Tiếp tục thực hiện đổi mới toàn diện kinh tế - xã hội (1991-1996) - Kỳ 16

03:12, 15/12/2016

[links()]

(Tiếp theo)

    Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ hai họp trong hai ngày (14 và 15-6-1996) để phân công nhiệm vụ ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá IX, thông qua quy chế làm việc của Ban Chấp hành và thảo luận chương trình công tác của Tỉnh ủy khoá IX. Thảo luận về phân công nhiệm vụ, Tỉnh ủy yêu cầu: "Tiếp tục kiện toàn một số chức danh của Hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân tỉnh sau khi ổn định tổ chức và sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII". Xác định chương trình công tác toàn khoá, Tỉnh ủy thống nhất 11 nội dung lớn, ra 5 nghị quyết tập trung vào 5 nhiệm vụ trọng tâm và tổ chức hướng dẫn thực hiện nghiêm túc.

    Từ ngày 28-6 đến ngày 1-7-1996, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội.

    Đại hội nhận định Việt Nam đã thoát khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội và khẳng định tiếp tục nắm vững hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 Từ ngày 28-6 đến ngày 1-7-1996, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội.
  Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội, từ ngày 28-6 đến ngày 1-7-1996.

    Tháng 7-1996, tại kỳ họp thứ 3, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã kiểm điểm tình hình phát triển kinh tế - xã hội và công tác xây dựng đảng, đề ra nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, trọng tâm là phát triển kinh tế và tiếp tục thực hiện nghị quyết Trung ương 3 về đổi mới chỉnh đốn đảng, quốc phòng, an ninh. Ngày 3-10-1996, Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh đã xem xét 3 đề án của tỉnh là: “Đề án sắp xếp các doanh nghiệp theo Chỉ thị số 500/TTg và Nghị định 50/CP của Chính phủ", "Đề án triển khai Nghị quyết số 12 của Bộ Chính trị (khoá VII) về thương mại", "Đề án tiếp tục đổi mới quản lý hợp tác xã nông nghiệp theo Luật hợp tác xã". Đồng thời Tỉnh ủy chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ trong quý IV năm 1996, gồm: tiếp tục kiện toàn và sắp xếp bộ máy tổ chức về công tác cán bộ, nhất là trong lĩnh vực quản lý nhà nước và các doanh nghiệp; tập trung đẩy mạnh sản xuất vụ đông bù đắp cho vụ mùa bị thiệt hại do thiên tai úng lụt; triển khai thực hiện đề án đổi mới quản lý hợp tác xã nông nghiệp theo Luật hợp tác xã, tăng cường quản lý đất đai; hoàn chỉnh việc sắp xếp lại các doanh nghiệp; tổ chức sơ kết thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 về phát triển công nghiệp, khoa học - công nghệ, môi trường. Tỉnh còn yêu cầu rà soát lại các đơn vị sản xuất đạt thấp so với kế hoạch, phấn đấu đạt mức tăng trưởng 13% năm 1996. Riêng đối với Công ty dệt Nam Định, Tỉnh ủy chỉ đạo: "Tăng cường công tác lãnh đạo của Đảng, bảo đảm nguyên tắc Đảng lãnh đạo toàn diện. Tập trung vào việc giải quyết việc làm và đời sống cho công nhân". Ban Thường vụ Tỉnh ủy nghe tình hình Công ty dệt và bàn phương hướng giải quyết theo thông báo 9 điểm của Thủ tướng Chính phủ về việc giải quyết những tồn tại của Công ty dệt Nam Định. Trước yêu cầu, nhiệm vụ mới, Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy trong tỉnh tập trung chỉ đạo, huy động tối đa khả năng các thành phần kinh tế để phát triển sản xuất, nhằm giữ vững 3 đỉnh cao (giáo dục, nông nghiệp, xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn) tạo ra tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn năm 1995, có bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong năm bản lề 1996, tạo đà phát triển nhanh cho những năm tới.

    Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, cán bộ, đảng viên, quân và dân trong tỉnh đã khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu tạo ra sự phát triển liên tục trên các mặt kinh tế - xã hội. Mặc dù trong điều kiện tỉnh phải chia tách, khả năng đầu tư cho phát triển có nhiều khó khăn, hạn chế nhưng tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh có chuyển biến tích cực và đi vào ổn định, phát triển. Đặc biệt, sản xuất nông nghiệp có bước phát triển vượt bậc. Lực lượng sản xuất được tăng cường. Phân công lao động xã hội được cải thiện. Kinh tế của tỉnh có tốc độ tăng trưởng cao hơn các năm trước. Tổng sản phẩm theo GDP năm 1996 đạt 3.384 tỷ đồng, tăng 5,1% so với năm 1995. Bình quân đầu người đạt 2.150 ngàn đồng, tương ứng với 195 USD.

    Trong lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành chú trọng bảo đảm cho nông nghiệp phát triển ổn định, vững chắc về lương thực, thực phẩm, cải tiến cơ cấu kinh tế nông thôn, tạo sự chuyển dịch về phân công lao động theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5... Hội nghị Tỉnh ủy mở rộng trong hai ngày (ngày 6 và ngày 7-9-1996), đã thảo luận một số đề án của tỉnh: "Tiếp tục đổi mới tổ chức quản lý hợp tác xã nông nghiệp theo luật hợp tác xã", khẳng định hợp tác xã nông nghiệp là một thành phần kinh tế, hợp tác xã nông nghiệp là hợp tác xã toàn diện, không có tổ chức hợp tác xã chuyên khâu". Tỉnh chỉ đạo xây dựng Điều lệ mẫu, thành lập Ban chỉ đạo của tỉnh do đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy làm Trưởng ban và mở hội nghị triển khai kế hoạch làm điểm thi hành Luật hợp tác xã và điều lệ mẫu hợp tác xã nông nghiệp đến các huyện, thành, lị để áp dụng ra diện rộng. Các hợp tác xã nông nghiệp đã thực hiện đổi mới quản lý, giao quyền sử dụng đất ổn định lâu dài cho nông dân, phát huy vai trò tự chủ kinh tế hộ gia đình, tạo ra động lực thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển. Năm 1996, mặc dù bị thiên tai, nhưng sản lượng lương thực của tỉnh vẫn đạt 878.800 tấn; lương thực bình quân đạt 460 kg/người. Giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 2.175 tỷ đồng, bằng 97,5% so với năm 1995. Trong chăn nuôi, đàn gia súc, gia cầm tăng nhanh, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng năm 1996 đạt 35.800 tấn (tăng 6% so với năm trước). Nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản, nuôi tôm, cá nước ngọt và nước lợ được mở rộng, tạo thêm nhiều sản phẩm mới phục vụ cho tiêu dùng và xuất khẩu.

 (Còn nữa)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com