Đại lộ Thiên Trường nằm trên tuyến đường BOT Nam Định - Phủ Lý, chiều rộng 48m, dài 8.500m, từ Quốc lộ 10 đến hết địa phận huyện Mỹ Lộc tiếp giáp với tỉnh Hà Nam.
Phủ Thiên Trường xưa là nơi phát tích của vương triều Trần, một triều đại nổi tiếng về “võ công, văn trị”, thịnh trị vào bậc nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Theo sử sách ghi lại, mùa xuân năm Nhâm Tuất (1262), Thái Thượng hoàng Trần Thái Tông cùng quan gia về đến hành cung Tức Mặc đã cho mở tiệc lớn chiêu đãi dân chúng và xuống chiếu đổi hương Tức Mặc thành phủ Thiên Trường. Trong suốt lịch sử 175 năm tồn tại của vương triều Trần, phủ Thiên Trường trở thành kinh đô thứ hai của nước Đại Việt sau kinh thành Thăng Long. Đến thời nhà Lê và các triều đại phong kiến về sau, phủ Thiên Trường đã có nhiều lần thay đổi tên: lộ Thiên Trường thuộc Nam Đạo (1428); đạo Thừa Tuyên Thiên Trường (1466), dưới thời Hồng Đức (1470-1497) đổi thành xứ Sơn Nam, thời Tây Sơn đổi thành trấn Sơn Nam Hạ. Năm 1821, nhà Nguyễn đổi trấn Sơn Nam Hạ thành trấn Nam Định; năm 1832 đổi trấn Nam Định thành tỉnh Nam Định… Dù với tên gọi nào thì Thiên Trường - Nam Định vẫn là mạch nguồn xuyên suốt, vẫn giữ được vai trò trung tâm văn hóa, kinh tế, là nơi địa linh nhân kiệt, nơi hội tụ, hình thành và tỏa sáng các giá trị nhân văn của nhiều thế hệ người dân đất Việt.
Việc đường cao tốc Nam Định - Phủ Lý, trong đó có đoạn mang tên “Đại lộ Thiên Trường” được xây dựng là một bước đột phá về giao thông của tỉnh. Đây là tuyến đường trục quan trọng kết nối giữa tỉnh Nam Định với trục đường cao tốc Bắc - Nam, tạo thuận lợi để tỉnh ta giao thương với khu vực cũng như cả nước./.
Viết Dư