến nỗi, có thể nghe được tiếng run rẩy vỗ cánh của từng loài trong đêm đông. Và, những khi con nào đó bị thương, họ đau lòng. Khi chúng chưa kịp trở về, họ nhớ thương da diết… Tình cảm này cũng không khác là bao khi anh Trường kể về chú cò mang số 117. Để rồi, tôi biết thêm nhiều câu chuyện về “những ông lão vườn chim thời hiện đại” ở Vườn quốc gia Xuân Thủy. Vườn hiện có 19 người, theo lãnh đạo Vườn, họ hầu hết đều tốt nghiệp từ Trường Đại học Nông nghiệp, một số tốt nghiệp chuyên ngành du lịch. Tuổi đời và tuổi nghề của họ chưa nhiều, người gắn bó với Vườn lâu nhất là Giám đốc Nguyễn Viết Cách cũng chỉ khoảng 20 năm. Riêng nhân viên Phòng Quản lý bảo vệ tài nguyên môi trường, hầu như mỗi người chỉ có thời gian khoảng mươi mười lăm năm làm nghề. Vậy nhưng, chừng ấy thời gian cũng đủ để khẳng định, mỗi người ở Vườn đều có cách “yêu” và gắn bó với Vườn chim riêng. Bởi, nếu không phải vì tình yêu nghề, hẳn chừng ấy con người sẽ khó để đảm đương công việc ở một nơi hoang vắng, cả ngày không thấy bóng người trong một khu vực rộng lớn với tổng diện tích tự nhiên lên đến 7.100ha như ở nơi đây. Và nhiệm vụ của những “ông lão vườn chim hiện đại” cũng chẳng hề dễ. Vào mùa chim di trú, công việc đó càng nhiều hơn. Họ phân thành các tốp nhỏ từ 2-3 người liên tục đi tuần trong Vườn, có khi đi tuần cả đêm; phối hợp với các lực lượng biên phòng, kiểm lâm bảo vệ tài nguyên Vườn; tuyên truyền, giáo dục cho cộng đồng địa phương; xác lập các quy chế quản lý như khai thác nguồn lợi thủy sản tại cửa sông Hồng, tham gia quản lý rừng ngập mặn và tạo lập sinh kế bền vững mới cho dân cư quanh Vườn…, từ đó góp phần thiết thực trong việc thực hiện chiến lược sử dụng khôn khéo và bền vững tài nguyên vùng bãi bồi. Đấy là những nhiệm vụ chung. Nhưng chỉ khi có dịp làm việc trực tiếp đi thực địa cùng cán bộ, nhân viên của Vườn, chúng tôi mới cảm nhận thấy được sự vất vả cũng như tình yêu của họ đối với công việc. Theo chân các anh Phan Văn Trường, Ngô Văn Chiều vào Vườn hướng dẫn một tốp khách du lịch nước ngoài đi xem chim, chúng tôi thầm thán phục trình độ tiếng Anh của họ. 5h sáng, trong tiết trời se lạnh của những ngày giáp Tết, đoàn người lục đục mang đồ đạc lặng lẽ vượt qua bãi sình lầy tiến vào Vườn. Dẫn đoàn, anh Trường vừa đi vừa giới thiệu bằng tiếng Anh không sót một cá thể chim, cò nào. Tài tình hơn nữa, ngước lên phía chân trời chỗ vầng dương đang rẽ mây chiếu sáng, nhìn theo những sải cánh chim, anh Trường đọc được vanh vách đấy là loại nào. Men theo những lối mòn cố gắng đi thật khẽ để lũ chim, cò không phát hiện được tiếng bước chân, anh Trường thì thào giới thiệu: “Con có cái mỏ như cái thìa đang chăm chỉ kiếm ăn phía xa xa kia, chắc chắn là cò mỏ thìa, loài cò đặc biệt quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng. Và, nguồn thức ăn yêu thích của nó là những đầm tôm, đầm cá. Riêng đối với con Síp, Kịch, nơi kiếm ăn, sinh sống của chúng cũng là khu vực đầm bãi nhưng phải có thêm các bụi rậm để chúng “rúc ráy”. Loài Choắt mỏ cong thì chọn khu vực sát vùng lõi trong vườn để ở. Bồ nông chân xám và Mòng két chỉ chọn nơi mép sóng để kiếm ăn”… Đây không chỉ là kết quả quan sát qua nhiều năm lăn lộn với công việc mà còn là đam mê, là sở thích, là hàng nghìn lần lặn lội đi thực địa, tự học và học hỏi kinh nghiệm của các chuyên gia của những người làm nhiệm vụ bảo vệ Vườn chim như các anh. Một điều nữa chúng tôi cũng khá thắc mắc, trong hàng chục nghìn cá thể chim, tại sao những người làm công tác quản lý, bảo vệ có thể kiểm đếm chính xác đến… từng con, từng loài? Anh Chiều cười, dẫn tôi đi “thực mục sở thị” chiếc ống nhòm Telecop, phương tiện “hiện đại” nhất mà Vườn có để kiểm đếm. Chỉ với chiếc ống nhòm đơn giản, cũ kỹ này, một con cò, con chim nào thiếu, các anh đều biết. Và, có lẽ để nói về tâm tình của những “ông lão vườn chim” đối với nghề nghiệp, phải xem cách những nhân viên ở Vườn đi tuyên truyền, kêu gọi các thợ săn chim không đánh bắt chim; khai thác sinh lợi của Vườn ảnh hưởng đến môi trường sống của các loài chim tại đây. Ký cam kết với dân bảo vệ chim, kiên nhẫn đến từng nhà, hộ gia đình, nhắc nhở các chủ đầm tôm, ngao nuôi chó, quản lý chó để không sủa làm lũ chim hoảng sợ... Không phải ngẫu nhiên mà nhiều năm trở lại đây, quanh khu vực Vườn quốc gia Xuân Thủy xuất hiện khá nhiều các CLB bảo vệ chim. Nhiều thợ săn chim trước đây nay lại trở thành nòng cốt của CLB. Và tuyệt đối, khác với nhiều vườn chim khác, quanh khu vực này không có dấu hiệu người dân bày bán chim, “sản phẩm của những chuyến đi săn bất hợp pháp”. Đó là những nỗ lực rất lớn của chính quyền địa phương cũng như tập thể cán bộ Vườn quốc gia Xuân Thủy với mong muốn, xây dựng vườn thành điểm đến lý tưởng, an toàn nhất mỗi khi mùa chim di trú bắt đầu.
 
Trời chiều nhạt nắng rồi tắt hẳn, ngày mùa đông ở Vườn hình như kết thúc sớm hơn. Đứng giữa một mom đất cao, phóng tầm mắt ra toàn bộ khu Vườn, chỉ cảm thấy mênh mông xa ngái. Giữa màu xanh ngút ngàn, những đốm trắng, đốm nâu… đã tụ quần về từng đám, rũ cánh xua đi mệt nhọc của một ngày kiếm ăn tảo tần. Mùa xuân năm nay, số lượng chim chọn “tổ ấm” là Vườn quốc gia Xuân Thủy vẫn ổn định như nhiều năm trước. “Đất lành chim đậu”, trong gió đông lồng lộng, cơ hồ, chúng tôi vẫn nghe rõ tiếng kêu chiu chít của nhiều loài chim mừng rỡ đoàn tụ phút cuối ngày./.
 
Hoa Xuân


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com