Tình thế khó khăn
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã giải phóng dân tộc Việt Nam khỏi ách đô hộ của thực dân, đế quốc; đất nước độc lập, nhân dân lao động thành người làm chủ đất nước. Thắng lợi đó là mốc son chói lọi trong lịch sử, là niềm tự hào của dân tộc ta và trở thành nguồn sức mạnh tinh thần to lớn trong các tầng lớp nhân dân khi bước vào thời kỳ cách mạng mới đầy cam go khốc liệt, tình hình đất nước “ngàn cân treo sợi tóc”.
Đất nước được giải phóng, nhưng thù trong, giặc ngoài đe doạ, nhiều khó khăn ập tới: nền kinh tế đình đốn, nạn đói, thiên tai, bệnh tật và những suy kiệt trong đời sống xã hội… Đặc biệt, với dã tâm xâm lược và sự cấu kết của các thế lực đế quốc, phản động, thực dân Pháp ráo riết tiến hành nhiều thủ đoạn một lần nữa quay lại xâm lược Việt Nam.
Cũng như cả nước, ở Nam Định, sau khi chính quyền cách mạng được thành lập, Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh cũng phải đối phó với nhiều khó khăn phức tạp mới. Kinh tế địa phương kiệt quệ, sản xuất đình đốn, ngân quỹ nói chung không còn. Ruộng đất hoang hoá quá nhiều, nông dân thiếu đói lương thực. Hàng vạn công nhân, người lao động ở thành phố không có việc làm, đời sống cơ cực, bấp bênh. Nạn đói tháng 3-1945 cướp đi mạng sống 20 vạn đồng bào trong tỉnh. Những người sống sót thì sức khoẻ giảm sút, dịch bệnh nhiều. Hơn 90% số dân địa phương không biết chữ. Mặt khác tình hình an ninh trật tự cũng có nhiều khó khăn, phức tạp. Dưới danh nghĩa quân đồng minh đến tước vũ khí quân Nhật, cuối tháng 9-1945 quân Tưởng Giới Thạch với hai trung đoàn và một sư đoàn đã kéo vào đóng ở Thành phố Nam Định. Bám gót chúng là bọn Việt quốc (Việt Nam Quốc dân Đảng) và những phần tử cơ hội, bọn phản động đã trỗi dậy, cấu kết tìm cách gây rối, khiêu khích, sách nhiễu, phá hoại kinh tế, vu cáo, đe doạ sự tồn tại của chính quyền cách mạng còn non trẻ. Nhất là, sau khi đại diện Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ký Hiệp định Sơ bộ (6-3-1946) với Chính phủ Pháp, quân đội Tưởng rút về nước (đầu tháng 4-1946), hơn 800 quân Pháp thuộc Binh đoàn thuộc địa số 6 vào thay thế đóng tại Thành phố Nam Định, đã càng ra sức gây rối an ninh trật tự, khiêu khích lực lượng tự vệ, đe doạ tinh thần nhân dân, làm cho tình hình vô cùng căng thẳng, nguy cấp trước thềm một cuộc chiến tranh.
Đội du kích Hồng Phong, huyện Nghĩa Hưng trong kháng chiến chống Pháp (1945 -1954) |
Chủ động chuẩn bị kháng chiến
Trước tình thế cấp bách và bước ngoặt của cách mạng dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ và nhân dân Nam Định đã đồng lòng, dốc sức tập trung thực hiện đồng thời các nhiệm vụ quan trọng trước mắt và đáp ứng yêu cầu cơ bản chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp sắp nổ ra. Thực hiện chỉ thị “kháng chiến kiến quốc” của Trung ương Đảng, toàn tỉnh đã dồn toàn lực vào việc xây dựng và bảo vệ chính quyền nhân dân, đồng thời giải tán, xóa bỏ hoàn toàn bộ máy cai trị của đế quốc phong kiến, các tổ chức phản động tay sai. Cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (6-1-1946) và bầu cử HĐND cấp tỉnh, cấp xã được tổ chức thành công, đông đảo nhân dân hăng hái tham gia, tạo được ý nghĩa chính trị sâu sắc. Các đoàn thể chính trị “Nông dân cứu quốc”, “Công nhân cứu quốc”, “Thanh niên cứu quốc”… được củng cố, mở rộng; các tổ chức xã hội: Hội Phật giáo cứu quốc, Công giáo cứu quốc, Phụ lão cứu quốc, Hướng đạo cứu quốc… được thành lập, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Ban Tỉnh ủy lâm thời Nam Định được thành lập (7-1946) và các chi bộ trong các cơ quan tỉnh, huyện được xây dựng. Nhìn chung hệ thống chính trị trong tỉnh được củng cố, tăng cường, kịp thời đáp ứng nhu cầu lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện các nhiệm vụ cách mạng từ tỉnh đến cơ sở.
Nhận thức rõ nhiệm vụ xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội vừa rất bức thiết, vừa rất quan trọng đối với công cuộc “kháng chiến kiến quốc”, Đảng bộ và nhân dân toàn tỉnh đã hăng hái thi đua tiến hành đồng thời các phong trào “diệt giặc đói”, “diệt giặc dốt”, tạo sức mạnh “diệt giặc ngoại xâm”. Đông đảo nhân dân đã thực hiện “nhường cơm xẻ áo”, lập “Hũ gạo chống đói”, quyên góp lương thực giúp đỡ những gia đình bị đứt bữa… Phong trào khai hoang phục hóa ruộng đất để sản xuất lương thực được mở rộng. Việc đào mương chống hạn, đắp đê phòng chống lũ lụt, tu sửa đường xá được nhân dân đồng tình, tích cực tham gia; cùng với việc kịp thời thực thi một số chính sách mới về giảm thuế điền thổ 20%, giao ruộng vắng chủ, hoãn nợ, xóa nợ cho nông dân… đã làm cho sản xuất nông nghiệp nhanh chóng phục hồi, kết quả thu được trong năm 1946 cao hơn các năm trước. Nhờ đó nạn đói được đẩy lùi. Phong trào đời sống mới được phát động và phát triển theo hướng văn minh, tiến bộ. Phong trào học chữ quốc ngữ được dấy lên rộng khắp từ thành thị đến nông thôn. Chỉ trong thời gian ngắn, hàng chục vạn người dân đi học đã biết đọc, biết viết. Những kết quả về kinh tế - xã hội tại địa phương tuy chỉ là bước đầu, chưa toàn diện và trong vòng chưa đầy một năm cách mạng thành công, nhưng đã làm cho nhân dân phấn khởi, tin tưởng vào đường lối cách mạng của Đảng.
Trước tình thế phải đối phó với thế lực đế quốc phản động có sức mạnh quân sự và nhiều âm mưu, thủ đoạn hiểm độc đang ráo riết tiến hành chiến tranh xâm lược, ngay từ cuối năm 1945, Đảng bộ Nam Định đã chú trọng xây dựng lực lượng vũ trang, tăng cường cán bộ lãnh đạo, chỉ huy, biên chế các đơn vị chiến đấu. Tỉnh tổ chức thêm một đại đội Quyết tử quân (sau đổi tên là Vệ quốc đoàn), thành lập Trung đoàn 19 gồm ba tiểu đoàn. Khu ủy II thành lập Trung đoàn 33 bộ đội chủ lực (sau này đổi phiên hiệu thành Trung đoàn 34), hoạt động chủ yếu trên địa bàn Nam Định. Từ tháng 9-1945 đến tháng 12-1946, Ủy ban Bảo vệ tỉnh và các đội tự vệ của thành phố, của các huyện được thành lập. Mạng lưới giao thông liên lạc được tổ chức. Kế hoạch và phương án tác chiến được chuẩn bị từ tỉnh đến các địa phương, đơn vị. Đảng bộ vận động nhân dân xây dựng Quỹ quốc phòng, mua công phiếu kháng chiến… và đã thu được kết quả khá. Phong trào “Tự trang bị vũ khí, tự sản xuất vũ khí thô sơ” được mở rộng ở nhiều nơi. Tỉnh thành lập xưởng sửa chữa vũ khí (sau gọi là Công binh xưởng) và đã sản xuất được lựu đạn, mìn các loại. Đồng thời các đơn vị lực lượng vũ trang đã tranh thủ thời gian huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật tác chiến, nâng cao nhận thức chính trị, tư tưởng và ý thức tổ chức kỷ luật cho cán bộ, chiến sĩ. Nhờ đó, lực lượng vũ trang Nam Định đã trở thành nòng cốt trong việc bảo vệ chính quyền cách mạng và sẵn sàng đối phó với kẻ thù xâm lược. Khi quân Pháp gây hấn ở Nam Bộ (23-9-1945), tháng 10-1945 một chi đội Nam tiến (tương đương 1 tiểu đoàn) của Nam Định đã lên đường vào Nam chiến đấu. Khi tàn quân Pháp từ Hoa Nam (Trung Quốc) quay lại chiếm đóng Lai Châu, tháng 12-1945 nhiều thanh niên Nam Định đã tham gia vào chi đội Tây Tiến, hành quân tới Sơn La chiến đấu chặn bước quân thù.
Đánh địch để bảo toàn lực lượng
Đúng như nhận định của Đảng và Hồ Chủ tịch, thực dân Pháp nhanh chóng bội ước những điều đã ký kết; chúng không ngừng lấn chiến ở Nam Bộ và tấn công khiêu khích nhiều nơi ở Bắc Bộ. Tại Nam Định, quân Pháp nhiều lần cho xe nhà binh chạy trên đường phố phô trương lực lượng gây rối trật tự trị an, khiêu khích lực lượng tự vệ, đe dọa tinh thần nhân dân, vi phạm chủ quyền thuế quan và kiểm soát ngoại thương của chính quyền địa phương…
Ngày 18-12-1946 quân Pháp ngang ngược yêu cầu lực lượng tự vệ Thành phố Nam Định hạ vũ khí, phá bỏ chương ngại vật ở Cửa Đông, Ngã tư Máy Tơ, bến Đò Quan và cho quân lính xông vào cướp lựu đạn của tự vệ. Tối ngày 19-12 một số lính Pháp ở nhà thờ Sanhtoma kéo ra ngã tư Cửa Đông giở trò khiêu khích và vô cớ nổ súng bắn vào tự vệ, làm cho tình thế hết sức căng thẳng.
Thực hiện chỉ thị của Trung ương Đảng và lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch, đêm ngày 19-12-1946, quân và dân Thành phố Nam Định lập tức nổ súng đánh địch sau hiệu lệnh tấn công bắt đầu bằng tiếng đạn pháo 75mm do đại đội trợ chiến từ phía nam sông Đào bắn vào nhà băng thành phố. Bị quân ta tập kích bất ngờ, đồng loạt; quân Pháp hết sức hoang mang, chống đỡ quyết liệt. Liên tiếp các ngày từ 20 đến 23-12-1946 bộ đội và tự vệ thành phố đã tiến công nhiều đợt vào khu đồn trú của địch tại các vị trí: Nhà máy Tơ, Nhà máy Sợi, Nhà băng, khu vực ga tàu, trại Ca rô… chiến sự diễn ra liên tục, quyết liệt, quân Pháp dựa vào ưu thế vũ khí trang bị, dùng máy bay, xe bọc thép, súng, pháo các loại bắn phá dữ dội vào các trận địa của ta và cố chiếm lại các vị trí đã mất. Tiểu đoàn 69, 75 (trung đoàn 19 của tỉnh) cùng lực lượng tự vệ tiến công nhiều trận, chiến đấu ngoan cường, giành giật với quân địch từng căn nhà, từng vị trí, từng đường phố, đã kiềm chế, tiêu hao lực lượng quân Pháp và giành quyền chủ động chiến trường cho đến những ngày đầu tháng 1-1947.
Phối hợp cùng lực lượng vũ trang chiến đấu trong thành phố, thanh niên, công nhân và nhiều người dân tự nguyện tham gia đào chiến hào, đục thông tường giữa các nhà, mang vật dụng gia đình (giường, tủ, bàn, ghế) ngả cây to trên đường phố làm chướng ngại vật chặn bước tiến của dịch. Nhân dân các huyện Mỹ Lộc, Nam Trực, Vụ Bản cũng hăng hái tham gia đào đắp công sự ổ tác chiến… và hằng ngày đem hàng vạn gánh rơm, rạ vào thành phố để phóng hoả các vị trí địch chiếm đóng. Đồng thời tranh thủ thời gian chiến sự vây hãm quân Pháp. Tỉnh uỷ đã chỉ đạo kịp thời việc vận chuyển các máy móc, tài sản các cơ quan, xí nghiệp trong thành phố về nông thôn và sơ tán nhân dân để chủ động cùng cả nước bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược./.
Ngô Tiến Vạnh
Hội KH-LS tỉnh