[links()]
Đại tướng Văn Tiến Dũng
Từ thời kỳ Đảng ta lãnh đạo cuộc vận động dân chủ chống phản động thuộc địa và tay sai, chống phát xít và chiến tranh, đòi tự do, cơm áo, hòa bình, đồng chí Trường Chinh nổi lên như một trong những người lãnh đạo báo chí cách mạng công khai, một cây bút chính luận sắc sảo, đầy tính chiến đấu trong việc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, phổ biến đường lối chủ trương của Đảng, vạch mặt bọn thống trị tàn bạo, đấu tranh không khoan nhượng chống bọn tờrốtkít giả danh cách mạng, hướng dẫn nhân dân đòi quyền dân sinh, dân chủ, góp phần quan trọng vào việc nâng cao ý thức dân tộc và ý thức giai cấp cho nhân dân, chuẩn bị về tư tưởng cho phong trào cách mạng tiến lên một bước mới.
Chuyển sang thời kỳ Đảng lãnh đạo toàn dân nổi dậy giành chính quyền, sau khi các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Trung ương Đảng bị bắt, đồng chí Trường Chinh được Đảng cử làm Quyền Tổng Bí thư. Là người đứng đầu Trung ương Đảng, đồng chí đã biểu lộ những phẩm chất của một nhà chiến lược tài giỏi, kiên quyết và năng động. Hội nghị Trung ương lần thứ bảy (11 - 1940, họp tại Đình Bảng - Từ Sơn - Bắc Ninh) do đồng chí chủ trì đã khẳng định chủ trương chuyển hướng chỉ đạo chiến lược, nêu cao nhiệm vụ giải phóng dân tộc, tạm rút khẩu hiệu cách mạng ruộng đất của Hội nghị Trung ương lần thứ sáu. Dưới ánh sáng của tình hình mới do phát xít Nhật xâm chiếm Đông Dương và do cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn đưa đến, Hội nghị đã nhận định kẻ thù trước mắt, đề ra con đường giành chính quyền là từ những cuộc khởi nghĩa địa phương ở những nơi có điều kiện, tiến lên tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Có thể nói, thành công to lớn và cũng là sáng tạo tuyệt vời của Hội nghị là đặt hẳn vấn đề khởi nghĩa vũ trang vào chương trình nghị sự của cách mạng Việt Nam.
Cố Tổng bí thư Trường Chinh đang thăm hỏi các chiến sĩ nông nghiệp tại Đại hội anh hùng, chiến sĩ thi đua công nông binh toàn quốc lần 2. |
Từ tháng 2-1941 khi đồng chí Hồ Chí Minh, lãnh tụ của Đảng và của dân tộc về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, đồng chí Trường Chinh tỏ ra là một học trò ý hợp tâm đầu của Bác.
Dưới sự chủ trì của Bác, Hội nghị Trung ương lần thứ tám đã hoàn chỉnh sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược và con đường giành chính quyền của Hội nghị Trung ương lần thứ sáu và lần thứ bảy, đề ra những chủ trương chiến lược đúng đắn: giương cao ngọn cờ giải phóng dân tộc, chuẩn bị khởi nghĩa, xây dựng lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang, xây dựng các căn cứ địa cách mạng, đặc biệt đề ra chính sách đại đoàn kết dân tộc, tập trung mọi lực lượng vào nhiệm vụ trung tâm là cứu nước. Trong hội nghị, đồng chí được bầu làm Tổng Bí thư, đứng đầu Ban Thường vụ Trung ương Đảng, đảm nhiệm việc lãnh đạo hàng ngày. Hội nghị Trung ương lần thứ tám là một hội nghị lịch sử có ý nghĩa quyết định đối với thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám sau này.
Từ tháng 8-1942 đến tháng 9-1944 đồng chí Hồ Chí Minh đi Trung Quốc, bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt và giam giữ 14 tháng. Nhiệm vụ lãnh đạo cách mạng tập trung vào Tổng Bí thư Trường Chinh trong một tình hình rất sôi động cả trong nước và trên thế giới. Cùng với các đồng chí trong Thường vụ Trung ương, đồng chí đã xử lý kịp thời, đúng đắn những vấn đề mới nảy sinh về chính trị, quân sự, tư tưởng và tổ chức, tạo điều kiện đưa cách mạng cả nước tiến lên cao trào, thúc đẩy tình thế cách mạng mau chín muồi. Hội nghị Võng La (Đông Anh, Phúc Yên) tháng 2-1943 của Ban Thường vụ Trung ương đã vạch ra một kế hoạch toàn diện nhằm chuẩn bị đầy đủ về tinh thần và vật chất cho cuộc khởi nghĩa vũ trang sắp tới, đặc biệt nhấn mạnh việc củng cố Đảng để hoàn thành sứ mệnh lãnh đạo đưa cách mạng đến thắng lợi.
Một sự kiện chứng minh hùng hồn sự sáng suốt, tính nhạy cảm và sáng tạo cao trong chỉ đạo chiến lược của đồng chí Trường Chinh là từ tháng 9-1944 trong bài "Cái nhọt bọc sẽ phải vỡ mủ" đăng trên báo Cờ Giải Phóng đồng chí đã dự đoán trước mâu thuẫn Nhật - Pháp sẽ bùng nổ thành xung đột. Và ngày 8-3-1945 khi nhận tin báo có dấu hiệu chuẩn bị chiến đấu của quân đội Nhật ở Đông Dương, đồng chí nhận định: Nhật sắp lật đổ Pháp đến nơi và lập tức triệu tập Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương mở rộng vào ngày 9-3-1945 tại Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh. Bản Chỉ thị Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta do đồng chí Trường Chinh khởi thảo là kim chỉ nam cho hoạt động của Đảng và Mặt trận Việt Minh trong việc phát động cao trào chống Nhật cứu nước, tạo ra tình thế tiền khởi nghĩa, làm tiền đề cho cuộc Tổng khởi nghĩa.
Dưới sự lãnh đạo của Bác Hồ và sự chỉ đạo của đồng chí, một khẩu hiệu hết sức đúng đắn, giải quyết trúng mâu thuẫn gay gắt trong đời sống xã hội lúc đó là "Phá kho thóc của Nhật và tay sai cứu đói" đã làm dấy lên một cao trào cách mạng mạnh mẽ, sôi nổi như một ngày hội của quần chúng.
Để chuẩn bị tích cực hơn nữa cho Tổng khởi nghĩa, đồng chí Trường Chinh cùng với Thường vụ Trung ương Đảng đã triệu tập Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ (4-1945) tại Hiệp Hòa - Bắc Giang, hội nghị quân sự quan trọng đầu tiên của Đảng nhằm giải quyết nhiệm vụ quân sự, nhiệm vụ quan trọng và cần kíp nhất của Đảng lúc này. Hội nghị đánh dấu một bước phát triển mới của tư tưởng quân sự của Đảng về khởi nghĩa vũ trang, đấu tranh vũ trang, lực lượng vũ trang và xây dựng căn cứ địa cách mạng.
Và khi thời cơ đến, Đảng ta đã phát động cuộc Tổng khởi nghĩa, toàn dân ta từ Bắc chí Nam nhất tề nổi dậy với khí thế ngút trời, giành chính quyền trên cả nước.
Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời không được bao lâu thực dân Pháp đã quay lại xâm lược nước ta. Trong 16 tháng kể từ khi chế độ mới thành lập đến ngày toàn quốc kháng chiến, Đảng ta dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thi hành một sách lược mẫu mực, vượt qua tình thế hiểm nghèo ngàn cân treo sợi tóc, chuẩn bị thực lực mọi mặt, đặt nền móng cho kháng chiến thành công. Đọc lại những văn kiện của Đảng do đồng chí Trường Chinh khởi thảo thời kỳ này, ta có thể thấy rõ sự đóng góp của đồng chí vào những chủ trương và biện pháp chiến lược và sách lược khôn khéo của Đảng.
Ngày 18 và 19-12-1946 Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã họp hội nghị mở rộng dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh vạch ra đường lối cơ bản của cuộc kháng chiến. Đường lối đó được ghi trong Chỉ thị Toàn dân kháng chiến của Ban Chấp hành Trung ương và sau đó được đồng chí Trường Chinh giải thích và phát triển đầy đủ trong cuốn sách Kháng chiến nhất định thắng lợi. Những văn kiện đó là Cương lĩnh của Đảng ta và dân tộc ta trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Đặc biệt, những quan điểm về cuộc chiến tranh toàn dân, toàn diện trong đó là nền tảng xây dựng lý luận về chiến tranh giải phóng và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta.
Cơ sở của đường lối kháng chiến đó chính là đường lối cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân mà đồng chí Trường Chinh đã trình bày trong bản Báo cáo Bàn về cách mạng Việt Nam ở Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng. Đó là đường lối tiếp tục giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc, tập trung lực lượng vào nhiệm vụ chủ yếu là giành độc lập, thống nhất cho Tổ quốc, đồng thời thực hiện từng bước nhiệm vụ phản phong, từng bước thực hiện khẩu hiệu "Người cày có ruộng" dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân, chuẩn bị những tiền đề để tiến lên chủ nghĩa xã hội. Đó là mẫu mực về giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa dân tộc và dân chủ, dân tộc và giai cấp trong kháng chiến.
Hoàn cảnh Việt Nam sau Cách mạng Tháng Tám là vừa giành được chính quyền thì lại phải tiến hành ngay kháng chiến chống xâm lược. Phải tiến hành ngay cuộc chiến tranh cứu nước, đồng thời lại phải tranh thủ mọi điều kiện để xây dựng chế độ mới. Đó là chủ trương chiến lược vừa kháng chiến vừa kiến quốc. Tuy hai công việc thuộc hai loại quy luật khác nhau, một bên là quy luật của chiến tranh giải phóng, một bên là quy luật cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, nhưng cùng nhằm một mục đích, đan xen nhau, tác động lẫn nhau, cùng chi phối quá trình kháng chiến, trong đó quy luật chiến tranh có vai trò ngày càng quyết định.
Trên đây là một số điều chủ yếu gợi lại để góp phần khắc họa chân dung của đồng chí Trường Chinh với tư cách là nhà chiến lược chủ yếu của cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và kháng chiến chống Pháp dưới sự chỉ đạo của tư tưởng Hồ Chí Minh.
(Còn nữa)