[links()]
(Tiếp theo)
Trong những năm 1992-1995, Đảng bộ đã đạt được những kết quả quan trọng trong công tác xây dựng đảng, đổi mới, chỉnh đốn đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, bước đầu làm chuyển biến tình hình, song hiệu lực quản lý của chính quyền các cấp chưa cao, chưa làm rõ chức năng quản lý nhà nước về kinh tế đối với các đơn vị sản xuất kinh doanh. Việc quản lý xã hội trên một số mặt còn hạn chế. Phong trào xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hoá mới chưa mạnh, cải cách nền hành chính nhà nước mới đạt kết quả bước đầu. Hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể chưa hướng mạnh về cơ sở, việc xây dựng giai cấp công nhân, hoạt động của hệ thống công đoàn cũng như phương thức hoạt động của tổ chức công đoàn và đoàn thể trong các doanh nghiệp còn nhiều hạn chế, lúng túng.
Nhìn chung, trong 5 năm 1991-1995, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh đã có những chuyển biến tích cực, nhiều ngành có bước phát triển khá. Một số chỉ tiêu đạt và vượt mức đề ra trong nhiệm kỳ. Cơ sở vật chất kỹ thuật từng bước được nâng cấp và tăng cường. Những kinh nghiệm quản lý trong quá trình chuyển đổi cơ chế kinh tế, cùng với việc đưa nhanh tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất đã góp phần làm cho sản xuất tại địa phương bước đầu đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và có phần tích luỹ. Đời sống nhân dân ở cả thành thị và nông thôn được cải thiện, đời sống văn hoá tinh thần, trình độ dân trí được nâng lên một bước. Tuy vậy, trên bước đường đổi mới, Tỉnh ủy, uỷ ban nhân dân tỉnh cũng chưa thực sự mạnh dạn, chưa có nhiều cơ chế, chính sách năng động, phù hợp để phát triển nền kinh tế địa phương với tốc độ cao; tiềm năng ba khu vực kinh tế trọng điểm chưa được khai thác; hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm, công nghiệp và xây dựng mới chiếm 19% GDP; quy mô nhỏ bé, thiết bị lạc hậu, năng suất thấp. Tốc độ tăng trưởng GDP chậm và chưa ổn định. Huy động GDP vào ngân sách đạt tỷ lệ thấp, nên thu ngân sách trên địa bàn mới đáp ứng 59,1% nhu cầu chi. Quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa trên một số lĩnh vực chưa được củng cố.
Năm 1996 là năm mở đầu thực hiện kế hoạch 5 năm 1996-2000, là năm tổ chức đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng. Vì vậy, ngay từ đầu năm, Đảng bộ, nhân dân Nam Hà đã phát động phong trào thi đua lao động sản xuất, lập thành tích chào mừng đại hội đảng bộ các cấp.
Trong không khí đó, ngày 3-2-1996, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã về thăm và làm việc với lãnh đạo tỉnh. Đồng chí biểu dương những thành tích của Đảng bộ và nhân dân đã đạt được, chỉ rõ phương hướng, nhiệm vụ trong năm 1996 và yêu cầu Đảng bộ, nhân dân Nam Hà nỗ lực phấn đấu cao hơn nữa, lập thành tích chào mừng đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng. Thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy đề ra phương hướng chung của năm 1996 là: Tiếp tục thực hiện đường lối đổi mới, tập trung đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế... Kết hợp phát triển kinh tế với phát triển văn hoá, xã hội, đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng... Thực hiện tốt công tác an ninh, quốc phòng, tăng cường công tác xây dựng đảng, chính quyền và các đoàn thể quần chúng.
Thực hiện Chỉ thị số 51-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Tỉnh ủy chỉ đạo Đại hội các Đảng bộ huyện Xuân Thủy, Kim Bảng, từ đó rút kinh nghiệm để chỉ đạo chung trong toàn Đảng bộ tỉnh, tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX.
Đến ngày 24-4-1996, đã có 1.246/1.250 cơ sở và 18/18 đảng bộ trực thuộc tổ chức đại hội thành công. Đại hội các cấp được chuẩn bị và tổ chức công phu, nghiêm túc, bảo đảm 4 nội dung theo Chỉ thị số 51-CT/TW. Cũng trong tháng 4-1996, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khoá VIII) họp Hội nghị lần thứ 19 và 20 để thảo luận đóng góp ý kiến vào dự thảo Báo cáo chính trị, kiểm điểm của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX và thảo luận cơ cấu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá IX. Tỉnh ủy cũng chỉ đạo việc tổng hợp ý kiến của 18/18 đảng bộ trực thuộc tỉnh đóng góp vào các dự thảo văn kiện của Trung ương trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng.
Từ ngày 7 đến ngày 9-5-1996, Đại hội Đảng bộ tỉnh Nam Hà lần thứ IX được tổ chức tại thành phố Nam Định, có 349 đại biểu chính thức dự Đại hội. Đồng chí Đỗ Mười, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã gửi điện chào mừng Đại hội, biểu dương thành tích của Đảng bộ, quân và dân trong tỉnh đạt được trong 5 năm qua. Đồng chí đặt nhiều hy vọng vào quá trình tự vận động đi lên của tỉnh Nam Hà và mong tỉnh sớm trở thành tỉnh phát triển ở khu vực đồng bằng sông Hồng.
Đại hội đã thông qua báo cáo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá VIII, kiểm điểm của Ban Chấp hành và báo cáo tổng hợp ý kiến tham gia vào các dự thảo văn kiện trình Đại hội VIII của Đảng. Đại hội bầu 49 đồng chí vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khoá IX), bầu đoàn đại biểu đi dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng, gồm 28 đồng chí. Ngày 9-5-1996, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá IX họp phiên đầu tiên bầu Ban Thường vụ gồm 13 đồng chí. Đồng chí Trần Minh Ngọc được bầu là Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Lê Văn Yển được bầu là Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, đồng chí Trần Quang Ngọc được bầu là Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.
(Còn nữa)