VÕ VĂN KIỆT
Nguyên uỷ viên Thường vụ Bộ Chính trị,
nguyên Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng,
nguyên Thủ tướng Chính phủ
Thời kỳ đầu kháng chiến chống Pháp, tôi hoạt động ở miền Nam. Khi đó, chúng tôi chỉ biết tên các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng và thường hình dung diện mạo, phong thái qua cương vị công tác của từng đồng chí. Tới cuối năm 1950, ra chiến khu Việt Bắc dự Đại hội Đảng lần thứ II, tôi mới được gặp các đồng chí: Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp ... Tôi còn nhớ, ấn tượng đầu tiên của tôi là thấy đồng chí Trường Chinh và đồng chí Võ Nguyên Giáp có gương mặt hao hao giống nhau. Trong đầu tôi nảy ra một ý nghĩ khá thú vị: Trong số ba người học trò yêu của Bác Hồ, ba trụ cột về Đảng, Chính phủ, Quân đội thì dường như đồng chí phụ trách công tác Đảng và đồng chí phụ trách quân sự là một cặp.
Đồng chí Trường Chinh tại Đại hội IV Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, ngày 20-10-1980. Ảnh: T.L |
Hồi đó, anh em trong đoàn đại biểu Nam Bộ chúng tôi thường hay làm nũng Bác Tôn và đôi khi cả Bác Hồ để "vòi vĩnh" bánh kẹo, thuốc lá. Riêng với đồng chí Trường Chinh, chúng tôi không dám vì thấy đồng chí luôn nghiêm nghị. Từ đồng chí toát ra cái gì đó vượt lên trên đời thường, người thường và mang phong thái của một lãnh tụ. Đứng trước đồng chí, tôi có cảm giác mình thật nhỏ bé và dường như những hiểu biết, suy nghĩ đều bị đọc ra cả.
Sau Đại hội Đảng lần thứ II, tôi được học lớp "Hoa Nam" ở Trường Nguyễn Ái Quốc III, khoá 6 tháng, trước khi đi đường bộ vào lại chiến trường Nam Bộ. Một lần, trường tổ chức liên hoan văn nghệ. Tôi tham gia tiết mục đóng kịch, vào vai một địa chủ. Khi biết có đồng chí Trường Chinh tới dự, coi biểu diễn, mặc dù được liệt vào loại "gan to", nhưng tôi cũng thấy "ớn". Trước khi bắt đầu, tôi phải xung phong làm một màn múa lân cho nóng người để lấy can đảm. Hết vở kịch, các đồng chí là khách mời đều khen, động viên. Đồng chí Trường Chinh bắt tay tôi: "Đồng chí diễn khá lắm, nhưng đấy là địa chủ Nam Bộ chứ không giống địa chủ Bắc Bộ". Mãi tới lúc này, tôi vẫn thấm thìa lời nhận xét vừa mang tính khích lệ vừa mang tính nhắc nhở: Làm bất cứ việc gì cũng phải nghiên cứu, đào sâu suy nghĩ.
Một điều đặc biệt là, dù tiếp xúc với đồng chí Trường Chinh ít so với các đồng chí lãnh đạo cao cấp khác, nhưng trong thời gian ở chiến khu Việt Bắc cũng như trong suốt kháng chiến chống Pháp, tôi thường nhớ tới đồng chí với tất cả sự kính trọng và lòng tin vững chắc. Hồi đó, sách vở hiếm lắm. Tôi có cuốn Kháng chiến nhất định thắng lợi của đồng chí Trường Chinh và coi đó là cuốn sách gối đầu. Mỗi khi đọc, tôi lại thấy hiện lên hình ảnh đồng chí Tổng Bí thư nghiêm trang, trí tuệ.
Tôi được nghe kể về Vua Quang Trung và rất ấn tượng với hình ảnh những "Sĩ phu Bắc Hà". Tôi có cảm giác đồng chí Trường Chinh như một sự hoà quyện giữa tính cách của một sĩ phu với phẩm chất của người cách mạng. Càng về sau này, tôi càng thấy cảm nhận đó của mình không sai và thấy ở đồng chí những đặc trưng đáng kính của một nhà nho "tu thân, tề gia, trị quốc". Đồng chí Trường Chinh tự nghiêm khắc với mình từ cử chỉ, lời nói, trong giao tiếp hằng ngày cũng như trên các diễn đàn, hội nghị. Chính sự nghiêm khắc ấy truyền cho mọi người không khí nghiêm trang, sự đòi hỏi trách nhiệm và tôn trọng người khác. Ngay trong các buổi họp Bộ Chính trị, tôi chú ý thấy các đồng chí lãnh đạo cao cấp khác có thể nói đùa với nhau, nhưng khi nói với đồng chí Trường Chinh thì luôn giữ thái độ nghiêm chỉnh. Tôi cho rằng, sự nghiêm nghị, mực thước của đồng chí Trường Chinh đã góp phần giữ gìn kỷ cương trong Đảng. Điều này rất cần thiết vì cũng có một số đồng chí lãnh đạo có thói quen xuề xoà, gia đình.
Lúc ngoài Bắc làm cải cách ruộng đất, tôi chỉ được nghe tình hình do một số đồng chí có dịp ra công tác nói lại trong nội bộ. Hồi đó, đồng chí Lê Duẩn mới từ miền Bắc trở vào, nói với chúng tôi: cải cách ruộng đất có gì đó không ổn. Ở nhiều vùng, trước đó cơ quan tỉnh, huyện đóng tại nhà dân. Tới cải cách, vẫn những đồng chí đó không ai dám nhận người đã cho mình chung sống dưới một mái nhà như người trong gia đình. Thậm chí các cháu nhỏ hết sức vô tư, theo thói quen chạy lại vồ vập chào hỏi thì quay mặt đi, coi như không quen biết. Chua xót quá.
Việc đồng chí Tổng Bí thư đứng ra nhận khuyết điểm, nhận kỷ luật trưóc Đảng về chỉ đạo cải cách ruộng đất, giúp tôi nhận thức sâu sắc thêm về nguyên tắc Đảng. Là người đảng viên, dù ở cương vị nào cũng luôn nghiêm chỉnh chấp hành kỷ luật Đảng. Sau này, khi ra Trung ương công tác, có dịp được trực tiếp chứng kiến sự cộng tác trên tinh thần đồng chí, rất mực tôn trọng nhau giữa đồng chí Lê Duẩn và đồng chí Trường Chinh, tôi càng kính trọng đồng chí và tự nhủ: Đồng chí thực sự là tấm gương mẫu mực về tính nguyên tắc và nghị lực cộng sản.
(Còn nữa)